Vết rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh Trung Đông

Thứ Tư, 30/03/2022, 08:57

Những thông điệp gửi đến Washington từ các đồng minh cũ ở Vịnh Ba Tư là rõ ràng và gợi ý mạnh mẽ rằng thời kỳ bá quyền của Mỹ đã qua. Nếu có điều gì đáng để nhắc tới từ cuộc chiến ở Ukraine đối với thế giới Arab thì đó là vị thế và ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Á đang bị giảm sút. Washington đang đánh mất nhiều đồng minh truyền thống của mình trong khu vực, đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư, và xu hướng này có vẻ sẽ tăng tốc.

4 xu hướng gần đây minh chứng cho điều này. Đầu tiên, có thể xem xét đến chuyến thăm của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào ngày 25-3. Sự chào đón nồng nhiệt mà các nhà lãnh đạo UAE dành cho Tổng thống Syria là “một cái tát” vào mặt chính quyền Mỹ, đối với những phản đối mà Whasington đã nêu ra đối với chuyến thăm của ông al-Assad tới UAE và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm lật đổ Chính phủ Syria trước đây.

Vết rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh Trung Đông -0
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad gặp Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan tại Abu Dhabi, UAEa.

Thứ hai, cần lưu ý đến sự thờ ơ ngày càng tăng của Saudi Arabia và UAE, hai nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC với vai trò bá chủ của Mỹ. Đáng chú ý nhất là việc họ từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tăng sản lượng dầu để hạ giá và thêm nguồn cung, hỗ trợ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Thứ ba, chuyến thăm thất bại của Thủ tướng Anh Boris Johnson thay mặt cho Washington tới Abu Dhabi và Riyadh, nơi ông đưa ra những lời đe dọa với cả hai nước nếu họ không tuân theo đường lối của phương Tây đối với Ukraine, tham gia vào việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga hoặc phá vỡ các thỏa thuận sản xuất dầu của họ với Moscow thì sẽ phải nhận hậu quả, đều bị phớt lờ.

Thứ tư, đó là việc Saudi Arabia mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức và việc Riyadh nhận tiền bán dầu của mình cho Bắc Kinh bằng đồng nhân dân tệ. Điều này báo hiệu rằng vương quốc này và có thể là các quốc gia Vùng Vịnh khác có thể sẵn sàng tham gia vào hệ thống tài chính toàn cầu mới mà Nga và Trung Quốc đang phát triển như một giải pháp thay thế cho hệ thống của phương Tây.

Vết rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh Trung Đông -0
Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Mohammed Bin Zayed Al-Nahyan và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hội đàm tại Moscow, hôm 17-3.

Trong số 4 diễn biến trên, sự tiếp đón dành cho Tổng thống Assad tại Abu Dhabi và Dubai là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy "cuộc nổi dậy" của các nước Vùng Vịnh này chống lại Mỹ và sự thống trị của Washington.

Hơn nữa, có nguồn tin cho hay Saudi Arabia và UAE duòng như đã từ chối tiếp Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, mong muốn sửa chữa những thất bại trong chuyến thăm của Thủ tướng Boris Johnson.

Thay vào đó, trong bối cảnh phương Tây kêu gọi tẩy chay Nga trên khắp thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Mohammed Bin Zayed Al-Nahyan đã tới Moscow để hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Cảnh tượng tiếp đón nồng nhiệt và đầm ấm mà họ thể hiện chỉ có thể xát muối vào vết thương của người Mỹ.

Thời điểm chuyến thăm UAE của ông Bashar al-Assad - đúng vào dịp kỷ niệm 11 năm bắt đầu cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ Chính phủ Syria và 3 tuần sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine cùng sự thờ ơ của UAE trước phản ứng giận dữ của Mỹ là các dấu hiệu khác của việc bắt đầu thủ tục “ly hôn” giữa các nước đồng minh Trung Đông với Mỹ.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, chuyến thăm của ông Assad tới UAE đã mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai quốc gia và các nhà lãnh đạo của hai nước. Chuyến thăm này đã phá vỡ sự cô lập chính thức của Syria trong thế giới Arab và cho thấy sự phá sản trong chính sách cấm vận của Mỹ đối với nước này. Điều này thúc đẩy một quá trình "bình thường hóa" lớn hơn của thế giới Arab. Damascus sẽ lấy lại tư cách thành viên của Liên đoàn Arab và vai trò của Syria trong việc ra quyết định tập thể và tham gia Hội nghị thượng đỉnh thế giới Arab sẽ được tổ chức tại Algiers vào tháng 11 tới.

Động thái táo bạo này cũng có lợi cho UAE về nhiều mặt.Điều này giúp bù đắp tác động tiêu cực cực kỳ lớn đối với hình ảnh của UAE, hậu quả của việc nước này ký vào cái gọi là Hiệp định Abraham và sự bảo trợ nhiệt tình của Israel.

Xây dựng cầu nối tin cậy và hợp tác với Trục kháng chiến thông qua Syria, đồng minh thân cận nhất của Iran, cũng có thể giúp UAE và Saudi Arabia tìm cách thoát khỏi vũng lầy của họ ở Yemen. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Riyadh đang đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại đa đảng ở Yemen và đã chính thức mời phong trào Houthis tham gia.

Vết rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh Trung Đông -0
Việc Riyadh nhận tiền bán dầu của mình cho Bắc Kinh bằng đồng nhân dân tệ có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay

Tóm lại, những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay là những biểu hiện của cuộc nổi dậy chống lại quyền bá chủ của Mỹ trong thế giới Arab theo đường lối “trung hòa” do bộ ba Ai Cập-UAE và Saudi Arabia dẫn dắt. Điều này mở ra cơ hội tham gia cho các quốc gia Vùng Vịnh và các quốc gia Arab khác như Iraq, Algeria và Sudan nếu họ muốn. Trục mới này có thể trở nên rõ ràng hơn tại Hội nghị thượng đỉnh Algiers vào mùa thu tới.

Quá trình bình thường hóa giữa thế giới Arab với Israel sẽ chậm lại.Đây là sai lầm nghiêm trọng nhất mà các nước Arab đang trong quá trình bình thường hóa - cũ và mới - có thể mắc phải và cần phải chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên, quay lưng lại với Mỹ cũng có nghĩa là quay lưng lại với Israel và điều này sẽ khiến các quốc gia trong khối này cần phải cân nhắc sao cho hài hòa và đạt được mục đích chính yếu.

Tổng thống Assad, vốn chỉ bay đến Moscow và Tehran trong thập niên qua, dự kiến sẽ thực hiện nhiều chuyến đi nữa trong những tuần và tháng tới. Điểm đến tiếp theo của ông Assad sau Abu Dhabi có thể là Riyadh hoặc Cairo, bất chấp mọi nỗ lực của Mỹ để ngăn cản đường đi của ông.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.