Venezuela và Guyana căng thẳng vì ExxonMobil

Chủ Nhật, 21/04/2024, 10:58

Việc cấp phép khai thác mỏ dầu của Guyana cho gã khổng lồ dầu mỏ ExxonMobil của Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng với nước láng giềng Venezuela. Cuối tuần trước, Venezuela đã “dứt khoát” bác bỏ giấy phép này, cho rằng khu vực liên quan nằm trong vùng tranh chấp.

Trong khi đó, Guyana đang gia tăng sức mạnh quân sự bằng cách mua nhiều vũ khí của Mỹ và châu Âu. Liên hợp quốc đã phải lên tiếng cảnh báo.

Leo thang căng thẳng

Tuần trước, ExxonMobil thông báo trong một thông cáo báo chí, rằng họ đã được Chính phủ Guyana bật đèn xanh để phát triển dự án khai thác mới tại khu vực Stabroek, một vùng biển rộng lớn ngoài khơi, nơi có trữ lượng dầu khí khổng lồ. Liam Mallon, Chủ tịch ExxonMobil cho biết trong thông cáo báo chí rằng dự án “sẽ nâng công suất khai thác của đất nước lên khoảng 1,3 triệu thùng mỗi ngày”. Theo văn bản, công ty dầu mỏ này có kế hoạch đầu tư 12,7 tỷ USD.

Venezuela và Guyana căng thẳng vì ExxonMobil -0
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro giơ bản đồ đất nước của ông bao gồm vùng Essequibo trong cuộc họp ở Caracas, ngày 5/12/2023.

Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yvan Gil tuyên bố, chính phủ nước này “lên án mạnh mẽ” việc Chính phủ Guyana cấp phép khai thác dầu “bất hợp pháp” cho các công ty dầu khí trong khu vực Stabroek, nơi được cho là có trữ lượng năng lượng trong khu vực biển chưa được định rõ ràng. Caracas khẳng định: “Việc Guyana cấp phép hoặc có ý định cấp phép trong các lĩnh vực tranh chấp là hoàn toàn không thể chấp nhận và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền lãnh thổ Venezuela”.

Công cuộc triển khai của Guyana, các cuộc đấu thầu dầu vào tháng 9/2023 đã khơi dậy tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa nước này và Venezuela. Khu vực rộng 160.000 km2 này giàu tài nguyên thiên nhiên và dầu mỏ, hiện do Guyana quản lý nhưng Venezuela tuyên bố chủ quyền. Để đáp trả, Caracas đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12/2023 về việc sáp nhập Essequibo vào Venezuela. Một mặt, Georgetown nhắc lại rằng họ có chủ quyền đối với “toàn bộ” lãnh thổ của mình. Guyana khẳng định rằng biên giới có từ thời thuộc địa của Anh, đã được Tòa Trọng tài ở Paris phê chuẩn vào năm 1899. Mặt khác, Caracas tin rằng Hiệp định Geneva được ký năm 1966, trước khi Guyana giành độc lập, đặt nền móng cho một giải pháp thương lượng phải tiếp tục và duy trì sự thật, đó là sông Essequibo phải là biên giới tự nhiên, như năm 1777 trong thời kỳ đế quốc Tây Ban Nha. Tháng 12/2023, hai tổng thống đã gặp nhau, xoa dịu tình hình căng thẳng bằng cách thống nhất không bao giờ “sử dụng vũ lực”. Tuy nhiên, hai nước vẫn tiếp tục cuộc chiến đã tuyên bố trước đó. Essequibo có khoảng 125.000 cư dân, hay 1/5 dân số Guyana và chiếm 2/3 diện tích bề mặt của đất nước.

Bộ Ngoại giao Guyana viết trong thông cáo được công bố vào đêm 3/4: “Nỗ lực của Venezuela nhằm sáp nhập hơn 2/3 lãnh thổ thuộc chủ quyền của Guyana và biến nó thành một phần của Venezuela là vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế”. Trước đó, trong buổi lễ tại Quốc hội, Tổng thống Maduro đã ban hành luật được thông qua vào cuối tháng 3, trong đó Venezuela tuyên bố chủ quyền đối với Essequibo và tố cáo việc Mỹ lập “căn cứ quân sự bí mật”. Văn bản này được soạn thảo sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12/2023 về việc sáp nhập khu vực tranh chấp này, chỉ định khu vực này là một bang mới của Venezuela.

Guyana tăng cường chi tiêu quân sự

Chính phủ Guyana đang đầu tư vào các thiết bị để tăng cường khả năng quân sự trước mối đe dọa lãnh thổ từ nước láng giềng Venezuela, mua máy bay vận tải từ Ấn Độ, tìm nguồn cung ứng tàu tuần tra từ Pháp, máy bay trực thăng và các phần cứng từ Mỹ cùng nhiều quốc gia khác.

Venezuela và Guyana căng thẳng vì ExxonMobil -0
Đại diện Chính phủ Guyana và công ty OCEA SA của Pháp ký thỏa thuận trị giá 39,5 triệu euro để mua tàu tuần tra ngoài khơi.

Tuần qua, Guyana đã ký thỏa thuận trị giá 42 triệu USD với Pháp để mua tàu tuần tra quân sự ngoài khơi có khả năng tuần tra trên biển, giám sát tài nguyên dầu mỏ và các vùng biển mà Venezuela tuyên bố chủ quyền. Tàu Pháp sẽ được đưa vào sử dụng vào năm tới cùng với 2 tàu tuần tra quân sự Metal Shark của Mỹ sẽ đến trong vài tuần tới. Quân đội địa phương đã đặt mua 4 máy bay trực thăng tầm trung từ Bell Corporation of Texas, một số máy bay không người lái tầm xa, thiết bị theo dõi ban đêm cùng các phần cứng khác từ Mỹ. Cũng tuần trước, hai máy bay Dornier 228 19 chỗ đã đến từ Ấn Độ để gia nhập đội bay ngày càng tăng của Lực lượng Phòng vệ Guyana, khi căng thẳng giữa Guyana và Venezuela kéo dài trong bối cảnh sáp nhập Essequibo và thành lập một nhà nước Venezuela được biết đến với tên gọi Guayana Esequiba.

Tổng thống Guyana Irfaan Ali nói về nỗ lực mua thêm thiết bị nhằm nâng cao năng lực của quân đội: “Khi đất nước phát triển, các mối đe dọa sẽ trở nên phức tạp hơn. Mặc dù chúng tôi là một quốc gia hòa bình nhưng không ai có quyền đánh giá thấp quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Đừng để định nghĩa hòa bình bị nhầm lẫn với sự yếu đuối. Như tôi đã nói gần đây, chúng tôi sẽ không khuất phục và càng không lùi bước trước những lời đe dọa”.

Việc xây dựng lại quân đội diễn ra trong bối cảnh một loạt quan chức cấp cao của Mỹ và phương Tây đến thăm đất nước trong những tháng gần đây, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Giám đốc CIA William. J. Burns vào tháng trước, Tư lệnh quân đội miền Nam Hoa Kỳ, tướng Laura Richardson, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Tây bán cầu Daniel P. Erikson và Giám đốc cấp cao Tây bán cầu Juan González, cùng nhiều người khác. Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné cũng đã đến thăm, trong khi Vương quốc Anh đã cử David Rutley, Bộ trưởng châu Mỹ, Caribe và các vùng lãnh thổ hải ngoại cũng đến tham dự.

Thỏa thuận với Pháp được đưa ra trong khoảng thời gian Venezuela nộp đơn bảo vệ pháp lý cho các yêu sách đối với Essequibo tại Tòa án quốc tế ở Hà Lan. Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodríguez đã chỉ trích việc mua lại của Pháp trong một bài đăng trên mạng xã hội trong tuần này, lưu ý rằng việc xây dựng quân đội là một phần trong âm mưu của Mỹ và các quốc gia phương Tây nhằm gây bất ổn ở khu vực Mỹ Latinh. Tổng thống Nicolas Maduro cũng cáo buộc Mỹ xây dựng căn cứ quân sự ở Guyana.

Tình hình căng thẳng Venezuela-Guyana đã khiến Liên hợp quốc lo ngại nguy cơ "leo thang căng thẳng" giữa hai quốc gia này xung quanh tranh chấp vùng Essequibo giàu dầu mỏ. Ngày 15/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi Guyana và Venezuela "kiềm chế".

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.