Tunisia và EU ký hiệp ước ngăn chặn làn sóng di cư

Thứ Bảy, 29/07/2023, 10:20

Trung tuần tháng 7/2023, chính phủ Tunisia và Liên minh châu Âu đã ký một thỏa thuận “đối tác chiến lược” bao gồm việc chống lại những kẻ buôn người và thắt chặt biên giới trong bối cảnh số lượng tàu thuyền rời quốc gia Bắc Phi này đến châu Âu tăng mạnh.

Thỏa thuận này diễn ra sau nhiều tuần đàm phán và cam kết của châu Âu về viện trợ lớn cho Tunisia lên tới 1 tỷ euro (1,12 tỷ USD) để giúp đỡ nền kinh tế đang bị tàn phá của nước này, giải cứu tài chính Nhà nước và đối phó với cuộc khủng hoảng di cư.

Khủng hoảng càng ngày càng sâu sắc

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte công bố trên trang Twitter rằng: “Nó bao gồm các thỏa thuận về phá vỡ mô hình kinh doanh của những kẻ buôn lậu và buôn người, tăng cường kiểm soát biên giới và cải thiện việc đăng ký và hồi hương”. “Tất cả các biện pháp cần thiết để tăng cường nỗ lực ngăn chặn di cư bất hợp pháp”. Hàng nghìn người di cư châu Phi không có giấy tờ đã đổ xô đến thành phố Sfax trong những tháng gần đây để tìm cách tới châu Âu trên những chiếc thuyền của bọn buôn người, gây ra một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có đối với Tunisia.

Tunisia và EU ký hiệp ước ngăn chặn làn sóng di cư -0
Những người di cư trên một chiếc thuyền tạm bợ sau khi được chính quyền Tunisia phát hiện đang trên đường tới Italia cách bờ biển thành phố Sfax của Tunisia khoảng 50 dặm vào ngày 4/10/2022. Ảnh: AFP.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này sẽ phân bổ 100 triệu euro cho Tunisia để giúp nước này chống lại nạn di cư bất hợp pháp. Thỏa thuận thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, chuyển đổi năng lượng xanh và nhập cư hợp pháp. Thủ tướng Italia Giogia Meloni nói rằng: “Chúng tôi rất hài lòng. Đây là một bước quan trọng hơn nữa hướng tới việc tạo ra mối quan hệ đối tác thực sự giữa Tunisia và EU, có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư theo cách tích hợp”. Tháng 6/2023, Tổng thống Kais Saied cho biết Tunisia sẽ không chịu trách nhiệm ngăn chặn dòng di cư bất hợp pháp đến châu Âu và “từ chối là nơi trung chuyển hoặc định cư cho người di cư”.Trước đó, vào tháng 2/2023, Saied đã liên tưởng những người từ châu Phi cận Sahara ở nước này với tội phạm, theo các bình luận thì điều này bị nhiều người lên án là phân biệt chủng tộc.

Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 75.065 người di cư bằng thuyền đã đến Italia tính đến ngày 14/7 so với 31.920 người cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa còn lại từ Tunisia, vượt qua Libya - nơi có truyền thống là bệ phóng chính cho người tị nạn vượt biên.

Những bi kịch gần đây bao gồm vụ chìm thuyền trên đường đến Italia vào ngày 13/7, khi lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia báo cáo đã tìm thấy thi thể của 13 người di cư châu Phi cận Sahara và giải cứu được 25 người khác. Lực lượng bảo vệ bờ biển báo cáo rằng vụ việc xảy ra ở ngoài khơi bờ biển Sfax, mặc dù họ không nói rõ khoảng cách của con thuyền với bờ biển vào thời điểm chìm là bao nhiêu. Trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo ở Tunisia, quốc gia Bắc Phi này đã trở thành điểm khởi hành chính của những người di cư đến châu Âu.

Trước đó 4 ngày, vào ngày 9/7, ít nhất 10 người mất tích và một người chết sau khi một chiếc thuyền cố gắng đến Italia bị chìm ngoài khơi bờ biển Tunisia. Faouzi Masmoudi, một thẩm phán ở thành phố Sfax gần đó cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã giải cứu 11 người khỏi chiếc thuyền bị lật ngoài khơi thị trấn Zarzis, đông nam nước này. Số người chết hoặc mất tích do chìm thuyền ngoài khơi Tunisia đã lên tới 608.

Mỗi ngày, hàng trăm người Tunisia và người châu Phi cận Sahara lên đường từ Tunisia. Thành phố ven biển Sfax và các thị trấn lân cận đã trở thành điểm tiếp cận quan trọng tới châu Âu đối với nhiều người cố gắng vượt Địa Trung Hải. Trong những tuần gần đây, người Tunisia ở Sfax đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của người tị nạn. Ngày 4/7, một thanh niên Tunisia đã bị đâm chết trong các cuộc đối đầu bạo lực trong thành phố, sau đó các quan chức tư pháp cho biết ba người châu Phi cận Sahara bị nghi ngờ chịu trách nhiệm đã bị bắt giữ.

Các lực lượng an ninh Tunisia đã trục xuất hàng trăm người châu Phi từ Sfax đến khu vực biên giới với Libya vào tuần đầu của tháng 7. Theo Lauren Seibert, một nhà nghiên cứu về quyền của người tị nạn và người di cư tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, lực lượng an ninh đã đánh đập những người bị trục xuất, vứt bỏ thức ăn và đập vỡ điện thoại của họ.

Tunisia chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc kể từ tháng 7/2021, khi Tổng thống Tunisia Saied đơn phương đình chỉ quốc hội và giải tán chính phủ. Sau khi nắm quyền, kế hoạch lần đầu tiên đã được tiết lộ là Saied quyết định cai trị bằng sắc lệnh, một động thái mà các đối thủ của ông chỉ trích là một “cuộc đảo chính hợp hiến”. Nền kinh tế Tunisia đang trong tình trạng suy sụp do lạm phát tràn lan và sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu. Cuộc khủng hoảng này lại càng gia tăng hơn nữa bởi cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Tunisia và EU ký hiệp ước ngăn chặn làn sóng di cư -0
Thanh niên Tunisia đốt lốp xe ở Sfax, sau khi chôn cất một người thiệt mạng trong các cuộc đối đầu bạo lực ở thành phố vào ngày 4/7/2023. Ảnh: AFP.

Có tồn tại mối liên hệ giữa khách sạn Brighton và các băng đảng buôn người?

Một khách sạn khét tiếng ở Brighton, nơi 136 trẻ vị thành niên không có người đi kèm xin tị nạn ở Anh đã biến mất vào năm 2022, sẽ được mở cửa trở lại vào khoảng tuần cuối cùng của tháng 6, theo một bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ của Bộ Nội vụ Anh quốc (Home Office).

Một mạng lưới các khách sạn do Bộ Nội vụ Anh quốc ký hợp đồng để cung cấp chỗ ở cho trẻ vị thành niên không có người đi cùng đã bị đóng cửa sau khi có thông tin tiết lộ vào tháng 1/2022 rằng hơn 400 trẻ em đã mất tích kể từ khi chương trình này được triển khai vào tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, một tin nhắn bị rò rỉ từ một quan chức cấp cao tại khách sạn ở bờ biển phía nam tiết lộ rằng khách sạn này sẽ “hoạt động trở lại trước ngày 27/6” để tiếp nhận người tị nạn là trẻ vị thành niên.

Trong tổng số 400 trẻ vị thành niên không có người đi cùng, 154 người vẫn đang mất tích theo một cuộc tranh luận gần đây của quốc hội, trong đó có 50 người mất tích chỉ riêng tại khách sạn Brighton. Mạng lưới các khách sạn là mục tiêu của các băng đảng sau khi tên của chúng được công bố trực tuyến.Một số trẻ em dường như đã bị buôn bán và đưa vào làm việc cho các doanh nghiệp tội phạm ở Greater Manchester, tờ The Guardian đã đưa tin.

Lạm dụng trẻ em

Lauren Starkey, nhân viên xã hội và là thành viên của nhóm chiến dịch Homes Not Hotels, chia sẻ rằng: “Đây thực sự là hành vi bỏ bê và lạm dụng trẻ em được nhà nước hậu thuẫn, bởi vì trẻ em có nguy cơ bị tổn hại và bóc lột cao”. “Bất kỳ đứa trẻ nào đến Vương quốc Anh không có người đi kèm nên được chính quyền địa phương chăm sóc. Theo chúng tôi hiểu, đó là điều đã xảy ra trong vài tháng qua kể từ khi các khách sạn không còn chỗ trống”. Starkey nói: “Rõ ràng Bộ Nội vụ một lần nữa mất kiểm soát tình hình và hiện đang sử dụng các khách sạn một cách bất hợp pháp”.

Theo Starkey, các nhân viên hợp đồng tư nhân chăm sóc trẻ em không được đào tạo về chăm sóc trẻ em và không nắm vững các điều luật dành cho trẻ em. Và nhân viên xã hội không được tuyển dụng để giám sát việc chăm sóc trẻ em này của họ. Nhà thầu cuối cùng điều hành khách sạn là công ty Mitie, một trong những nhà thầu có tên trong một báo cáo gần đây của Liberty Investigates và Mirror về việc nhân viên nhập cư sử dụng bạo lực.

Mitie, công ty điều hành 50% các trung tâm giam giữ của Bộ Nội vụ, đã được nêu tên trong nhiều trường hợp trong suốt báo cáo, với việc các nhân viên được cho là đã đá một thiếu niên tự làm hại mình, và ông ta còn vượt qua các ranh giới khác và quỳ gối vào đầu một tù nhân khác.

Tunisia và EU ký hiệp ước ngăn chặn làn sóng di cư -0
Một người di cư bế đứa trẻ chạy lên thuyền của một kẻ buôn lậu trên bãi biển gần Dunkirk, miền bắc nước Pháp, vào ngày 12/10/2022, trong nỗ lực vượt qua eo biển Manche. Ảnh: AFP.

Brighton như một trại giam trá hình?

Bộ Nội vụ cho biết, do sự gia tăng số lượng thuyền nhỏ vượt biển, chính phủ “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc cho những trẻ em xin tị nạn không có người đi kèm đi cùng ở trong khách sạn. Một báo cáo trước đây của Liberty Investigates tiết lộ rằng 107 người xin tị nạn đã chết trong nhà của Bộ Nội vụ kể từ năm 2016, phần lớn chết trong chỗ ở tạm thời, thường là các khách sạn do các nhà thầu tư nhân điều hành.

Eleanor Rose, một biên tập viên của Liberty Investigates, cho biết: “Nói chung, các khách sạn đã nhiều lần bị phát hiện là không gian không phù hợp cho những người dễ bị tổn thương ở lại trong một thời gian dài”. Những người tìm kiếm báo cáo rằng những người tị nạn không được tiếp cận với sự trợ giúp y tế khi họ cần. Những người có con nhỏ không có cơ sở vật chất thiết yếu. Theo Rose, bản chất chuyển tiếp của chỗ ở này là một hình thức “giam giữ giả” bẫy những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương trong tình trạng không ổn định kéo dài. Cô nói: “Đây dường như là một vấn đề đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên khi bị giam giữ trong tình trạng không an toàn với những người khác khi đang ở cách xa gia đình”. Carenza Arnold, một nhà vận động cho tổ chức Vì phụ nữ tị nạn, cho biết tổ chức của cô ngày càng nhận được nhiều báo cáo về những phụ nữ xin tị nạn bị giam giữ trong khách sạn.

Trong đại dịch COVID-19, những người xin tị nạn đã được chuyển đến khách sạn như một biện pháp tạm thời, nhưng Arnold nói rằng “rất nhiều phụ nữ trong số này vẫn ở trong khách sạn nhiều năm sau đó. Chúng tôi đã có báo cáo về việc phụ nữ cảm thấy rất không an toàn trong khách sạn, đặc biệt nếu họ phải ở chung tầng với những người đàn ông không có quan hệ họ hàng”. “Một phụ nữ nói với chúng tôi rằng tất cả các nhân viên tại khách sạn đều từ chối gọi cô ấy bằng tên. Họ chỉ đơn giản gọi cô ấy là số phòng của cô ấy, điều mà cô ấy giải thích là khiến cô ấy cảm thấy mình kém cỏi hơn và giống như danh tính của cô ấy đang bị tước bỏ”. Tình trạng tương đối thiếu an ninh trong các khách sạn cũng khiến phụ nữ và những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương có nguy cơ bị các nhóm cực hữu tấn công.

Nhóm Homes Not Hotels đã tổ chức một cuộc biểu tình vào tối ngày 27/6 bên ngoài tòa thị chính Brighton để kêu gọi đóng cửa khách sạn. Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa khách sạn trở lại là không hề thay đổi. Đây có phải là một trong những nơi chốn an toàn cho nhóm buôn người hoạt động hay không? Một câu hỏi đã được đặt ra khi hơn 400 trẻ em đã bị mất tích ngay tại nơi đây.

Huyền Thanh (Tổng hợp)
.
.