Vạch trần kẻ tung tin giả khét tiếng mùa COVID-19

Thứ Ba, 03/08/2021, 10:30

Dựa vào những mánh khóe truyền thông tinh vi, một bác sĩ kém chuyên môn ở Mỹ đã thành công mê hoặc được rất nhiều người và thậm chí thu lợi hàng triệu USD từ hoạt động gieo rắc tin giả trong mùa dịch.

Hồi tháng 5, Center for Countering Digital Hate, một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh chống lại tin giả trên mạng xã hội đã công bố một danh sách “12 người lan truyền tin giả chống vaccine nhiều nhất trên mạng xã hội”. Theo tổ chức trên, đây là 12 người đứng sau 65% tất cả thông điệp chống vaccine trên toàn cầu. Trong đó, bác sĩ Joseph Mercola người Mỹ đứng ở vị trí số 1.

Các bài viết của vị bác sĩ này thường được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và được phát tán trên quy mô toàn cầu. Thống kê riêng của The New York Times cũng chỉ ra từ đầu đại dịch đến nay, bác sĩ Joseph Mercola đã phát tán 600 tin giả chống vaccine COVID-19 trên trang Facebook của mình, một trang bằng tiếng Anh có 1,7 triệu người theo dõi và một trang bằng tiếng Tây Ban Nha có 1 triệu lượt theo dõi. Phần lớn các bài viết này đều được phát tán tiếp lên Twitter, Instagram và YouTube.

Vạch trần kẻ tung tin giả khét tiếng mùa COVID-19 -0
 Joseph Mercola - Người lan truyền tin giả chống vaccine nhiều nhất trên mạng xã hội.

Kẻ “siêu gieo rắc” tin giả

Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát, hệ thống truyền thông của bác sĩ Mercola trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của công chúng, ngang ngửa với thông tin từ các cơ quan y tế chính thống. Ông đã cho đăng tải rất nhiều bài viết đặt câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch và SARS-CoV-2, một chủ đề rất hút người đọc vào thời điểm đó.

Những nội dung kế tiếp của Mercola cũng gây ra rất nhiều tranh cãi, ông Mercola trích dẫn một nghiên cứu nói rằng khẩu trang không ngăn được sự lây lan của virus. Kết quả là rất nhiều người đã nghe theo và từ chối đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, ông cũng đăng tải các nội dung chống vaccine. Nội dung của những bài viết này có điểm chung là đều phản khoa học, bao gồm việc khuyên công chúng phòng ngừa và điều trị COVID-19 bằng các biện pháp nguy hiểm.

Chẳng hạn như Mercola tuyên bố hít dung dịch oxy già 0,5-3% bằng máy xông có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi COVID-19. Và để phòng ngừa COVID-19, Mercola khuyên công chúng mua rất nhiều loại thực phẩm chức năng và kêu gọi họ đừng tiêm vaccine vì “vaccine có thể thay đổi mã hóa di truyền của bạn, biến bạn thành một nhà máy sản xuất ra protein virus không được kiểm soát”.

Những trò lừa gạt của bác sĩ Mercola đều nhằm một mục đích, đó là thúc đẩy công việc kinh doanh của mình. Khi tuyên bố hít dung dịch oxy già bằng máy xông có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi COVID-19, trang web của người đàn ông này cũng đồng thời đăng bán máy xông. Tương tự, Mercola cũng tuyên bố vitamin D mà ông đang bán có thể giúp ích khi chống lại COVID-19, mặc cho các bằng chứng khoa học được đưa ra để chứng minh cho hiệu quả này rất mơ hồ.

Theo giới phân tích, các bài viết của Mercola dù thiếu độ tin cậy nhưng đều rất bài bản và có chiến thuật trong việc thuyết phục người đọc. Cụ thể, các bài viết đều đi theo cấu trúc nửa thật nửa giả. Trong mội bài đăng mới nhất trên Facebook của mình hôm 24-7, bác sĩ Mercola đã lại trích dẫn một nghiên cứu nói vaccine của Pfizer chỉ có hiệu quả 39% với biến thể COVID-19. “Vậy mà họ đã nói với chúng ta rằng vaccine có hiệu quả tới 95%”, Mercola kết luận.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, bài viết này đã lại được chia sẻ tới hơn 200 lần. Tuy nhiên, Mercola lại bỏ qua không đề cập đến những thống kê khác cho thấy    vaccine có hiệu quả 91% để chống lại các ca mắc COVID-19 nặng. Và phần đông người đọc sẽ không tra ngược thông tin để phân biệt những thông tin nào đã được và chưa được khoa học kiểm chứng.

“Cáo già” truyền thông

Trên thực tế, vị bác sĩ này là một nhà truyền thông bậc thầy và có rất nhiều thủ thuật hun đúc từ nhiều năm kinh nghiệm tự quảng bá. Ông Mercola là một bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ, nhưng sự nổi tiếng của ông lại được gây dựng từ công ty truyền thông mà ông lập ra và điều hành, chứ không phải từ những thành tựu chuyên môn. Trên thực tế, người đàn ông này chỉ có bằng bác sĩ nắn xương.

Lợi dụng phong trào quan tâm tới các “liệu pháp điều trị tự nhiên” của người Mỹ, vào những năm 1990, Mercola lập ra website Mercola.com và bắt đầu viết rất nhiều bài quảng bá các phương pháp chữa bệnh được gọi là tự nhiên, đồng thời kết hợp bán các khóa điều trị kèm theo nhiều loại thực phẩm chức năng.

Với tài năng viết lách, Mercola đã đưa được trang web của mình trở thành một trong những website sức khỏe được truy cập nhiều nhất ở Mỹ. Thống kê của Quantcast cho thấy mỗi tháng có tới 1,9 triệu lượt người đọc ghé thăm Mercola.com. Lượt truy cập của trang web này thậm chí ngang cả với trang web chính thức của Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Năm 2010, Mercola cho đóng cửa phòng khám và tập trung hoàn toàn vào hoạt động truyền thông. Khi các nền tảng mạng xã hội bùng nổ, Mercola nhanh chóng bắt kịp xu thế. Mercola được cho là sở hữu 17 trang Facebook, 2 trong số đó có lượt theo dõi trên 1 triệu và 1,7 triệu. Ông cũng sở hữu tài khoản Twitter với 300.000 lượt theo dõi, Youtube với 400.000 lượt theo dõi.

Nhờ vào hệ thống truyền thông khổng lồ này mà công việc kinh doanh của Mercola sinh lời khủng khiếp. Năm 2017, ông tuyên bố mình có tài sản ròng hơn 100 triệu USD.

Có lẽ cũng chính vì lý do này mà Mercola, mặc dù là một bác sĩ thiếu thành tựu chuyên môn, đã xuất bản được tới 2 cuốn sách lọt vào top bán chạy nhất của báo The New York Times, đó là The No-Grain Diet (năm 2003) và The Great Bird Flu Hoax (năm 2006).

Mới đây, các mạng xã hội đã bắt đầu thắt chặt việc quản lý thông tin. Facebook đã dán nhãn nhiều bài viết của bác sĩ Mercola cũng như cấm quảng cáo trên trang chính của Mercola và xóa một số trang trong hệ thống truyền thông của ông. Twitter cho biết cũng đã gỡ xuống một số bài viết của vị bác sĩ này và dán nhãn cho nhiều bài viết khác. Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo Mercola bán thuốc chữa COVID-19 giả.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.