Tương lai của Syria gắn liền cùng thỏa thuận hòa bình với Israel

Thứ Năm, 24/07/2025, 07:48

Lệnh ngừng bắn mong manh vừa đạt được tại Syria đã bị phá vỡ bởi những cuộc giao tranh giữa người Druze và Bedouin tại Sweida cuối tuần qua. Nếu bạo lực leo thang, chính quyền Tổng thống Ahmed al-Sharaa sẽ gặp bất lợi vì vấn đề người Druze đang là mấu chốt trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Syria và Israel.

Một cái nhìn nhanh về xung đột Israel - Syria

Để hiểu được vấn đề, có lẽ cần nhìn lại lịch sử mối quan hệ thù địch giữa Israel và Syria. Xung đột giữa hai bên có gốc rễ từ năm 1948, khi Israel được thành lập và các nước Arab, bao gồm Syria, phản đối, dẫn đến các cuộc chiến tranh Arab - Israel. Một mốc quan trọng là Chiến tranh 6 ngày (1967), khi Israel giành chiến thắng và chiếm Cao nguyên Golan từ Syria.

Tương lai của Syria gắn liền cùng thỏa thuận hòa bình với Israel -2
Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa, nhà lãnh đạo của chính phủ mới tại Syria, trong chuyến thăm Qatar, tháng 4/2025.

Các cuộc chiến và xung đột căng thẳng vẫn liên tục diễn ra sau đó. Sau năm 1967, Israel và Syria tiếp tục đối đầu trong Chiến tranh Yom Kippur (1973) và các cuộc giao tranh lẻ tẻ. Cao nguyên Golan vẫn là lãnh thổ bị chiếm đóng và dù Israel đã đồng ý quay trở lại đường ngừng bắn năm 1967 trong thỏa thuận rút quân năm 1974 giữa Israel và Syria, các nỗ lực ngoại giao như Hiệp định đình chiến 1974 không giải quyết triệt để mâu thuẫn. Syria vẫn coi Israel là kẻ thù không đội trời chung và luôn đặt vấn đề đòi lại Cao nguyên Golan như yêu cầu then chốt trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán giữa hai nước.

Kể từ năm 2011, khi Syria rơi vào nội chiến làm suy yếu chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad, Israel đã tận dụng tình hình để tấn công các mục tiêu liên quan đến Iran và Hezbollah (đồng minh của Syria) nhằm ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Iran gần biên giới Israel. Các cuộc tấn công thường xuyên diễn ra, đặc biệt từ năm 2017, nhắm vào kho vũ khí, căn cứ quân sự và các đoàn xe vận chuyển vũ khí.

Ngay sau khi chế độ ông Bashar al-Assad sụp đổ cách đây 7 tháng, Israel tranh thủ thời cơ chiếm đóng hàng trăm km vuông ở phía Tây Nam Syria dọc theo biên giới với miền Nam Lebanon, nơi nước này trước đó từng thiết lập 5 tiền đồn quân sự kể từ khi lệnh ngừng bắn với Hezbollah đạt được vào tháng 11 năm ngoái.

Và, khi xung đột vũ trang bùng phát ở miền Nam Syria giữa cộng đồng Druze và bộ tộc Bedouin cuối tháng 6, Israel đã tiến hành nhiều chiến dịch không kích để hỗ trợ lực lượng Druze và đáp trả các hành động của chính quyền Syria nhằm vào cộng đồng này. Đỉnh điểm của những hoạt động quân sự là việc Israel cho ném bom trụ sở Bộ Quốc phòng Syria hôm 16/7, gây áp lực mạnh mẽ lên chính quyền mới của Tổng thống Ahmed al-Sharaa.

Người Druze là ai?

Cộng đồng tôn giáo Druze phân bố rải rác khắp vùng Levant, với một nửa trong số khoảng một triệu người sống ở Syria, chiếm khoảng 3% dân số. Phần lớn số còn lại phân bố khắp Lebanon và Israel, cũng như Cao nguyên Golan. Kín đáo với người ngoài và thường bị hiểu lầm, tín ngưỡng Druze xuất hiện vào thế kỷ 11 như một nhánh của Hồi giáo Shiite. Dù có chung nguồn gốc lịch sử với Hồi giáo, nhưng Druse không tự nhận mình là người Hồi giáo. Tôn giáo độc thần của họ pha trộn các yếu tố của triết học Hy Lạp, Ấn Độ giáo và Tân Plato, với các kinh sách thiêng liêng chỉ một số ít người được tiếp cận. Chủ nghĩa thần bí đó từ lâu đã thu hút cả sự chú ý lẫn sự nghi ngờ, khiến một số học giả Hồi giáo qua nhiều thế kỷ đã gán cho họ cái mác dị giáo.

Tương lai của Syria gắn liền cùng thỏa thuận hòa bình với Israel -0
Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Tom Barrack, người tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Syria.

Người Druze có truyền thống cam kết trung thành với nhà nước nơi họ sinh sống. Đó là một nguyên tắc bắt nguồn từ giáo lý tôn giáo của họ, coi trọng chủ nghĩa thực dụng và tự bảo vệ hơn là đối đầu chính trị. Do đó, cộng đồng Druze sống tại Israel đã hỗ trợ người Do Thái rất nhiều kể từ những ngày đầu Israel lập quốc. Ngày nay, một số lượng lớn người Druze đang phục vụ trong quân đội Israel và nhiều người trong đó đang giữ các vị trí chỉ huy.

Tại Syria, bức tranh hơi khác một chút. Người Druze ở Syria phần lớn tránh nổi loạn công khai, nhưng cũng phản đối việc sáp nhập sâu hơn vào chế độ dưới thời cựu Tổng thống Bashar al-Assad. Nhiều người Druze phục vụ trong quân đội Syria, nhưng các lực lượng dân quân địa phương vẫn duy trì một mức độ độc lập nhất định, thường tự quản lý khu vực của mình, bao gồm cả Sweida, trung tâm của cộng đồng Druze.

Dù lập trường trung thành với chính quyền sở tại đã dẫn dắt người Druze ở Syria, Lebanon và Israel đi theo những con đường chính trị khác nhau, nhưng một mối liên kết xuyên quốc gia mạnh mẽ vẫn tồn tại: mối quan hệ họ hàng, ký ức chung và sự bảo vệ lẫn nhau. Vì thế, khi xung đột vũ trang bùng phát giữa các lực lượng dân quân người Druze và người Bedoiun nổ ra tại phía Nam Syria, dẫn tới sự can thiệp của quân đội Syria vào khu vực này, người Druze tại Israel đã gây áp lực mạnh mẽ yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu bảo vệ những đồng bào của họ bên phía Syria.

Yêu cầu này cũng trùng khớp với những toan tính của Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 17/7 tuyên bố Syria đã vượt qua 2 lằn ranh đỏ, buộc ông phải hành động. Thứ nhất là việc đưa quân vào khu vực mà Israel yêu cầu phải chuyển đổi thành “khu phi quân sự”, điều mà Israel cho là cần thiết để ngăn chặn phiến quân bám rễ tại đó. Thứ hai là việc để mặc cho người Druze bị tổn hại, với dẫn chứng là hàng trăm người Druze đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với những tay súng Bedouin cũng như trong các hoạt động can thiệp của quân đội Chính phủ Syria.

Trước các cuộc không kích dữ dội của Israel, đặc biệt là sau đòn quyết định nhằm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Syria hôm 16/7, Damascus đã xuống thang. Tổng thống Ahmed al-Sharaa ra lệnh cho quân đội chính phủ rút khỏi Sweida và nhường quyền kiểm soát cho lực lượng dân quân Druze. Ông Al-Sharaa cũng đồng ý về một thỏa thuận ngừng bắn với Israel vào ngày 19/7, đồng thời tuyên bố lệnh ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện trên cả nước.

Thỏa thuận ngừng bắn này được Mỹ ủng hộ và các nước Arab láng giềng của Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan chấp nhận. Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Tom Barrack, người đã tích cực tham gia vào các nỗ lực ngoại giao cho thỏa thuận, cũng kêu gọi người Druze, và Bedouin ở Syria hạ vũ khí để “cùng các nhóm thiểu số khác xây dựng một bản sắc Syria mới và thống nhất”.

Điều kiện tiên quyết để tái thiết

Chính vì những diễn biến kể trên, việc lệnh ngừng bắn bị vi phạm bởi những cuộc đọ súng lẻ tẻ giữa người Druze và Bedouin hôm 20/7 vừa qua đang đe dọa phá hỏng các tính toán của chính quyền mới tại Syria. Chính quyền này cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, nhằm mở đường cho các nguồn lực tái thiết đất nước sau hơn một thập kỷ nội chiến.

Tương lai của Syria gắn liền cùng thỏa thuận hòa bình với Israel -1
Các chiến binh Druze và Bedouin vẫn giao tranh trên đường phố Sweida (Syria) bất chấp lệnh ngừng bắn.

Hiện tại, nhiều công ty Arab Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đã cam kết đầu tư vào Syria. Tập đoàn DP World có trụ sở tại Dubai đã ký một thỏa thuận kéo dài 30 năm để đầu tư 800 triệu USD vào việc phát triển và vận hành cảng Tartous của Syria. Công ty hàng hải CMA CGM của Pháp thậm chí đã ký một thỏa thuận tương tự trị giá 258 triệu USD cho cảng Latakia lớn hơn từ hồi tháng 5.

Các nhà đầu tư quốc tế khác đang tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Một liên doanh gồm các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Qatar đã đồng ý đầu tư 7 tỷ USD vào các nhà máy phát điện với tổng công suất 5 gigawatt tại Syria hồi tháng 6. Trước đó 1 tháng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối nước này với miền Bắc Syria.

Các tín hiệu lạc quan đang ngày một nhiều, với khoảng 20 tỷ USD đầu tư nước ngoài và viện trợ tài chính dự kiến sẽ đổ vào Syria trong vài năm tới. Nhưng, theo các chuyên gia về Trung Đông, nguồn tiền rất cần thiết này vẫn phụ thuộc vào việc chính phủ của Tổng thống Ahmed al-Sharaa duy trì được thỏa thuận ngừng bắn hiện nay, hay rộng hơn là duy trì hòa bình với Israel, hay không.

Andreas Krieg, phó giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại King's College London, cho biết: "Dù Mỹ ủng hộ chính phủ mới tại Syria tận dụng khoảng trống quyền lực do sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Iran, nhưng sự ủng hộ đó lại bị hạn chế bởi những lo ngại về an ninh của Israel”.

Cũng theo phó giáo sư Krieg, Tổng thống Donald Trump - người đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria vào tháng 5 theo đề nghị của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan - cũng “ủng hộ các liên minh mang tính giao dịch (tức là hai bên cùng có lợi) và báo hiệu rằng sự tham gia sâu hơn của Mỹ vào Syria phụ thuộc đáng kể vào cách nước này quản lý mối quan hệ với Israel”.

Yêu cầu này là bài toán rất khó đối với chính quyền Tổng thống Al-Sharaa. Lý do không chỉ bởi sự ngờ vực, mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm tôn giáo sắc tộc mà trong đó có liên quan đến người Druze. Lý do còn nằm ở chính những vấn đề lịch sử giữa Israel và Syria, với nhân tố chính là Cao nguyên Golan. Trong các cuộc đàm phán do Azerbaijan làm trung gian những tháng gần đây, Israel được cho là đã từ chối rút quân về đường ngừng bắn đã thỏa thuận năm 1974 ở biên giới Cao nguyên Golan của Syria, nơi mà họ đã sáp nhập vào năm 1981.

Theo tiến sĩ Seyed Ali Alavi, giảng viên nghiên cứu Trung Đông tại Đại học SOAS London: “Damascus sẽ gặp rắc rối nếu từ bỏ yêu sách đối với Cao nguyên Golan, vì điều này sẽ bị người dân Syria và Arab coi là một sự nhượng bộ không thể tha thứ”. Phát biểu với This Week in Asia, tiến sĩ Alavi nói: “Syria chắc chắn sẽ phải đối mặt với Israel về lâu dài, trong khi sự hỗ trợ của Israel dành cho người Druze vốn là chiến lược tạo ra vùng đệm của Nhà nước Do Thái ở khu vực phía Tây Nam”.

Trong khi đó, Israel luôn khẳng định, sẵn sàng hành động nếu cần thiết để bảo vệ người Druze, khi Thủ tướng Netanyahu giải thích cho sự can thiệp quân sự của nước này vào cuộc giao tranh ở Sweida là nhằm “ngăn chặn tác hại đối với người Druze ở Syria nhờ liên minh anh em sâu sắc với công dân Druze của chúng tôi ở Israel”. Do vậy, có lẽ còn quá sớm để tin vào một mối quan hệ yên bình giữa Israel và Syria, đồng nghĩa quá trình tái thiết đất nước này cũng như việc thực hiện các hợp đồng “tỷ đô” của những công ty phương Tây tại Syria, vẫn còn là một câu hỏi ngỏ.

Quang Anh
.
.