Vatican không khoan nhượng với cái xấu
Cuối tháng 10, Vatican đã trục xuất thêm 4 thành viên bị cáo buộc tham nhũng, lợi dụng thỏa thuận giữa nhà thờ và nhà nước để được hưởng ưu đãi thuế. Đây là động thái mới nhất của Vatican trong cuộc điều tra về tình trạng lạm dụng quyền và tham nhũng tài chính trong giáo hội Sodalitium Christianae Vitae (SCV) ở Peru.
Những kẻ làm méo mó sứ mệnh truyền giáo
Những người bị trục xuất lần này bao gồm các thành viên cấp cao của SCV, những người được coi là kiến trúc sư của một đế chế tài chính ở thời kỳ đỉnh cao trị giá khoảng 1 tỷ USD thông qua việc sử dụng sai mục đích "thỏa thuận" năm 1980 giữa Tòa thánh Vatican và chính phủ Peru về điều chỉnh mối quan hệ giữa hai bên và miễn thuế cho các hoạt động từ thiện và truyền giáo.
Người ta tin rằng, SCV đã kiếm được phần lớn tiền thông qua các dịch vụ tang lễ và chôn cất được cung cấp tại 9 nghĩa trang lớn trên khắp Peru, được miễn thuế và được tặng cho các giáo phận...
Hồi tháng 8, Vatican đã trục xuất người sáng lập SCV Luis Fernando Figari, người trước đó đã bị trừng phạt vì tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên vào năm 2017. Tháng trước, thêm 10 thành viên cấp cao của SCV bị trục xuất vì nhiều tội danh, bao gồm một số tội danh mới như: bạo hành thể xác, bao gồm "bạo dâm và bạo lực"; lạm dụng lương tâm, lạm dụng tinh thần và lạm dụng quyền lực, thẩm quyền, bao gồm "các vụ hack thông tin liên lạc và quấy rối tại nơi làm việc", cũng như che đậy tội ác đã phạm trong tổ chức" và lạm dụng "sứ mệnh báo chí". Nhiều người trong số những người bị trục xuất có mối quan hệ với nhà cộng đồng Denver của SCV và giáo xứ trực thuộc, Holy Name, Sheridan, Wyoming.
Trong thông cáo ngày 21/10, Đại sứ quán Vatican tại Peru thông báo rằng, ngoài Luis Fernando Figari và 10 thành viên bị trục xuất vào tháng trước, còn có hai thành viên khác, bao gồm Jose Ambrozic, cựu tổng đại diện của SCV và cựu bề trên của nhà Denver, người cũng sống trong cộng đồng Philadelphia. Thành viên khác bị trục xuất hôm 21/10 là linh mục Luis Antonio Ferroggiaro của SCV, người đến từ Arequipa vì "lạm dụng quyền lực và thẩm quyền, đặc biệt là dưới hình thức lạm dụng trong việc quản lý tài sản của Giáo hội, cũng như lạm dụng tình dục, trong một số trường hợp bao gồm cả trẻ vị thành niên".
Thông báo cũng nhấn mạnh, việc trục xuất Luis Antonio Ferroggiaro không ảnh hưởng đến cuộc điều tra trước đó về hành vi của ông do Bộ Giáo lý Đức tin (DDF) thực hiện. Cuộc điều tra này đang được tiến hành đồng thời với cuộc điều tra của Vatican về SCV. Hai ngày sau, vào ngày 23/10, tòa sứ thần tại Peru thông báo rằng cha Jaime Baertl, cựu trợ lý tinh thần cho SCV và được coi là “trùm tài chính” của tổ chức này bị cáo buộc có hành vi tình dục sai trái và Juan Carlos Len, người từng bị cáo buộc tham nhũng tài chính, cũng đã bị trục xuất. Quyết định được đưa ra, theo thông cáo, dựa trên việc “xem xét mức độ nghiêm trọng của hành vi lạm dụng tình dục do một trong những bị cáo thực hiện, cũng như trách nhiệm cá nhân của hai người này trong nhiều hành động bất thường và bất hợp pháp của các tổ chức của Sodalitium Christianae Vitae".
Trích dẫn học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, thông cáo cho biết, trên cơ sở này, một số hoạt động quản lý kinh tế và đầu tư sai của Jaime Baertl và Juan Carlos Len trong SCV bị điều tra bởi Tổng giám mục Charles Scicluna của Malta, một thư ký phụ tá của DDF của Vatican và Đức cha người Tây Ban Nha Jordi Bertomeu, đã “cấu thành hành động tội lỗi phản bội Phúc âm”. Thông cáo khẳng định các hành động bất hợp pháp bị phát hiện, ngoài việc gây ra bê bối quốc tế, còn “làm méo mó sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội” và gây tổn hại đến uy tín của Giáo hội, cũng như “sự hợp tác lành mạnh điều chỉnh mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước Peru”.
Giáo hoàng Francis rất buồn trước những vụ bê bối liên quan đến SCV và “xin sự tha thứ từ Chúa và từ toàn thể xã hội”. Thông cáo cũng đưa ra lời đảm bảo “rằng các biện pháp thích hợp đã được thực hiện để sửa chữa những hành động đáng chê trách được mô tả ở trên và tránh lặp lại trong tương lai”, đồng thời yêu cầu SCV “không chậm trễ nữa, hãy bắt đầu con đường chân lý, công lý và đền bù”.
Cuộc điều tra của Vatican
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, SCV đã là tâm điểm của nhiều vụ bê bối liên quan đến các cáo buộc về tình dục, thể chất và tâm lý, cũng như lạm dụng quyền lực, lương tâm và tham nhũng tài chính. Sau một số nỗ lực cải cách không thành công, năm ngoái, Giáo hoàng Francis đã cử các điều tra viên hàng đầu của mình là Tổng giám mục Charles Scicluna và Đức cha Jordi Bertomeu đến Lima để tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu về các cáo buộc nói trên.
Nhiều năm trước, cả hai viên chức Vatican này đã được Giáo hoàng Francis cử đến để giải quyết vụ bê bối lạm dụng tình dục làm rung chuyển Giáo hội tại Chile. Đức cha Jordi Bertomeu gần đây được giao nhiệm vụ điều tra cáo buộc lạm dụng tình dục ở Bolivia trong bối cảnh có nhiều khiếu nại chống lại các linh mục Dòng Tên như cha Alfonso Pedrajas, được gọi là "Padre Pica", người bị cáo buộc đã lạm dụng tình dục tới 85 trẻ vị thành niên.
Tờ báo Peru La República đưa tin rằng, Tổng giám mục Charles Scicluna và Đức cha Jordi Bertomeu đã bắt đầu một cuộc kiểm toán tại Thủ đô Peru nhằm một hội Công giáo La Mã bí mật với các chi nhánh trên khắp Nam Mỹ và Mỹ sau những cáo buộc rằng người sáng lập của Hội đã xâm hại tình dục trẻ vị thành niên. Sau đó, hai người thẩm vấn những người phát ngôn của Hội và trò chuyện với những nạn nhân bị lạm dụng và các nhà báo đã viết về vụ việc ở SCV. Cuộc thẩm vấn diễn ra ngày 25/7/2023, tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Lima. Tổng giám mục Charles Scicluna và Đức cha Jordi Bertomeu cũng đã đánh giá bằng chứng liên quan đến việc lạm dụng quyền lực, thẩm quyền và thao túng tinh thần trong SCV.
Những phát hiện sau đó đã dẫn đến việc trục xuất hoàn toàn 15 thành viên SCV. Ngoài ra, Tổng giám mục Charles Scicluna và Đức cha Jordi Bertomeu còn phát hiện thêm 2 nhân vật khác đóng vai trò quan trọng trong các bê bối là José Andrés Ambrozic Velezmoro, Ricardo Adolfo Trenemann Young với cáo buộc lạm dụng vị thế của họ trong tổ chức. Vì thế, ngày càng có nhiều nạn nhân ra làm chứng, mô tả lại quá trình họ bị các thành viên cấp cao của SCV thao túng tâm lý, cưỡng bức tinh thần và lạm dụng thể xác.
Đáng chú ý, cuộc điều tra sâu rộng của Vatican về các hoạt động của SCV càng được tăng cường sau khi hai nhà báo người Peru Pedro Salinas và Paola Ugaz đề xuất xem xét tiếp các tố cáo hành vi lạm dụng của SCV trong cuốn sách mang tên "Nửa tu sĩ, nửa chiến sĩ" của họ được xuất bản năm 2015. Việc này mở đường cho sự giám sát chặt chẽ hơn, vốn được tăng cường sau những tiết lộ rằng, các công ty có liên hệ với SCV đã vướng vào tranh chấp đất đai với những người nông dân địa phương.
Từ năm 2010, nhà báo người Peru Pedro Salinas đã công khai cáo buộc người sáng lập tổ chức Luis Fernando Figari, hiện 76 tuổi, về tội lạm dụng thể xác, tâm lý và tình dục. Sau khi rời khỏi buổi gặp mặt với Tổng giám mục Charles Scicluna và Đức cha Jordi Bertomeu, nhà báo Pedro Salinas, 60 tuổi, đã đau đớn kể lại rằng, ông là thành viên của SCV khi còn là thiếu niên và đã bị lạm dụng về thể chất, tâm lý cùng tình dục. Ông nói thêm rằng, hàng chục người bị lạm dụng coi các nhà điều tra là cơ hội cuối cùng của họ để đạt được công lý.
Cùng với cuộc điều tra của Vatican, chính quyền Peru cũng đã có những nỗ lực pháp lý khi tiến hành một cuộc điều tra riêng biệt về cáo buộc rửa tiền liên quan đến các thành viên SCV. Theo các nhà phân tích, hành động quyết đoán của Vatican về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của vụ án SCV nhấn mạnh ý định khôi phục tính toàn vẹn và uy tín của Giáo hội, đặc biệt là ở Peru, nơi mà sự hợp tác giữa Giáo hội và nhà nước trong lịch sử luôn mạnh mẽ. Trọng tâm của Giáo hội hiện nay, như được nhấn mạnh trong tuyên bố của Sứ thần Tòa thánh, nằm ở việc đảm bảo rằng những vụ lạm dụng như vậy không tái diễn.
Sự thật về SCV
SCV được thành lập tại Lima, Peru vào năm 1971 bởi giáo dân người Peru Luis Fernando Figari. Hội được Giáo hoàng John Paul II chấp thuận chính thức từ năm 1997 và trở thành hội tôn giáo nam đầu tiên ở Peru được sự chấp thuận của Giáo hoàng. Đến năm 1997, SCV hiện diện tại các trường học, nhà thờ và điều hành các cơ sở tĩnh tâm với các cộng đồng ở Peru, Argentina, Colombia, Brazil, Chile, Ecuador, Italia và Mỹ. Các thành viên của tổ chức này chủ yếu là giáo dân Công giáo nhưng cũng có cả giáo sĩ, bao gồm hai giám mục ở Peru. Những giáo dân và linh mục của SCV được gọi là "Sodalits” theo trường phái tận hiến, những người sống trong cộng đồng như những người anh em và cam kết về sự độc thân và vâng lời.
Đã có những cáo buộc về việc SCV tẩy não những người trẻ tuổi về chủ nghĩa tinh hoa, chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa độc đoán. Năm 2011, SCV xác nhận rằng, tổng đại diện của mình, Germán Doig, cánh tay phải của Luis Fernando Figari, đã có hành vi sai trái về tình dục. Tháng 2/2017, sau một cuộc điều tra, Tòa thánh Vatican đã xác định rằng Luis Fernando Figari áp dụng "phong cách cai trị quá mức hoặc không phù hợp, nhằm áp đặt ý chí của riêng mình" và "sử dụng các chiến lược và phương pháp thuyết phục không phù hợp, tức là gian dối, kiêu ngạo và trong mọi trường hợp là bạo lực và thiếu tôn trọng quyền bất khả xâm phạm nội tâm và sự tùy ý của chính mình".
Ngoài ra, tòa thánh kết luận rằng, Luis Fernando Figari "trong một số trường hợp đã thực hiện các hành vi trái với Điều răn thứ sáu" (đạo đức tình dục) để thao túng, làm cho phụ thuộc và "kiểm soát thay vì chỉ đạo lương tâm, đặc biệt là những người trẻ đang trong quá trình đào tạo". Các biện pháp trừng phạt do Vatican áp đặt bao gồm Luis Fernando Figari không được trở về Peru, trừ khi có lý do nghiêm trọng và rằng ông phải được chỉ định vĩnh viễn đến một nơi cư trú không có cộng đồng SCV, nơi mà ông bị cấm liên lạc với các thành viên.
Năm 2020, Hồng y Pedro Barreto Jimeno, Tổng giám mục Huancayo, cho biết Vatican đã được yêu cầu giải thể SCV và nói rằng SCV hay bất kỳ phong trào tôn giáo nào khác sa lầy trong lạm dụng tình dục đều phải bị giải thể. Mới đây, Carlos Castillo Mattasoglio, Tổng giám mục Lima, đã kêu gọi hủy bỏ SCV vì hội này có tham vọng chính trị và kinh tế cũng như "sự hồi sinh" của ảnh hưởng phát xít ở Mỹ Latinh.