Ukraine đối mặt với khủng hoảng nhân đạo

Thứ Tư, 09/03/2022, 18:07

Sau vòng đàm phán thứ ba (ngày 7-3), theo Reuters và Sputniknews dẫn lời nhà ngoại giao Ukraine - ông Mykhailo Podolyak - hai bên đã đạt được một vài tiến triển nhỏ về hoạt động hậu cần nhằm sơ tán thường dân khỏi các khu vực chiến sự. Tuy nhiên, thực sự là chưa  có được thỏa thuận nào cải thiện đáng kể tình hình chung.

Và bởi vậy, theo những đoàn người kéo dài như vô tận chạy trốn chiến tranh, những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới vẫn nặng trĩu trên cựu lục địa.

Ukraine đối mặt với khủng hoảng nhân đạo -0
Cuộc họp bất thường của Đại hội đồng Liên Hợp quốc diễn ra ngày 27 và 28 tháng 2 về tình hình Ukraine.

Khủng hoảng kép

Tính đến ngày 7- 3, theo các số liệu chính thức được đưa ra từ Cao ủy Tị nạn Liên Hợp quốc (UNHCR), đã có hơn 1,5 triệu dân thường từ Ukraine rời bỏ nhà cửa, vượt qua biên giới, tỏa sang các nước láng giềng lân cận nhằm tìm chỗ trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, ngay từ khi chiến sự mới bùng nổ, các chuyên gia của Liên Hợp quốc đã dự báo rằng con số này có thể lên tới 4 triệu người. Ông Fillippo Grandi, Đại diện cấp cao của UNHCR cho biết: “Tôi đã làm việc với những cuộc khủng hoảng như thế này suốt 40 năm nhưng sự gia tăng chóng mặt của những đám đông hỗn loạn như đang phải chứng kiến là vô cùng hãn hữu. Và, đây mới chỉ là sự khởi đầu”.

Trong khi đó, ông Ole Solvang thuộc Hội đồng Tị nạn Na Uy lo ngại sâu sắc: “Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là ngay trước khi xảy ra xung đột gần nhất, thì đất nước này (Ukraine) cũng đang có những nhu cầu nhân đạo rất quan trọng. Hiện có khoảng 3 triệu người Ukraine cần hỗ trợ nhân đạo và con số này có thể tăng thêm sau xung đột với Nga”.

Ukraine đối mặt với khủng hoảng nhân đạo -0
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: “Chúng ta phải đối mặt với điều có thể dễ dàng trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn tồi tệ nhất châu Âu trong nhiều thập niên!”.

Đích thân Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antinio Guterres cũng xác nhận nguy cơ này, trong bài phát biểu ngày 28-2, trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc: “Chúng ta phải đối mặt với điều có thể dễ dàng trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn tồi tệ nhất châu Âu trong nhiều thập niên, với số lượng người tị nạn và di cư nhân lên theo từng phút. Ngay cả trước các sự kiện diễn ra trong tuần qua, Liên Hợp quốc đã hỗ trợ nhân đạo cho khoảng 3 triệu người.Liên Hợp quốc đang làm việc 24/7 để đánh giá nhu cầu nhân đạo và mở rộng quy mô cung cấp hỗ trợ cứu sống cho nhiều người hơn nữa đang cần được bảo vệ và trú ẩn - đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già và những người khuyết tật. Một số nhân sự của chúng tôi đang mở rộng các chương trình hiện có .Những người khác đang chuẩn bị các hoạt động mới”.

Là hệ lụy của chiến tranh, sinh ra từ chiến tranh, vấn đề này nhanh chóng song hành với chiến tranh để tạo nên một cuộc khủng hoảng kép - như những gì châu Âu từng chứng kiến cũng như phải chịu đựng trong thập niên trước, khi những đoàn người tị nạn từ Trung Đông hay Bắc Phi nối nhau vượt Địa Trung Hải tìm chốn dung thân không có bom rơi đạn nổ, sau những vận động địa chính trị chấn động của “Mùa xuân Arab”. Rất nhiều thảm họa nhân đạo đã xảy ra trên những hành trình tuyệt vọng đó, từ sự thiếu thốn các nhu cầu cơ bản nhất dành cho con người: thức ăn, nước sạch, chăm sóc y tế... đến những vụ đắm tàu thảm khốc ngoài khơi.

Song, hơn thế, các đoàn người di tản khỏi chiến tranh còn tạo nên những áp lực nặng nề đối với cả châu Âu, về cơ cấu kinh tế - xã hội, về an ninh - quốc phòng, về nguy cơ khủng bố, hay về các mầm mống bất mãn, xung đột, thậm chí là chia rẽ và rạn nứt giữa các quốc gia trong lòng Liên minh châu Âu (EU). Đến mức độ, cuối cùng và cho đến tận bây giờ, EU vẫn đang phải “nhờ cậy” Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò một “trạm trung chuyển”, hay một con đê khổng lồ nhằm chắn bớt làn sóng người di cư, giữ chân họ, lo cho họ nơi ăn chốn ở tạm thời trong khi sàng lọc các hồ sơ để quyết định xem những ai được quyền đi tiếp về phía chân trời mới.

Bởi vậy, ngay từ khi cuộc xung đột quân sự mới bùng nổ, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố với cộng đồng quốc tế: “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới”.

Ukraine đối mặt với khủng hoảng nhân đạo -0
Vòng 3 hòa đàm Nga - Ukraine đạt được vài tiến triển nhỏ.

Trách nhiệm không của riêng ai

Hiện tại, theo các chuyên gia phân tích quốc tế, “các thảm họa nhìn chung đã rõ ràng”. Cao hơn cả những sự thiếu thốn, đói khát và nguy hiểm... đe dọa sự an toàn và sinh mệnh của những người dân kẹt trong lửa đạn hay đã lên đường sơ tán khỏi chiến tranh, là các viễn cảnh đáng sợ về sự suy thoái mức sống trong trung hạn cũng như dài hạn.

Giá năng lượng và thực phẩm tăng chưa hồi kết, châm ngòi cho nỗi lo lạm phát và khiến đời sống người dân Ukraine, trong đó có cả bà con cộng đồng người Việt tại Ukraine, đã khó khăn càng thêm khó khăn, nhất là vào mùa đông khắc nghiệt mà thiếu khí đốt để sưởi ấm. Đấy là chưa kể sự khó khăn về nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác của đời sống hằng ngày.

Nhìn rộng hơn, khoảng 40% khí thiên nhiên và 25% dầu mỏ của châu Âu là được nhập khẩu từ Nga. Châu Âu, vì thế, có thể chịu tác động mạnh từ việc giá khí đốt và xăng dầu, vốn đang ở mức cao, tiếp tục tăng vọt.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm cũng leo thang. Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc, giá thực phẩm đang ở mức cao nhất hơn một thập niên, chủ yếu do rối loạn chuỗi cung ứng trong đại dịch.Trong khi đó, Nga hiện là nước cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới.Cùng với Ukraine, họ đóng góp gần 25% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.Nhiều nước phụ thuộc khá lớn vào hai quốc gia này.Đây sẽ là thảm họa của người dân, khi các lệnh trừng phạt lẫn nhau đã nối tiếp được thực thi.

Ukraine đối mặt với khủng hoảng nhân đạo -0
Nhiều nước châu Âu mở cửa đón người tị nạn.

Trong bối cảnh ấy, những cuộc đàm phán gấp gáp giữa Nga và Ukraine, dù chưa đạt được tiến triển nào đáng kể, cũng vẫn là những động thái tích cực cần được duy trì. Bởi, ngày 6-3, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres lại một lần nữa kêu gọi: “Điều quan trọng sống còn là thiết lập ngừng bắn tại Ukraine để cho phép sơ tán an toàn dân thường khỏi 3 thành phố là Mariupol, Kharkov và Sumy, cũng như tất cả các nơi khác đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột, đồng thời để đảm bảo hàng cứu trợ nhân đạo có thể đến được với những người ở lại”.

Trước khi tiến hành vòng đàm phán thứ ba ngày 7-3, nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak đã kêu gọi Nga dừng các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Về phía Nga, trợ lý tổng thống đồng thời là Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết phía Nga sẽ cố gắng một lần nữa nêu vấn đề về hoạt động của các hành lang nhân đạo trong cuộc đàm phán với Ukraine. “Chúng tôi sẽ cố gắng một lần nữa trong thảo luận với phía Ukraine nêu cơ chế hoạt động của các hành lang nhân đạo, bởi vì tại tất cả các thành phố mà chúng tôi đã hứa, các hành lang này đã được quân đội chúng tôi và các lực lượng vũ trang Donbass mở, trong khi tạm dừng”, ông nói.

Tuy nhiên, khi vòng đàm phán này khép lại, đại diện Nga nêu rõ: “Kỳ vọng của chúng tôi vào cuộc đàm phán không được đáp ứng. Chúng tôi hy vọng lần tới có thể đạt được bước tiến lớn hơn. Chúng tôi đến đây cùng nhiều tài liệu, với những thỏa thuận, dự án và đề nghị cụ thể. Chúng tôi đã hy vọng rằng hôm nay có thể ký ít nhất một nghị định thư liên quan những hạng mục mà chúng tôi dường như đã đồng ý về nguyên tắc, nhưng phía Ukraine đã mang tất cả số tài liệu này về để nghiên cứu” - ông Medinsky bổ sung - “và họ nói sẽ còn quay lại vấn đề này, có thể là trong cuộc họp tiếp theo”.

Ukraine đối mặt với khủng hoảng nhân đạo -0
Châu Âu vẫn chưa hoàn toàn vượt qua cuộc khủng hoảng người nhập cư từ thập niên trước.

Cùng lúc này, cộng đồng quốc tế cũng không khoanh tay. Từ ngày 24-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trích 3,5 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để mua các thiết bị y tế và chuyển đến Ukraine. Ngày 1-3, Liên Hợp quốc nỗ lực thiết lập một ngân sách khổng lồ, lên tới 1,7 tỷ USD để tăng cường các hoạt động nhân đạo ở Ukraine, sau khi gấp rút giải ngân 20 triệu USD bước đầu nhằm phục vụ những tổ công tác đặc biệt. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commisson) Ursula von der Leyen cho biết EU sẵn sàng đón những người tị nạn từ Ukraine. Các Bộ trưởng Nội vụ của EU cũng đã tham gia một cuộc họp vào cuối tuần để bàn thảo về Ukraine, chuẩn bị sẵn cho kịch bản một số lượng lớn người tị nạn sẽ tràn sang các nước EU.

Quanh Ukraine, “hàng xóm láng giềng” lại càng khẩn trương. Bộ Y tế Ba Lan chuẩn bị một chuyến tàu y tế để vận chuyển những người Ukraine bị thương và đã lập danh sách 1.230 bệnh viện có thể tiếp nhận những người bị thương đó. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm rằng mọi người vào lãnh thổ của Ba Lan đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc điều trị nội trú”. Slovakia cũng thông báo sẵn sàng giúp đỡ những người tị nạn. “Xin hãy có lòng trắc ẩn và sự thấu cảm dành cho họ”, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói.

Trong khi đó, Cộng hòa Czech, quốc gia không có biên giới với Ukraine nhưng là nơi sinh sống của 260.000 người Ukraine, cũng sẵn sàng. Ngành đường sắt Czech đã cung cấp các toa tàu với 6.000 chỗ ngồi và giường để giúp người dân sơ tán nếu cần thiết. Romania cũng sẵn lòng viện trợ nhân đạo nếu cần, còn theo Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, đất nước của ông đang chuẩn bị sơ tán bằng đường bộ hơn 4.000 người Bulgaria khỏi Ukraine, cũng như tiếp nhận những người tị nạn Ukraine khác.

“Có điều, dù viện trợ nhân đạo là rất quan trọng thì nó vẫn không phải là giải pháp.Đó chỉ là cách ứng phó với những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng. Giải pháp đích thực duy nhất là hòa bình!”, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nói.

Mây Linh
.
.