Vị thế mới cho ASEAN
Và tất nhiên, vị thế đó chắc chắn cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ, song hành cùng những cơ hội phát triển rộng mở vừa được định hình tại Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 40-41 (cùng các Hội nghị liên quan) vừa khép lại tại thủ đô Phnom Penh của vương quốc Campuchia.
Lịch trình sôi động
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40- 41 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 10 đến 13/11/2022 tại khách sạn Sokha Phnom Penh, thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.
Các hội nghị cấp cao lần này được tổ chức vào năm kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, trong lần thứ ba Campuchia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN. Hội nghị diễn trong bối cảnh tất cả các nước đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, với nhiều vấn đề phát sinh tác động đến an ninh, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, ASEAN đã kiểm soát và hóa giải các thách thức đó, trên tinh thần “ASEAN hành động - Cùng giải quyết các thách thức”.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, lãnh đạo các nước ASEAN tập trung trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và tự cường. Còn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41, trọng tâm thảo luận tập trung vào quan hệ đối ngoại của ASEAN, cấu trúc khu vực, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Qua đó, khẳng định vai trò và trách nhiệm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Như Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đánh giá, những thành tựu nổi bật tại hội nghị lần này bao gồm:
Thứ nhất, sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện rõ nét. Trong bối cảnh phức tạp và bất ổn hiện nay, các nước đều khẳng định ASEAN đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì đà hợp tác, thúc đẩy phục hồi bền vững một cách hiệu quả. Trong khi bức tranh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều mảng xám, Đông Nam Á thực sự là điểm sáng với dự báo tăng trưởng đạt 5,3% trong 2022. Nối lại giao thương, mở cửa kinh tế, triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do là những ưu tiên tất cả các nước đề cập, trong nỗ lực chung về phục hồi sau đại dịch.
Tại hội nghị, ASEAN và các đối tác đã đưa ra nhiều biện pháp và cam kết nguồn lực cụ thể, nhằm ứng phó các thách thức đang nổi lên như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Các nước cũng đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực trong các lĩnh vực được quan tâm hiện nay như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN được phát huy mạnh mẽ trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định. Đặc biệt, trong vấn đề Myanmar, với việc thông qua quyết định về triển khai Đồng thuận 5 điểm, ASEAN thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ Myanmar, một thành viên của gia đình, vượt qua khó khăn và tìm giải pháp ổn định tình hình.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước ASEAN cũng thông qua tuyên bố, trong đó đồng ý về nguyên tắc việc kết nạp Timor Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN, trao quy chế quan sát viên và xây dựng lộ trình cho việc gia nhập của nước này.
Thứ hai, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục là ưu tiên của các nước, nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác. Triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN tiến triển tích cực, đặc biệt ở trụ cột chính trị - an ninh ghi nhận tỷ lệ triển khai đạt 98%. Các nước cam kết nỗ lực hoàn tất đúng hạn kế hoạch đề ra, tạo cơ sở vững chắc cho liên kết ASEAN trong giai đoạn mới.
Các nước nhất trí dành ưu tiên xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 - văn kiện chiến lược bao trùm để định hướng cho ASEAN trong thập kỷ tới, bảo đảm đoàn kết, vai trò trung tâm, tự cường và khả năng thích ứng của ASEAN trong bối cảnh mới. Các đối tác cũng cam kết sẽ ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, ưu tiên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, kết nối, phát triển tiểu vùng...
Thứ ba, quan hệ với các đối tác cũng ghi nhận những tiến triển cụ thể, thực chất. Đây là lần đầu tiên các Hội nghị Cấp cao ASEAN và các đối tác tổ chức trực tiếp sau gần 3 năm gián đoạn do dịch bệnh; những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của hầu hết các đối tác đều tham dự, một mặt cho thấy mong muốn và quyết tâm của các nước nối lại trao đổi trực tiếp cao nhất, mặt khác cho thấy sự quan tâm và coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.
Đáng chú ý, lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ và ASEAN - Ấn Độ, đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Canada, ghi nhận đề nghị của Hàn Quốc và Nhật Bản nâng cấp quan hệ với ASEAN. Một số đối tác cũng bày tỏ mong muốn tổ chức các Hội nghị Cấp cao kỷ niệm với ASEAN như kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản trong năm 2023 và 50 năm ASEAN - Australia trong năm 2024.
Kết thúc các hội nghị, lãnh đạo các nước đã thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN; Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN “Cùng ứng phó thách thức”; phê duyệt khung khổ hợp tác với một số đối tác đối thoại; Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC)...
Những điểm nhấn chiến lược
Hoạt động nổi bật thu hút rất nhiều sự chú ý của giới quan sát quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này, không gì khác, là việc các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden nhất trí nâng cấp quan hệ giữa hai bên lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Đây cũng chính là minh chứng tiêu biểu cho vị thế mới cũng như những thành công trong lĩnh vực đối ngoại của ASEAN.
Theo Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ: Năm 2021, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN, chiếm 23% trong tổng số vốn FDI vào khu vực. Có thể thấy, mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa hai bên gần đây ngày càng trở nên bền chặt và sâu sắc.
Nhân dịp này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD cho khu vực ASEAN trong năm 2023, nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai bên. Thực tế, đó cũng chính là bước đi đầu tiên về phía tương lai đầy hứa hẹn, sau khi mối quan hệ được nâng cấp lên một tầm cao mới.
Thời gian tới, ASEAN và Mỹ nhất trí tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi toàn diện, hướng tới phát triển xanh và bền vững. Cùng với các nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, ASEAN cũng mong muốn cùng Mỹ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, đồng thời mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới như ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững,chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác biển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tham dự hội nghị và nhất trí thông qua tuyên bố, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm hiện nay, ASEAN và Mỹ cần ưu tiên đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi bền vững sau đại dịch.
Khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là áp dụng mọi biện pháp tốt nhất hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng đề nghị Mỹ, với vị trí, vai trò, uy tín, kinh nghiệm và nguồn lực của mình, hỗ trợ ASEAN để hàng hóa được rộng mở vào thị trường Mỹ; đồng thời giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử. Hướng tới tương lai tự cường và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao vai trò quan trọng và các cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong thúc đẩy đoàn kết quốc tế và đề cao chủ nghĩa đa phương, chung tay đề ra những giải pháp toàn cầu để giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu.
Nhìn từ nhiều giác độ, việc các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia đồng loạt bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ, không thể phủ nhận, là minh chứng cho vị thế đang ngày càng trở nên quan trọng của khu vực ASEAN.
Nói một cách ngắn gọn, nắm giữ vị trí trung tâm tại cửa ngõ nối liền Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (vốn đang được xem là khu vực địa chính trị quan trọng hàng đầu trong thế kỷ XXI này), đồng thời cũng là giao điểm của các nền kinh tế/khối hợp tác kinh tế hàng đầu thế giới, ASEAN sở hữu những lợi thế cực kỳ thuận lợi và cũng đang nỗ lực tận dụng hiệu quả tất cả những ưu thế đó, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển cũng như gia tăng vị thế cho chính mình, với tiếng nói ngày một thêm sức nặng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ phương Tây: “Không có bữa trưa nào miễn phí”. Chính bối cảnh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chia rẽ và phân mảnh trên thượng tầng kiến trúc của thế giới hiện đại - trái ngược với xu hướng toàn cầu hóa - lại cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho ASEAN về khả năng duy trì trạng thái cân bằng chiến lược, không để bị cuốn đi theo cách không mong muốn vào bất cứ cuộc cạnh tranh nào giữa các trung tâm quyền lực quốc tế... và cả về yêu cầu tối thượng: Bảo đảm tối đa sự đồng thuận, nhất quán, đoàn kết và chia sẻ nội khối, trước bất cứ vấn đề nào có thể phát sinh từ chính những viễn cảnh lấp lánh lợi ích riêng.