Vì sao EU không đạt đồng thuận về áp trần giá dầu thô Nga?

Thứ Tư, 30/11/2022, 11:48

Ngày 28/11, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được sự đồng thuận về mức giá trần áp lên dầu thô Nga được vận chuyển bằng đường biển.

"Không có thỏa thuận nào. Các văn bản pháp lý hiện đã được thống nhất, nhưng Ba Lan vẫn không đồng ý về mức giá trần đưa ra", Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao.

Vì sao EU không đạt đồng thuận về áp trần giá dầu thô Nga? -0
Tàu dầu tại cảng Nakhodka của Nga hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, nguyên nhân là vì Ba Lan đòi giá trần đưa ra phải thấp hơn đề xuất của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhằm cắt giảm khả năng tài chính của Nga trong lúc chiến sự Ukraine tiếp diễn. Các nhà ngoại giao cho biết mặc dù cơ chế áp giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 tới, nhưng ngày đàm phán mới về mức giá trần hợp lý vẫn chưa được ấn định. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được về mức giá trần trước ngày 5/12, EU sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn vốn đã được thống nhất từ hồi tháng 5, theo đó cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12/2022 và các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023. Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác được miễn trừ và được tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga qua hệ thống đường ống.

Trước đó, nhóm G7 đã đề xuất chính sách mềm dẻo hơn lệnh cấm vận của EU nhằm đảm bảo nguồn cung dầu mỏ ổn định cho nền kinh tế toàn cầu, bởi vì Nga hiện cung cấp 10% lượng dầu mỏ của thế giới. G7 đề xuất EU và những khách hàng khác tiếp tục mua dầu của Nga nhưng chỉ khi ở mức giá bằng hoặc thấp hơn mức G7 đã đạt thỏa thuận là 65-70 USD/thùng.

Vì sao EU không đạt đồng thuận về áp trần giá dầu thô Nga? -0
Mỏ dầu gần thành phố Almetyevsk của Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Ba Lan và một số nước cho rằng mức giá trần này không làm tổn hại cho Nga vì dầu thô của Nga đã được giao dịch ở mức 63,5 USD/thùng và chi phí sản xuất ước tính chỉ 20 USD/thùng.  Do đó, Ba Lan, Lithuania và Estonia đã thúc đẩy áp giá trần 30 USD/thùng. "Ba Lan nhất quyết không thỏa hiệp về giá trần, nhưng cũng không đưa ra phương án thay thế chấp nhận được. Rõ ràng, ngày càng có nhiều bên không hài lòng với quan điểm của họ", một nhà ngoại giao EU nói.

Malta, Cyprus và Hy Lạp lo lắng rằng mức trần mà G7 đề xuất quá thấp, ảnh hưởng đến ngành vận tải biển khổng lồ của họ. Song, các nhà ngoại giao cho biết 3 nước này đã được nhượng bộ ở một số điều khoản trong văn bản pháp lý và không còn là trở ngại đối với thỏa thuận.

Để thực thi chính sách trần giá theo đề xuất của G7, các công ty vận tải, bảo hiểm và tái bảo hiểm (tức bảo hiểm cho công ty bảo hiểm) sẽ bị cấm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá thấp hơn giá do G7 và các đồng minh của họ đặt ra. Do các công ty vận tải và bảo hiểm quan trọng của thế giới hầu như đều đặt trụ sở tại các quốc gia G7, nên việc áp trần giá sẽ khiến Moscow khó bán dầu của mình với giá cao hơn.

Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, châu Âu là nơi tiêu thụ gần 50% lượng dầu xuất khẩu Nga. Năm 2021, khối này nhập từ Nga khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế và 0,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.

Tuy nhiên, hiện Nga đã chuyển hướng phần lớn nguồn cung sang Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á với giá chiết khấu, ngay cả trước khi EU ra lệnh cấm. Nga nhiều lần cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để đối phó với tác động tiêu cực nếu phương Tây áp giá trần. Moscow tuyên bố sẽ không tuân thủ quy định về trần giá dầu do phương Tây áp đặt, đe dọa sẽ ngừng giao hàng cho các quốc gia thực hiện quyết định này.

"Hiện chúng tôi thực hiện theo lập trường của Tổng thống Vladimir Putin rằng sẽ không cung cấp dầu và khí đốt cho những quốc gia sẽ áp đặt mức giá trần. Người châu Âu vẫn có những cuộc thảo luận rất khó hiểu về mức giá trần này. Có cảm giác như họ chỉ đang cố đưa ra quyết định, không phải để có hiệu lực, mà chỉ để thể hiện rằng giới hạn đã được đưa ra", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo tại Moscow ngày 24/11.

Ngày 24/11, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh việc phương Tây áp giá trần với dầu mỏ Nga "trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường" và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu.

Trước đó, cuối tháng 9/2022, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của EU nên được gỡ bỏ, do chúng làm tăng giá khí đốt và lạm phát. Ông Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong 27 nước thành viên EU khi nhiều lần nói liên minh tự hủy hoại chính mình vì áp các lệnh trừng phạt với Moscow, hay cảnh báo các biện pháp này có nguy cơ phá hủy kinh tế châu Âu.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.