Vòng xoáy chưa hồi kết

Chủ Nhật, 19/06/2022, 12:19

Chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga tiến hành tại miền Đông Ukraine đã đi qua ngày thứ 115. Không những chưa có dấu hiệu kết thúc, chiến sự ở giai đoạn thứ hai này còn mỗi lúc một trở nên khốc liệt và đẫm máu. Dường như, khi cả những người trong cuộc và những thế lực gián tiếp can dự vào cuộc chiến đều chưa bị đẩy đến giới hạn chịu đựng tổn thất cuối cùng, sẽ rất khó để chặng kết thúc của cuộc xung đột xuất hiện.

Những tổn thất kinh hoàng

Có lẽ sẽ là thiếu thận trọng, nếu chúng ta cứ bị hút vào các thông tin chiến sự, cho dù những thông tin ấy nóng bỏng và cuốn hút đến đâu. Lý do thật đơn giản: chiến tranh tâm lý - tuyên truyền luôn là phần tất yếu của mọi cuộc chiến, từ cổ đại đến hiện đại, từ Đông sang Tây. Song, chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra này còn là lần đầu tiên yếu tố này được thể hiện với sự “tiếp sức” mạnh mẽ chưa từng có bởi các công nghệ (cũng như kỹ xảo) truyền thông hiện đại đến thế, với sự bùng nổ của kỷ nguyên Internet. Càng nhiều thông tin, và những thông tin ấy được cung cấp càng nhanh chóng, chúng lại càng trở nên khó kiểm chứng. Đến cả các chuyên gia cũng có thể bị choáng ngợp và lạc lối trong những biển tin tức được cập nhật từng ngày, từng giờ.

Vòng xoáy chưa hồi kết -0
Các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã đến Kyiv, ngày 16-6.

Tuy nhiên, vẫn có những cách để giới quan sát quốc tế lần tìm những “manh mối” và gạn lọc sự chân thực. Cho dù vẫn phải cân nhắc để định lượng cho sát với thực tế, nhằm “trừ hao” hay “cộng thêm” dựa trên các phân tích riêng, thì những phát biểu của các nhân vật quan trọng (đặc biệt là về những vấn đề bất lợi cho phía họ) cùng những động thái ngoại giao liên quan đến cuộc chiến, khi đặt cạnh bản đồ chiến sự mà cả hai phía tham chiến (trong trường hợp cụ thể này là truyền thông Nga và truyền thông Ukraine/phương Tây) công bố cũng sẽ có thể tạo nên một bức tranh toàn cảnh tương đối đáng tin cậy.

Theo đó, từ cổng thông tin Axios (Mỹ), trưởng phái đoàn đàm phán hòa bình của Ukraine David Arakhamia cho biết, quân đội nước này có tới “từ 200 đến 500 binh sĩ tử vong và bị thương” mỗi ngày ở Donbass.  Ông Arakhamia đã nêu những con số trên trong cuộc thảo luận về tình hình Ukraine tại Quỹ Marshall của Đức hôm 15-6 khi tới Washington. Thông số này rất khác số liệu mà Tổng thống Ukraine đề cập hồi đầu tháng 6-2022, với khoảng  từ 60-100 binh sĩ thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương. Trong khi đó, ông Mikhail Podolyak - Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine lại đưa ra một con số khác: Từ 100-200 binh sĩ mỗi ngày. Trước đó, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết: Theo Lầu Năm Góc, Ukraine có khoảng 100 binh sĩ thiệt mạng và 100-300 người bị thương mỗi ngày.

Cùng lúc, chúng ta có thể thấy, Kyiv vẫn liên tục thúc giục các quốc gia đang hậu thuẫn cho họ viện trợ thêm vũ khí, thậm chí là những số lượng vũ khí khổng lồ. Theo Reuters, phát biểu trên truyền hình hôm 14-6, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar hé lộ: “Chúng tôi mới nhận được khoảng 10% những gì chúng tôi cần. Dù Ukraine cố gắng đến đâu, dù quân đội của chúng tôi chuyên nghiệp đến đâu, nhưng nếu không có sự giúp đỡ của các đối tác phương Tây, chúng tôi sẽ không thể chiến thắng trong cuộc chiến này”.

Vòng xoáy chưa hồi kết -0
Một cây cầu bị phá sập ở Severodonetsk.

Ngay trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận: “Những trận chiến khốc liệt nhất đang diễn ra ở Severodonetsk và các thị trấn, cộng đồng lân cận. Thật không may, tổn thất rất đau đớn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải trụ vững. Việc cố thủ ở Donbass là điều rất quan trọng. Donbass là chìa khóa để quyết định ai sẽ nắm quyền kiểm soát trong những tuần tới”. Nghĩa là, việc phía Nga tuyên bố kiểm soát đến 70% Severodonetsk và đang tiếp tục tiến công về trung tâm thành phố là thông tin xác thực. Severodonetsk đang bị đẩy tới gần kết cục của Mariupol.

Ở chiều ngược lại, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cũng nói đến việc nước Nga đang “ở trong một tình thế không dễ dàng”, thậm chí “có thể được coi là khó khăn”. Song, đó không phải là các vấn đề quân sự thuần túy, mà là chuyện khó khăn trong điều kiện cuộc chiến kinh tế chưa từng có (do các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow).

Triển vọng Đàm phán vẫn mịt mờ

Ngày 16-6, phía Nga cũng cho biết Moscow sẵn sàng tái khởi động cuộc đàm phán hòa bình với Kiev nhưng chưa nhận được phản hồi về đề xuất này. Do đó, Điện Kremlin bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy cũng như Tổng thống Romania Klaus Iohannis sẽ nhân chuyến công du Ukraine để “thảo luận về các vấn đề khác, ngoài việc cung cấp vũ khí cho Ukraine”. Bởi, “điều đó hoàn toàn vô ích và có thể gây thêm thiệt hại cho Ukraine”.

Ngày 16-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đến thủ đô Kyiv của Ukraine, trong chuyến thăm đầu tiên của các nhà lãnh đạo này đến Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ hồi cuối tháng 2.

Vòng xoáy chưa hồi kết -0
Phương Tây tiếp tục viện trợ Vũ khí cho Ukraine.

Ngay trước khi lên đường, phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Romania Klaus Iohannis sau cuộc thảo luận tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Nam Romania, Tổng thống Macron cho biết Pháp mong muốn xây dựng hòa bình và đã có những bước đi nhằm ngăn ngừa xung đột. Ông nhấn mạnh: Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cả về mặt quân sự, kinh tế, tài chính và kế hoạch nhân đạo.

Song, bên cạnh đó, chủ nhân Điện Elysee cũng nhấn mạnh: “Tổng thống Ukraine và các quan chức của ông ấy sẽ phải đàm phán với Nga. Và chúng ta, châu Âu, sẽ có mặt ở bàn đàm phán, đề nghị cung cấp các đảm bảo an ninh, những yếu tố liên quan đến toàn lục địa. Đây chính là thực tế. Chúng ta muốn xây dựng hòa bình, điều đó đồng nghĩa với việc đến một lúc nào đó chúng ta đều muốn cuộc chiến phải chấm dứt và khởi động lại đàm phán”.

Quan điểm này dĩ nhiên khiến các nhà phân tích lập tức nhớ đến tuyên bố của Tổng Thư ký NATO Jens Soltenberg 3 ngày trước đó: “Hòa bình là có thể. Câu hỏi duy nhất là bạn sẵn sàng trả cái giá nào cho hòa bình? Bạn sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, bao nhiêu chủ quyền... vì hòa bình”.

Đáng chú ý, tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Ukraine có thể sớm bị phương Tây ép vào một thỏa thuận hòa bình. Đến mức độ, Tổng thống Ukraine Zelensky từng hé lộ: có những bên giấu tên đang cố gắng “hối thúc chúng tôi” đạt được một thỏa thuận, khi công chúng ở các quốc gia ủng hộ Ukraine ngày càng “mệt mỏi vì chiến tranh”.

Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Xét cho cùng, mục tiêu tối thượng mà mọi quốc gia hướng đến luôn là những lợi ích riêng, cốt lõi và thiết thực nhất của chính mình. Tuy nhiên, song song với điều đó, từ các lập trường khác, những quốc gia châu Âu láng giềng của Ukraine lại đang “điêu đứng” khi bị cuốn vào cuộc chiến, khi thấy vừa bị đe dọa bởi những nguy cơ quốc phòng, lại vừa phải cố gắng giữ cân bằng nội tại (trong bối cảnh giá nhiên liệu, giá lương thực - thực phẩm, lạm phát, chi phí sinh hoạt... đều tăng vọt).

Nhưng, trong lúc này, mọi cuộc đàm phán Nga - Ukraine vẫn đều đang đình trệ, khi giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt. Mà nếu tiếp diễn, rất có thể, những cuộc thảo luận cũng sẽ chỉ đi vào bế tắc, như đã từng.

Vòng xoáy chưa hồi kết -0
Bản đồ chiến sự tại miền Đông Ukraine, tính đến ngày 16-6.

Mục tiêu tối thượng

Ở một khía cạnh khác, chuyện tranh cãi xem phía Nga có thật sự thất bại trong mục tiêu ban đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” hay không, hay những sự uy hiếp rồi triệt thoái ở hướng Kyiv và Kharkov - những thành phố quan trọng nhất của Ukraine - chỉ là những đòn nghi binh quân sự, dường như cũng là vô nghĩa. Khó có thể tin được rằng một cường quốc hàng đầu như nước Nga lại có thể “ngây thơ” đến độ động binh chỉ với một mục tiêu duy nhất. Sẽ luôn có những “kế hoạch B” và thậm chí là “kế hoạch C”, nếu “kế hoạch A” không đi đúng hướng.

Vấn đề là, chiến tranh, như nhà quân sự lỗi lạc người Đức Carl von Clausewitz (1780-1831) từng nhận xét, cũng chỉ là “sự tiếp diễn của chính trị theo những phương thức khác”. Điều này đang được thể hiện mỗi lúc một rõ nét tại cuộc xung đột Nga - Ukraine, ở cả những tầm mức cao nhất.

Có lẽ, lãnh thổ hay tầm ảnh hưởng trong không gian truyền thống đều chưa phải là mục tiêu cao nhất mà Tổng thống Nga Putin hướng tới, khi vào ngày 30-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng nhóm các nền kinh tế đang nổi (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ là “trung tâm trật tự thế giới mới”.

Vòng xoáy chưa hồi kết -0
Triển vọng hòa bình vẫn rất xa vời.

“Trật tự thế giới mới”, theo đó, mới chính là mục tiêu tối thượng của chủ nhân Điện Kremlin, nhằm đưa nước Nga trở lại vị trí mà nó đã từng thuộc về. Đó chắc chắn không phải là trật tự đơn cực mang màu sắc phương Tây (mà Mỹ là siêu cường lãnh đạo) đã được áp đặt kể từ sau Chiến tranh Lạnh, mà là một trật tự phù hợp với xu thế đa phương hóa, toàn cầu hóa, nghĩa là “đa cực hóa”. 

Thực ra, từ 10 năm trước, khi Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, song song với những động thái trỗi dậy từ Moscow, giới quan sát quốc tế đã đưa ra những dự báo về tiến trình tái xác lập cũng như định hình trật tự thế giới mới này. Và, ngay từ ngày 23-2, một ngày trước khi cuộc xung đột quân sự bùng nổ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng đã xác nhận: Chúng tôi nghĩ rằng Nga và Trung Quốc muốn tạo ra một trật tự thế giới. Nhưng, đây là trật tự đã và sẽ phi tự do, trái ngược với trật tự mà các nước trên thế giới xây dựng trong 7 thập kỷ qua”, còn câu chuyện Ukraine chỉ là một phần trong tiến trình ấy.

Từ góc độ này, dường như cuộc xung đột đã trở thành “cuộc chiến không được phép thất bại” với không chỉ Nga hay Ukraine, mà có lẽ là với cả “siêu cường duy nhất”. Phải chăng, vì thế, ngày 15-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine một gói viện trợ an ninh mới trị giá 1 tỷ USD. Do đó, các cuộc giao tranh sẽ tiếp diễn, các triển vọng đàm phán sẽ vẫn tiếp tục mịt mờ, trong khi toàn châu Âu - nghĩa là cả Nga lẫn Liên minh châu Âu (EU) - càng lúc càng phải chịu đựng thêm nhiều tổn hại...

Mây Linh
.
.