Tương lai mịt mờ của Sudan một năm sau đảo chính

Thứ Ba, 01/11/2022, 14:45

Ngày 25/10/2021, quân đội Sudan đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ, chấm dứt quá trình chuyển đổi dân chủ mong manh ở quốc gia châu Phi này. Một năm sau, Sudan đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc giữa một bên là liên minh đảo chính, vốn không thể củng cố quyền lực, và một bên là phong trào dân sự dân chủ.

Tình hình kinh tế - xã hội khó khăn

Khi các tướng lĩnh Sudan lên nắm chính quyền, thủ lĩnh cuộc đảo chính Abdel Fattah al-Burhan hứa rằng ông ta sẽ nhanh chóng bổ nhiệm một nội các gồm các nhà kỹ trị để chấn chỉnh tình hình và điều hành đất nước cho đến cuộc bầu cử vào năm 2023. Tuy nhiên, một năm sau, Burhan đã không thể hoàn thành những lời hứa của mình.

anh 1.jpg -0
Sudan vẫn chìm trong bạo lực và biểu tình một năm sau cuộc đảo chính

Dưới sự cai trị của ông, nền kinh tế của Sudan đã sụp đổ, đất nước đang trải qua mức độ bạo lực và mất an ninh cao, đặc biệt là ở vùng ngoại vi và Khartoum đang phải chịu sự cô lập trên toàn thế giới do lo ngại về sự bất ổn ngày càng gia tăng. Chính quyền cũng đã phải đối mặt với sự phản đối của quần chúng bất chấp sự đàn áp gay gắt của họ.

Đối mặt với sự kháng cự này, tháng 7 năm ngoái, ông Burhan tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang đã sẵn sàng rút lui một cách mơ hồ khỏi chính trường, nhưng những nỗ lực của ông đã bị bác bỏ. Trong những tháng gần đây, đã có những đề xuất khác và những nỗ lực thất bại trong việc cố gắng tìm ra lối thoát, trong đó vai trò của các tướng lĩnh trong tương lai của đất nước là điểm chính gây tranh cãi.

Nỗ lực đàm phán chính trị bất thành

Các cuộc đàm phán đang diễn ra ở hậu trường với một số đại diện của Lực lượng Vì Tự do và Thay đổi (FLC, liên minh của các bên đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực với quân đội vào năm 2019) dưới sự bảo trợ của Mỹ, Anh, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Kể từ đầu tháng 9/2020, mỗi bên đều đề xuất một phương cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Một thỏa thuận được ký kết với lực lượng dân sự sẽ cung cấp cho các tướng lĩnh một lối thoát, đảm bảo được ân xá hoặc ít nhất là một vị trí thuận lợi trong một hội đồng lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ba vấn đề lớn chưa được giải quyết: quá trình chuyển tiếp công bằng, lợi ích kinh tế của quân đội và cải cách ngành an ninh.

Để có được nhượng bộ, FLC đang tính đến việc tiếp tục một phong trào cộng đồng rộng rãi. Jihad Mashamoun, giáo sư tại Đại học Exeter, nhận định: “Họ đang quan tâm đến những người biểu tình trên đường phố. Tuy nhiên, khi ngồi vào bàn đàm phán, họ đã tự làm mất uy tín của mình trong mắt một bộ phận lớn dân chúng vốn không tin tưởng vào các vị tướng”.

Trước thềm ngày kỷ niệm một năm cuộc đảo chính, đã có những đồn đoán về một thỏa thuận sắp được ký kết giữa Hội đồng Trung tâm của Lực lượng Vì Tự do và Thay đổi (FFC-CC) và các tướng đảo chính. Sharif Mohamed Osman, một quan chức của FFC-CC, đã xác nhận với Al-Monitor về “liên hệ không chính thức” giữa Burhan và người đứng đầu Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, dựa trên dự thảo hiến pháp do Hiệp hội Luật sư Sudan (SBA) soạn thảo.

Tuy nhiên, Osman bày tỏ nghi ngờ về một thỏa thuận sắp xảy ra vì sự mất lòng tin sâu sắc đối với các tướng lĩnh và tổn thất chính trị mà một thỏa thuận như vậy sẽ gây ra cho liên minh. Ông lưu ý: “Mức độ tin tưởng vào việc quân đội sẽ thực hiện các cam kết được đưa ra trong các cuộc họp không chính thức là rất thấp”.

Bất kỳ thỏa thuận nào về việc đánh giá lại công thức chia sẻ quyền lực, quy trình trách nhiệm giải trình và cải cách toàn diện lĩnh vực an ninh nhất định sẽ vấp phải sự phản đối từ bên trong phong trào ủng hộ dân chủ, được dẫn đầu bởi các ủy ban kháng chiến. Faisal Alsaeed, thành viên của một ủy ban kháng chiến ở Omdurman, phía tây Khartoum, nói với Al-Monitor: “Vai trò của chúng tôi một năm sau cuộc đảo chính là mở ra những cánh cửa mới thông qua các lực lượng của cuộc cách mạng và đa dạng hóa các phương pháp đấu tranh”.

Việc các tướng lĩnh không thể củng cố quyền lực của mình và tình hình bế tắc mỏng manh của đất nước cũng đã dẫn đến những rạn nứt trong liên minh lỏng lẻo ủng hộ cuộc đảo chính, làm dấy lên lo ngại rằng tình hình ngày càng không thể giải quyết được có thể trở thành bất ổn hơn nữa hoặc một cuộc đảo chính khác.

Trong khi đó, sự ủng hộ của dân chúng đối với quân đội, bộ mặt của cuộc đảo chính, đã giảm dần. Hiện tại, một cuộc đụng độ trực tiếp là khó có thể xảy ra, bởi không vị tướng nào có thể tập hợp đủ binh sĩ và nguồn lực để thống trị một mình.

Hiện không có con đường dẫn đến sự ổn định mà không phải đối đầu với một mô hình quản trị cơ bản chỉ phục vụ một số ít. Sudan sẽ không thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế để giải quyết những nhiệm vụ phù hợp với quyết tâm của người Sudan đang đổ ra đường phố.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.