Vấn đề người di cư châm ngòi khủng hoảng EU – Belarus
Theo giới chức EU, Belarus đã để hàng nghìn người di cư tuyệt vọng đến biên giới của mình với Ba Lan trong nỗ lực chống lại Liên minh châu Âu (EU) về các lệnh trừng phạt bị áp đặt từ năm ngoái. Nhưng, có vẻ như chiến thuật này của chính quyền Minsk đang rơi vào bế tắc khi phải hứng thêm các đòn trừng phạt mới.
Dòng người nhập cư chưa dừng lại
Hôm 15-11 các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã đạt được đồng thuận về việc thay đổi khung trừng phạt của khối, trong đó có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Belarus. Phát biểu trước báo giới tại Brussels (Bỉ), Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho biết, đây sẽ là vòng trừng phạt thứ 5 đối với Belarus liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư.
Gói trừng phạt mới sẽ nhắm vào các cá nhân, hãng hàng không và công ty du lịch đã giúp người di cư đến Belarus. Ủy ban châu Âu cũng thông báo cơ quan này đang đánh giá xem ngoài hãng hàng không quốc gia Belavia của Belarus, còn hãng hàng không nào liên quan vụ việc này hay không. Đồng thời, EU cũng tính toán đến cả việc sớm áp dụng vòng trừng phạt thứ 6 với chính quyền Minsk nếu tình hình không được cải thiện.
Dòng người di cư (mà các quan chức EU cho rằng do Tổng thống Alexander Lukashenko cố tình kích động) được ví như một "cuộc tấn công hỗn hợp" vào EU đúng vào thời điểm khó khăn khi khối này đang phải vật lộn với căng thẳng nội bộ. Tuy nhiên, chính sự kiện này cũng thúc đẩy các nước thành viên EU thống nhất hơn trong việc tìm ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Belarus. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: "Điều quan trọng là Tổng thống Lukashenko phải hiểu rằng, hành vi này đi kèm với một cái giá". Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu EU có ngăn cản nổi Belarus, quốc gia không phải thành viên của khối tiếp thêm dầu vào cuộc khủng hoảng hiện có dọc biên giới Belarus-Ba Lan hay không.
Thống kê từ nhà chức trách Ba Lan cho thấy, khoảng 3.000 đến 4.000 người di cư, chủ yếu đến từ các khu vực bị xung đột ở Trung Đông như Iraq, Syria, Yemen và Afghanistan đã tới Belarus sau khi chính phủ nước này nới lỏng các quy định về thị thực vào tháng 8. Cho đến nay, phần lớn người di cư vẫn bị mắc kẹt ở vùng biên giới. Họ phải ngủ trong lều, không đủ quần áo ấm và vật dụng cần thiết, lại bị các nước EU từ chối cho nhập cảnh. Đã có người chết và sẽ còn có những người nữa chung số phận khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông đang đến gần.
Khởi nguyên
Mọi chuyện ở Belarus chỉ bắt đầu phức tạp hơn cho đến năm 2021, sau khi EU trừng phạt Tổng thống Lukashenko, con trai ông và Cố vấn an ninh quốc gia Viktor, cùng 179 cá nhân, tổ chức khác với lý do gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống và đàn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ. Mặc dù vẫn tại vị nhưng cuộc bầu cử hồi năm ngoái đã chứng kiến sự đi xuống thảm hại trong 25 năm nắm quyền của Tổng thống Lukashenko.
Svetlana Tikhanovskaya, chính trị gia đối lập ở Belarus, một người mới tham gia chính trường đã suýt nữa có thể lật đổ ông. Bằng chứng về việc chiến lược của Tikhanovskaya có thể đã hiệu quả là kết quả một số cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử hồi tháng 8-2020 cho thấy bà đã giành được tới 80% số phiếu bầu. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko nhanh chóng tuyên bố chiến thắng, dẹp yên các cuộc biểu tình nổ ra khắp cả nước, trong khi bà Tikhanovskaya phải lưu vong ở Lithuania.
Sự kiện này khiến EU thực hiện hành động cưỡng chế chống lại chính quyền Tổng thống Lukashenko, áp dụng các biện pháp ngày càng hạn chế bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái. Căng thẳng leo thang hơn vào tháng 5 khi chính quyền Minsk điều chiến đấu cơ, giả cảnh báo bom để buộc máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair từ Athens (Hy Lạp) đến Lithuania phải chuyển hướng nhằm bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega. Đáp lại, EU cấm các hãng hàng không Belarus đến các sân bay và không phận của EU. Để thể hiện thái độ cứng rắn hơn, Tổng thống Lukashenko quyết định mở cửa Belarus cho dòng người di cư mang hy vọng tới EU tìm một cuộc sống mới.
Nhà báo Max Fisher của tờ The New York Times chỉ ra rằng, dòng người tị nạn từ các quốc gia có biên giới với các nước thành viên là một vấn đề không mới đối với EU và khối này từng giải quyết bằng cách khuyến khích những nước như Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Sudan ngăn cản người di cư. Do đó, như học giả Shraibman nhận định, kế hoạch của Belarus gây áp lực mới nhất lên EU có thể sẽ không mang lại cho Tổng thống Lukashenko những gì ông muốn.
“Chiến thuật của Belarus là mời những người di cư vào đất nước mình, dẫn họ đến biên giới EU và sau đó từ chối họ tị nạn khi họ không thể qua biên giới được. EU có thể sẽ không chấp nhận, bởi áp lực về dòng người di cư này không đáng kể. Nó không giống như hiện tượng hàng triệu người tị nạn đến EU vào năm 2015. Con số này chỉ là vài nghìn người. Đó không phải là thứ áp lực có thể khiến EU thay đổi quan điểm hay quyết định về lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, nó cũng sẽ tạo ra một số rắc rối không nhỏ với EU”.
Ba Lan - "Ngọn giáo" của EU
Nằm ở khu vực Đông Âu, Belarus giáp biên giới với Nga ở phía Đông Bắc, với Ukraine ở phia Nam, Ba Lan ở phía Tây, Latvia và Lithuania ở phía Tây Bắc. Nhắc về vị trí địa lý này, học giả Shraibman nhấn mạnh, Tổng thống Lukashenko đã rất khôn khéo khi chọn Ba Lan làm nơi thúc đẩy làn sóng di cư bất hợp pháp. Thực tế, EU đang hướng tới sự thống nhất nhưng họ vẫn phải đối mặt với các vấn đề nội bộ. Nghĩa là không chắc rằng hành động khiêu khích của Belarus sẽ dẫn đến nhượng bộ từ EU nhưng ông Lukashenko không thể chọn một nơi tốt hơn để gây áp lực lên khối như Ba Lan.
Trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, Ba Lan là một trong những nước chỉ trích gay gắt nhất chính sách di cư của EU. Kể từ đó, quốc gia này đã rời xa các chính sách chung của EU và tiến xa hơn đến các chính sách cánh hữu, chủ nghĩa dân tộc vốn đã len lỏi vào giới chính trị gia hàng đầu của châu Âu trong thập niên qua.
Rạn nứt giữa Ba Lan và EU gần đây ngày càng gia tăng do tranh chấp về phòng kỷ luật trong hệ thống tòa án. EU khẳng định Ba Lan vi phạm luật khi tiếp tục duy trì phòng kỷ luật trong Tòa án Tối cao vì nó không phù hợp với luật pháp của khối. Sau tuyên bố đòi giải tán phòng kỷ luật trong Tòa án Tối cao Ba Lan vào hồi tháng 7, 3 tháng sau, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) tuyên phạt Ba Lan 1 triệu euro/ngày cho đến khi nước này thực hiện yêu cầu.
Tuy nhiên, Warsaw vẫn không chấp hành án phạt. Đổi lại, Ba Lan còn ban hành các hạn chế ngày càng khắc nghiệt đối với người đồng tính và giới truyền thông - những động thái được cho là xa rời các giá trị tiến bộ mà EU đang áp dụng. Thậm chí, Tòa án Tối cao Ba Lan còn phán quyết rằng luật pháp chung của EU có phần không phù hợp với luật pháp nước này và Warsaw không nhất thiết phải luôn tuân thủ luật pháp chung của EU.
Vì vậy, nếu một trong những mục tiêu của Tổng thống Lukashenko ngoài việc được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt là làm rạn nứt EU hơn nữa thì Belarus có vẻ như đang đi đúng hướng. Hãng tin BBC bình luận rằng, EU không muốn bị chính quyền Minsk dẫn dắt nhưng cũng không đành lòng để mất sự ủng hộ từ Ba Lan.
Đó là lý do tại sao Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michels hôm 17-11 đã có chuyến thăm tới thủ đô Warsaw của Ba Lan và nhấn mạnh rằng EU dự định đối phó với sự hung hăng của chính quyền Lukashenko và các vấn đề mà nước này đặt ra cho EU, tách biệt với các cuộc đấu tranh nội bộ của EU với các nước thành viên. “Ba Lan, quốc gia đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, cần được hưởng sự đoàn kết và thống nhất của toàn EU”, ông Charles Michel nói.
Song, nhà báo Anne Elizabeth Applebaum thuộc tờ The Washington Post chỉ ra rằng, Ba Lan có phần kém nhanh chóng trong việc liên kết với EU. Cụ thể, trong khi đang đối mặt với án phạt từ EU và kêu gọi NATO giải quyết vấn đề người di cư ở khu vực biên giới với Belarus, Ba Lan lại từ chối sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Frontex - lực lượng cảnh sát biên giới của EU và Văn phòng Hỗ trợ tị nạn châu Âu.
Nguy cơ đụng độ quân sự
Giờ đây, Ba Lan và EU đều phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo thực sự tại biên giới Belarus-Ba Lan, nơi hàng nghìn người bị mắc kẹt giữa hai quốc gia không chấp nhận họ, không đủ điều kiện tối thiểu để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt và cũng không thể trở về quê hương. Theo Moscow Times, hàng nghìn người khác đã bị chính phủ của Tổng thống Lukashenko lợi dụng khi mua các gói du lịch đến Minsk. Một số quốc gia, bao gồm Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế hoặc hủy bỏ các chuyến bay đến Belarus để ngăn dòng người đổ vào... “Nếu Tổng thống Lukashenko tiếp tục hoặc leo thang chiến thuật của mình, EU sẽ dùng các rào cản để ngăn người di cư. Dù điều gì xảy ra, cuộc khủng hoảng hiện tại đã ảnh hưởng đến khả năng có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Belarus và EU”, học giả Shraibman nói.
Trong khi đó, nhiều nhà bình luận khác thì cảnh báo nguy cơ vượt tầm kiểm soát, xảy ra xung đột bởi lẽ trong tháng 10 vừa qua, cả Ba Lan và Belarus đều đã điều chuyển nhiều khí tài cùng binh sĩ tới khu vực biên giới.
Romain Lemaresquier, đặc phái viên của hãng RFI tại Sokolka (Ba Lan), sát biên giới với Belarus cho biết: “Trong những ngày qua, căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm ở biên giới Belarus-Ba Lan. Hàng ngàn người di cư đổ về trước hàng rào dây thép ở biên giới hai nước. Họ là những di dân bị chính quyền Minsk thúc ép qua biên giới sang Ba Lan. Nhưng, trước mặt họ, chính quyền Warsaw đã triển khai quân đội, hiến binh, cảnh sát và lính biên phòng. Chuyện xảy ra trong những ngày sắp tới sẽ rất khó kiểm soát. Binh sĩ Belarus đã được khai triển ở biên giới và giám sát chặt chẽ đối với người di cư, không để họ lùi lại trên lãnh thổ Belarus. Một thảm họa nhân đạo có thể diễn ra”.
Hiện tại, Ba Lan có 20.000 lính được triển khai dọc biên giới với Belarus để chặn dòng người nhập cư trái phép. Lực lượng bên Belarus cũng được trang bị đầy đủ vũ khí.
Bà Virginie Guiraudon, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu quốc gia Pháp CNRS, chuyên gia về chính sách nhập cư của châu Âu phân tích, nguy cơ leo thang vũ trang có thật: “Sự leo thang căng thẳng đang diễn ra. Quả thực là trong các tuyên bố mới đây nhất có nói đến chiến tranh - chiến tranh lai tạp. Chính phủ Ba Lan đã điều nhiều nghìn quân đến biên giới và cũng đã có sự ủng hộ của EU. Đức nói là không được sử dụng vũ khí, súng đạn nhưng binh lính đang hiện diện ở đó. NATO cũng đã tuyên bố là việc sử dụng di dân như là một kiểu dàn quân. Chúng ta có thể nói là đang có sự leo thang trong một hoàn cảnh mà thế giới có ít thông tin. Các cơ quan truyền thông đều bị cấm đến khu vực đó”, bà Virginie Guiraudon nhấn mạnh.