Tuyên bố BRICS kêu gọi đồng thuận toàn cầu
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi theo hình thức trực tuyến do Trung Quốc làm chủ nhà, các nhà lãnh đạo BRICS đã thông qua Tuyên bố Bắc Kinh, trong đó kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng một vai trò xây dựng trong việc đạt được sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa các rủi ro hệ thống.
Duy trì vai trò trung tâm của WTO
BRICS kêu gọi các nước đứng đầu phát triển kinh tế của mình một cách có trách nhiệm và phi chính trị để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các nước đang phát triển. Các định chế tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế cần chung tay gây dựng sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa nguy cơ tan rã nền kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế.
Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo BRICS lưu ý rằng đại dịch COVID-19 là một cú sốc nghiêm trọng gây nhiều đau khổ cho nhân loại. Tuyên bố nêu rõ: “Sự phục hồi không cân bằng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại và triển vọng kinh tế xấu đi”.
Các nhà lãnh đạo BRICS bày tỏ lo ngại rằng sự phát triển toàn cầu đang bị gián đoạn nghiêm trọng, bao gồm cả sự mất cân đối trong phát triển giữa phương Bắc và phương Nam ngày càng gia tăng cũng như sự khác biệt trong quỹ đạo phục hồi, nới rộng khoảng cách về phát triển và công nghệ đã có từ trước. Tuyên bố cho rằng điều này đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Nghị trình 2030 vì sự phát triển bền vững, khi suy thoái kinh tế và sức khỏe, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, được dự báo sẽ còn tiếp diễn sau đại dịch. Các nhà lãnh đạo BRICS hoan nghênh các hành động nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới Nghị trình 2030 vì sự phát triển bền vững.
Các bên nhất trí hướng tới cải cách Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) để xây dựng một nền kinh tế thế giới mở nhằm hỗ trợ thương mại và phát triển, duy trì vai trò trung tâm của WTO trong việc thiết lập các quy tắc và quản trị thương mại toàn cầu, hỗ trợ phát triển bao trùm, thúc đẩy các quyền và lợi ích của tất cả các thành viên, kể cả các nước đang phát triển và kém phát triển nhất. Các nhà lãnh đạo BRICS tái khẳng định sự ủng hộ đối với một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử và dựa trên các quy tắc, mà hiện thân của nó chính là WTO.
Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tất cả các thành viên WTO tránh các biện pháp đơn phương và bảo hộ trái với tinh thần và quy tắc của tổ chức, đồng thời, nhất trí cho rằng cuộc khủng hoảng liên quan đến Cơ quan Phúc thẩm của WTO phải được giải quyết ngay lập tức, bất kể các vấn đề khác.
Các nội dung thúc đẩy hợp tác toàn cầu
Các thành viên BRICS dự kiến đợt chạy thử thứ năm của nhóm dự trữ ngoại hối có điều kiện sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng cường cơ chế dự trữ dự phòng, góp phần tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và bổ sung cho các cơ chế tài chính và tiền tệ quốc tế hiện có”.
Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ việc sửa đổi thỏa thuận về việc thiết lập nhóm dự trữ ngoại hối có điều kiện và hoan nghênh những tiến bộ liên quan đến những thay đổi đối với các văn kiện liên quan khác của nhóm này. Các bên cũng hỗ trợ việc cải thiện cấu trúc điều phối của nhóm và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Lãnh đạo các nước BRICS ủng hộ hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kiểm soát hải quan, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát hải quan và sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để tăng cường hơn nữa lĩnh vực này. Các bên hoan nghênh việc cơ quan hải quan các nước BRICS đã thống nhất được thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan cùng những tiến bộ khác đạt được trong lĩnh vực hợp tác này, cũng như hoan nghênh đối thoại về nâng cao năng lực và thực thi pháp luật.
Một phần khác trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo BRICS có liên quan đến hoạt động của IMF. Văn kiện nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại cam kết duy trì mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu mạnh mẽ và hiệu quả với IMF đóng vai trò trung tâm, dựa trên hệ thống hạn ngạch và có đủ nguồn lực tài chính”.
Các nhà lãnh đạo kêu gọi tiếp tục giảm sự phụ thuộc của IMF vào các nguồn lực tạm thời và giải quyết tình trạng các nước đang phát triển và thị trường mới nổi thiếu đại diện trong IMF. Tuyên bố giải thích rằng điều này là cần thiết để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các quốc gia này vào việc quản lý IMF, cũng như để bảo vệ số lượng phiếu bầu và tỷ trọng hạn ngạch của các quốc gia nghèo nhất và nhỏ nhất. Lãnh đạo các nước BRICS cũng hoan nghênh tiến bộ trong việc các quốc gia có vị thế mạnh mẽ tự nguyện phân phối lại quyền rút vốn đặc biệt cho các quốc gia cần nhất, cũng như quyết định của IMF thành lập Quỹ ủy thác để đảm bảo sự ổn định và bền vững.
Năng lượng và kiểm soát vũ khí
Các nhà lãnh đạo BRICS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng phổ cập nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại. Các bên công nhận vai trò cơ bản của an ninh năng lượng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của việc đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng rẻ, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với vấn đề kiểm soát vũ khí, BRICS chủ trương củng cố hệ thống hiệp ước và thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí. Các nhà lãnh đạo kêu gọi tiếp tục nỗ lực củng cố hệ thống hiệp ước và thỏa thuận, giữ gìn tính toàn vẹn của nó vì lợi ích duy trì ổn định toàn cầu, hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hiệu lực, hiệu quả và bản chất đồng thuận của các cơ chế đa phương có liên quan trong lĩnh vực giải trừ, không phổ biến và kiểm soát vũ khí.
Tuyên bố Bắc Kinh cũng nêu rõ các nước BRICS tái khẳng định cam kết của mình đối với một thế giới không có vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh cam kết và sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân tại phiên họp năm 2022 của Hội nghị Giải trừ quân bị.