Vòng đàm phán thứ tư Nga - Ukraine: Chờ đợi và hy vọng
Ở thời điểm vòng đàm phán thứ tư giữa Nga và Ukraine (diễn ra theo hình thức trực tuyến) được thông báo “tạm dừng kỹ thuật” vào cuối ngày 14-3, những triển vọng lạc quan vẫn được nhắc đến, thậm chí được nhấn mạnh. Tuy nhiên, bên ngoài các màn hình, các guồng quay trên thực địa chiến trường, cũng như trên các hình thức chiến tranh khác vẫn vận hành một cách hối hả theo nhiều chiều hướng. Do đó, mọi dự báo lạc quan vẫn chỉ là những hy vọng mang tính lý thuyết.
Trực diện và không khoan nhượng
Cuối ngày 14-3, ông Mykhailo Podolyak - Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán bên phía Ukraine - thông báo: “Hai bên tạm dừng kỹ thuật để trao đổi thêm trong các tiểu tổ công tác và làm rõ các định nghĩa riêng lẻ”. Sự gián đoạn này chỉ là một chặng “nghỉ giữa hiệp” rất ngắn, bởi theo kế hoạch, đàm phán được tiếp nối ngay trong ngày 15-3.
Tại vòng đàm phán đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến này, sau 3 vòng gặp gỡ trực tiếp trước đó, hai bên mong chờ điều gì? Như chính ông Podolyak hé lộ trước thềm cuộc họp trực tuyến ấy, vòng đàm phán thứ tư sẽ tập trung “về hòa bình, ngừng bắn, lập tức rút quân và đảm bảo an ninh. Đây là cuộc đàm phán rất khó khăn nhưng cần thiết cho hòa bình”. Theo ông Podolyak, lập trường của Ukraine vẫn không thay đổi, kiên quyết đạt được lệnh ngừng bắn trước khi có thể tiến hành đàm phán về các mối quan hệ trong tương lai. Tuy vậy, ông cũng nhận xét rằng phía Nga đã bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng.
Ông cũng cho biết: Sau một quá trình thương thảo, Ukraine và Nga “đã tiến gần tới một thỏa hiệp”. Có lẽ, cơ sở của nhận định này là chuyện sau 3 vòng đàm phán trước (các ngày 28-2, 3-3 và 7-3), hai phía đã đồng ý thiết lập một hành lang nhân đạo dành cho thường dân sơ tán, đi kèm những lệnh ngừng bắn tạm thời.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn RIA, ông Leonid Slutsky, thành viên phái đoàn đàm phán Nga, nói các cuộc đàm phán đã đạt tiến bộ đáng kể. Ông kỳ vọng tiến độ này có thể dẫn tới tiếng nói chung giữa hai bên để đi đến việc ký kết các văn kiện (ngày 13-3).
Cùng ngày 14-3, nghĩa là sau khi các cuộc thảo luận tạm dừng, cả hãng tin Sputnik (Nga) lẫn Ukraine News đều dẫn lời Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych, cho hay Ukraine có thể đạt được hiệp ước hòa bình với Nga trong vài tuần nữa, muộn nhất là trước tháng 5. Trả lời phỏng vấn của truyền thông Nga, ông Oleksiy Arestovych bày tỏ tin tưởng vào triển vọng này, song cũng cảnh báo nếu hai bên không đạt được thỏa thuận hòa bình trước cuối tháng 5, các hoạt động đối đầu sẽ tiếp diễn và chiến sự cục bộ tại Ukraine có thể kéo dài tới cả năm.
Vấn đề là, trong thông điệp ghi hình phát trên nền tảng mạng xã hội Facebook ngày 14-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết “nhiệm vụ rõ ràng” của phái đoàn Ukraine là “làm mọi thứ để cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine diễn ra” bên cạnh các đảm bảo, cam kết, nguyên tắc có tính ràng buộc.
Nói cách khác, từ góc nhìn của người đứng đầu nhà nước Ukraine, một cuộc gặp gỡ trực tiếp, một cuộc đối mặt trực diện với người đồng cấp Nga vẫn là mục tiêu then chốt và bắt buộc, trên tiến trình tìm kiếm những giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Giới quan sát quốc tế có thể hiểu điều đó, bởi có những vấn đề chỉ có thể nói thẳng với nhau một cách kín đáo, giữa những nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất về mọi quyết định, chứ không phải là thông qua các cấp trung gian.
Đặc biệt, trong bối cảnh thực tế là chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt, cũng như lập trường và quan điểm của hai phía còn ở cách nhau quá xa, những lời tuyên bố mang màu sắc lạc quan từ cả hai phái đoàn, dường như, chỉ là các nỗ lực nhằm giữ cho những cánh cửa không bị đóng sập lại.
Vừa đánh, vừa đàm
Thực tế, trên mặt trận tuyên truyền - truyền thông đã và vẫn đang diễn ra “ác liệt” kể từ khi cuộc xung đột quân sự bùng nổ, cả Nga lẫn Ukraine đều cố gắng thể hiện với thế giới rằng không chỉ họ đều nắm giữ “chính nghĩa”, mà còn chiếm được những ưu thế nhất định trên thực địa chiến trường, thông qua những tổn thất mà đối phương phải gánh chịu.
Đây là những yếu tố rất khó có thể kiểm chứng bằng các nguồn tin độc lập. Có lẽ, chưa từng có cuộc xung đột vũ trang nào thể hiện rõ nét diện mạo của chiến tranh hiện đại trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin đến vậy, khi từ trạng thái “thiếu thông tin” do nguyên tắc bảo mật quân sự truyền thống, dư luận thế giới đột ngột chuyển sang thừa thãi, lạm phát và hỗn loạn bởi quá nhiều thông tin. Chưa từng có cuộc chiến nào mà từng cuộc hành quân, từng góc chiến sự đều có thể được ghi hình hoặc phát trực tiếp trên các mạng xã hội bởi từ người dân kẹt trong vùng chiến sự đến chính các quân nhân.Song, cũng chính bởi vậy, những dữ liệu giả cũng nhanh chóng được chế tạo, trà trộn và phát tán với tốc độ chóng mặt, tạo nên các hiệu ứng đa chiều.
Tuy vậy, đặt chúng cạnh nhau (với những dữ liệu thậm chí có thể là đối nghịch nhau), có lẽ các nhà phân tích vẫn có thể tự rút ra một số điểm cốt lõi. Thứ nhất: các bên liên quan đến cuộc chiến đều gánh chịu thiệt hại nặng nề ở những mức độ khác nhau. Thứ hai: Bởi vậy, có lẽ họ đều mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này thông qua thương lượng, tuy rằng lập trường của các bên hiện vẫn còn ở quá xa nhau. Thứ ba: Khi cố gắng thể hiện rằng mình đang “chiếm thượng phong”, với tính cách quyết liệt của cả hai vị nguyên thủ quốc gia, sẽ rất khó để bất cứ ai trong số họ chấp nhận “xuống thang” trước. Và, thứ tư: Các vận động địa chính trị - địa kinh tế ngoại vi cũng đã, đang và vẫn sẽ tạo thêm những ảnh hưởng khó đoán định cho cuộc chiến.
Cho đến ngày 14-3, như người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Lực lượng vũ trang Nga đang sử dụng vũ khí hiện đại chính xác cao, chỉ đánh vào các cơ sở hạ tầng thông tin-quân sự. Tất cả kế hoạch của lãnh đạo Nga sẽ được thực hiện đầy đủ trong khung thời gian đã phê duyệt từ trước. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị không tiến hành cuộc tấn công ngay lập tức vào các thành phố lớn của Ukraine bởi thương vong dân thường sẽ rất lớn, song Bộ Quốc phòng Nga không loại trừ khả năng kiểm soát hoàn toàn nhiều thành phố lớn”.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - thiếu tướng Igor Konashenkov - thông báo một loạt hành động quân sự nhằm vào các cơ sở công nghiệp sản xuất và sửa chữa vũ khí của Ukraine, nhằm đáp trả vụ bắn tên lửa Tochka-U vào các khu dân cư ở thành phố Donetsk mà Moskva cáo buộc do phía Ukraine thực hiện.
Ngược lại, ở phía bên kia chiến tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đệ trình lên Quốc hội dự luật cho phép kéo dài lệnh thiết quân luật thêm 30 ngày, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở nước này bước sang ngày thứ 20. Theo The Washington Post, ông Zelensky đã đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden làm nhiều hơn nữa để cắt đứt nước Nga khỏi hệ thống thương mại quốc tế.
Trong khi ủng hộ các biện pháp đã được Mỹ thực hiện cho đến nay, nhà lãnh đạo Ukraine đề nghị Washington trừng phạt thêm nhiều quan chức Nga, trong đó, cần khắc phục những kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt hiện tại và hạn chế việc Moscow tiếp cận các tuyến đường biển quốc tế.Ông Zelensky cũng đề nghị Tổng thống Biden nhắm mục tiêu vào các thành viên của Chính phủ Nga.
Theo kế hoạch dự kiến, ngày 16-3, ông Zelensky sẽ phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện cũng như ông Chuck Schumer - Chủ tịch Thượng viện Mỹ: “Chúng tôi mong muốn có đặc ân được chào đón bài phát biểu của Tổng thống Zelensky trước Hạ viện và Thượng viện cũng như chuyển tải sự ủng hộ của chúng tôi tới người dân Ukraine”.
Có thể thấy, trong khi vẫn đang cố gắng chống trả trên chiến trường, người đứng đầu nhà nước Ukraine không từ bỏ các nỗ lực tìm kiếm thêm “ngoại viện” nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán, thông qua các công cụ phi quân sự (ngoại giao - kinh tế).
Song, ngược lại, như Báo Rossiyskaya Gazeta (Nga) phân tích: nếu như quá trình vận chuyển năng lượng qua Ukraine bị gián đoạn, các nước châu Âu hầu như không thể bù đắp được nguồn cung khí đốt mà không khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga (đã bị nước Đức và EU ngừng cấp phép hoạt động). Nghĩa là, Nga cũng nắm trong tay những ưu thế phi quân sự tương xứng để đáp trả. Trong khi đó, gấp gáp tìm kiếm các lối thoát kinh tế mới, nhất là việc siết chặt mối liên hệ về kinh tế với Trung Quốc, đồng thời liên tục thúc đẩy giá dầu thế giới “phá trần”, Moscow đang chứng tỏ với phương Tây rằng nếu Ukraine chờ đợi quân đội Nga không chịu đựng nổi cái giá của các tổn thất quân sự thì nước Nga cũng đủ khả năng làm phương Tây khốn quẫn với những tổn hại kinh tế - xã hội.
Đàm phán Nga - Ukraine, vì thế, phụ thuộc rất nhiều vào cả những diễn biến chiến sự cũng như các vận động ngoại giao, khi bên nào cũng cố gắng chiếm giữ nhiều ưu thế thực tế (chứ không phải chỉ trên mặt trận truyền thông) nhất. Mà điều đó thì lại luôn cần có đủ thời gian để chuẩn bị, kể cả khi lửa giao tranh đã bén sát ngoại vi Kiev, hay khi các cuộc thảo luận đã không còn diễn ra theo hình thức trực tiếp nữa.
Một cách ngắn gọn: Sẽ còn là một chặng đường dài và trắc trở để Ukraine có thể yên bình trở lại và bắt đầu tái thiết, trong vai trò là mảnh ghép định hình một cấu trúc cân bằng chiến lược mới cho cả châu Âu lẫn toàn cầu - điều mà nước Nga thực sự hướng đến.