VOSTOK-2022: Bản thông điệp về sức mạnh Nga
Hơn 50.000 quân nhân, 5.000 phương tiện vũ khí và thiết bị quân sự, bao gồm 140 máy bay, 60 tàu chiến, tàu thuyền và tàu hỗ trợ, sẽ tham gia các cuộc diễn tập của 13 bãi tập tại Quân khu phía Đông của Nga trong khuôn khổ cuộc tập trận Vostok-2022 do Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, trực tiếp chỉ huy.
Đây là thông tin vừa được đưa ra trong tuyến bố ngày 29-8 của Bộ Quốc phòng Nga. Ngoài những con số thể hiện quy mô hoành tráng của cuộc tập trận đa phương lớn nhất mà Nga thực hiện kể từ sau khi cuộc chiến tranh Ukraine nổ ra - cũng là một cách thức giúp Điện Kremlin phô trương lực lượng hùng mạnh của mình, bất chấp những tổn thất vì chiến dịch tại Ukraine. Những thành phần tham gia sự kiện này cũng là điều được dư luận hết sức quan tâm.
Cuộc tập trận đa phương quy mô lớn
Mặc dù đang bận rộn với “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga vẫn tích cực chuẩn bị cho cuộc tập trận đa phương quy mô lớn Vostok-2022 với các quốc gia thân thiết, sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 9 tại các khu huấn luyện thuộc Quân khu phía Đông Liên bang Nga. Nội dung tập trận bao gồm các hạng mục phòng thủ và tấn công được tổ chức tại 7 khu huấn luyện trên đất liền, bao gồm Burduny, Goryachie Klyuchi, Knyaz-Volkonsky và các khu quân sự ven biển tại các khu vực biển Okhotsk và biển Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận Vostok-2022 cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau cho các hoạt động của các nhóm liên quân và liên minh trong việc đảm bảo an ninh quân sự của Liên bang Nga và các đồng minh trong khu vực thuộc trách nhiệm của Quân khu phía Đông.
Theo đó, mục tiêu của các hoạt động diễn tập là nhằm nâng cao kỹ năng của chỉ huy và binh lính trong việc quản lý các nhóm liên quân và liên minh, tăng khả năng tương thích và mức độ tương tác khi liên minh các nhóm quân giải quyết các nhiệm vụ chung là duy trì hòa bình, bảo vệ lợi ích và đảm bảo an ninh quân sự ở khu vực phía Đông.
Trong các cuộc diễn tập, mức độ sẵn sàng của các cơ quan chỉ huy và kiểm soát quân sự cũng sẽ được kiểm tra thông qua việc tổ chức lập kế hoạch tác chiến ở các khu vực ven biển, hỗ trợ toàn diện và kiểm soát các nhóm quân trong khi tiến hành các cuộc chiến. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các hành động của binh lính tham gia diễn tập sẽ được thực hiện theo các quy định của Thỏa thuận xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự ở khu vực biên giới năm 1996 giữa Liên bang Nga, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Ý nghĩa chiến lược đối với Nga
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận Vostok[1]2022 có sự tham gia của các lực lượng của Quân khu phía Đông, một phần lực lượng của lực lượng dù, không quân tầm xa và không quân vận tải quân sự, cũng như lực lượng quân sự của các nước thân hữu khác. Phía Nga nhấn mạnh quyết tâm tổ chức cuộc tập trận này bất chấp việc đang phải tập trung lực lượng vào một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Điều này cho thấy quân đội Nga không hủy bỏ bất kỳ hoạt động nào đã được lên kế hoạch về huấn luyện tác chiến và chiến đấu, cũng như hợp tác kỹ thuật quân sự và giao lưu quốc tế, cũng là một cách để Điện Kremlin chứng tỏ Nga vẫn hùng mạnh như thế nào dù đã dồn lực lượng tại Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó cũng khẳng định chỉ một bộ phận của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga tham gia vào hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine và số lượng này khá đủ để đáp ứng tất cả các nhiệm vụ do Tổng Tư lệnh tối cao đặt ra.
Cuộc tập trận năm nay có ý nghĩa về nhiều mặt: Đây là cuộc diễn tập quân sự đa phương đầu tiên được thực hiện sau khi Nga xúc tiến “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ muốn thông qua cuộc tập trận này gửi một thông điệp tới phương Tây rằng Nga vẫn có khả năng ngoại giao để mời các quốc gia khác tham gia các hoạt động quy mô lớn với mình, mặc dù luôn bị phương Tây coi là một quốc gia “bị cô lập”.
Những năm gần đây, các học giả phương Tây thường gọi Nga là “cường quốc ẩn dật” nhưng thực tế là Nga, với diện tích địa lý rộng lớn và các nguồn tài nguyên quan trọng như dầu mỏ và khí đốt, vẫn giữ vị trí thống trị từ Á sang Âu. Điều này có thể được đánh giá từ thực tế rằng toàn bộ châu Âu hiện phải phụ thuộc vào khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của họ và bất kỳ sự gián đoạn nào của nguồn cung này đều sẽ khiến các cường quốc châu Âu phải đau đầu. Đây là lý do tại sao Đức và Pháp đã miễn trừ khí đốt của Nga khỏi hàng loạt biện pháp trừng phạt của họ.
Cuộc tập trận Vostok[1]2022 cũng có ý nghĩa quan trọng vì chúng diễn ra ngay sau các cuộc Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIM[1]PAC) do Mỹ đăng cai tổ chức, trong đó cả Nga và Trung Quốc đều không tham gia. RIMPAC chứng kiến sự tham gia của 26 quốc gia và được tổ chức trong khuôn khổ chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Thông điệp từ sự tham gia của các lực lượng thân cận
Theo thông tin từ hãng thông tấn chính thức TASS của Nga, cuộc tập trận Vostok-2022 do Nga tổ chức năm nay sẽ quy tụ các nhóm chỉ huy và kiểm soát hoạt động, các đội quân và quan sát viên quân sự từ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và quân đội các quốc gia đối tác khác như Trung Quốc, Azerbaijan, Algeria, Armenia, Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Mongolia, Nicaragua, Syria, Syria và Tajikistan. Trong số các thành phần tham gia, không quá bất ngờ khi dư luận dành sự quan tâm đặc biệt cho Trung Quốc và Ấn Độ.
Đầu tháng này, khi Trung Quốc xác nhận tham gia cuộc tập trận, các thông tin về những thành phần lực lượng được Bắc Kinh điều động bắt đầu được săn đón.
Ngày 25-8, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều binh lính đến tham gia cuộc tập trận Vostok-2022 sắp diễn ra tại Nga. Tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin các lực lượng không quân và lục quân của PLA đã có mặt tại địa điểm tập trận và các lực lượng hải quân PLA đang trên đường đến địa điểm hẹn gặp các tàu Nga trên biển.
Các nhà phân tích Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng đây là lần đầu tiên PLA cử cả 3 lực lượng của họ tham gia một cuộc huấn luyện của Nga.
Trước đó, trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lưu ý rằng “các cuộc tập trận không liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực hiện nay” và chỉ hướng đến giải quyết “các vấn đề về việc sử dụng các nhóm quân để đảm bảo an ninh quân sự ở khu vực phía Đông”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cũng cho biết PLA đã cử một số binh sĩ của họ đến Nga để tham gia cuộc tập trận Vostok-2022 dựa trên “kế hoạch hợp tác quân sự Trung - Nga hằng năm” và thỏa thuận đạt được giữa hai bên.
Theo Zhang Xuefeng, một chuyên gia quân sự Trung Quốc tại Bắc Kinh, việc Trung Quốc tham giacác cuộc tập trận Vostok[1]2022 chứng tỏ rằng quân đội Trung Quốc có thể quyết định khi nào tổ chức loại cuộc tập trận nào với ai, dựa trên nhu cầu an ninh và sắp xếp huấn luyện của riêng họ, mà không bị can thiệp từ các tình huống bên ngoài.
Chuyên gia Zhang cho rằng, phương Tây nên tránh diễn giải quá mức sự kiện này vì nó không liên quan nhiều đến hoàn cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.
Về phía Mỹ, ngày 17-8, phản ứng về cuộc tập trận Vostok-2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết các lãnh đạo nước này không coi cuộc tập trận là sự kiện bất thường, nhấn mạnh đây là cuộc tập trận chung của một số quốc gia, không chỉ Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhấn mạnh rằng nếu đọc kỹ các văn bản của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Nga liên quan đến các cuộc tập trận quân sự này, có thể thấy luôn có những từ ngữ ngầm ám chỉ Mỹ, Nhật Bản và đáng chú ý là cả CHDCND Triều Tiên.
Srikanth Kondapalli, giảng viên môn nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, cho rằng giống như những nước khác cũng tham gia tập trận, chẳng hạn như Ấn Độ, Trung Quốc cũng có mối quan hệ tốt với Nga và ủng hộ quyền tự chủ chiến lược.
Ấn Độ với Vostok-2022 và chủ trương đa cực
Vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố tham gia Vostok-2022, Ấn Độ cũng thông báo sẽ điều động các lực lượng vũ trang của mình đến sự kiện quy mô lớn này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ vẫn cần để ý đến yếu tố Trung Quốc khi tham gia Vostok-2022, nghĩa là dù vẫn hiện diện tại sự kiện này nhưng phải giữ khoảng cách với Trung Quốc.
Trong hơn 2 thập kỷ, Ấn Độ đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương với Mỹ, Trung Quốc, Nga và một danh sách dài các quốc gia chủ yếu từ châu Âu và châu Á. Không có gì ngạc nhiên khi cuộc tập trận chung Vajra Prahar 2022 lần thứ 13 kéo dài 3 tuần của Lực lượng đặc biệt Ấn-Mỹ đang diễn ra ở Himachal Pradesh, chưa có thông tin nào xác nhận về việc Ấn Độ tham gia Vostok-2022 do Nga đăng cai.
Trước đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành 8 cuộc tập trận song phương mang tên “Tay trong tay”. Mặc dù sự kiện này đã không được tổ chức vào năm 2017 do cuộc khủng hoảng Doklam nhưng nó đã được nối lại vào năm 2018 và tiếp tục vào năm 2019.
Cuộc xung đột ở Ladakh vào năm 2020 đã chấm dứt tất cả các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước theo kiểu này. Sự tham gia của Ấn Độ vào sự kiện tập trận đa phương Vostok-2022 vì vậy đang đặt ra một số câu hỏi xung quanh động cơ, mục đích và phe mà Ấn Độ lựa chọn trong các vấn đề địa chính trị đang chi phối các mối quan hệ quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, lựa chọn có mặt tại Vostok-2022 của Ấn Độ cũng không phải là sự kiện quá bất ngờ so với việc Ấn Độ vẫn cùng với Trung Quốc thực hiện các cuộc tập trận song phương như lâu nay. Các cuộc tập trận - cuộc tập trận cuối cùng diễn ra vào cuối tháng 12-2019 - bề ngoài được thiết kế như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai quân đội và tập trung vào chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Ấn Độ vẫn kiên trì với các cuộc tập trận này bất chấp những căng thẳng ở biên giới và cách mà Bắc Kinh thường xuyên ngăn cản các nỗ lực của Ấn Độ nhằm đưa những kẻ khủng bố tại Pakistan vào các mục tiêu trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Trên thực tế, bất chấp những bất đồng giữa hai nước xung quanh khu vực Ladakh kể từ năm 2020, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vẫn luôn là một phần của cuộc tập trận quân sự đa quốc gia khác của Nga, Zapad-2021, với sự hiện diện của cả quân đội Pakistan.
Trong khi đó, tháng 10 tới, sẽ đến lượt Ấn Độ đón tiếp quân đội Pakistan trong khuôn khổ cuộc diễn tập chống khủng bố của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Như vậy, Ấn Độ hẳn vẫn đang tiếp tục đường lối ưa thích của mình là tìm kiếm một trật tự thế giới đa phương. Đặt sang một bên giá trị quân sự của các cuộc tập trận quy mô như thế này, những động cơ của New Delhi đã rõ ràng.
Thứ nhất, Ấn Độ đang cố gắng báo hiệu với phương Tây do Mỹ dẫn đầu rằng mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đang ở trong tình trạng căng thẳng và Nga đang bị các lệnh trừng phạt kinh tế vì cuộc khủng hoảng Ukraine, những điều này không có nghĩa là không gian hành động của Ấn Độ có thể bị hạn chế. Mỹ và những nước khác không thể tự động cho rằng Ấn Độ giờ đây sẽ cắm cờ của mình vào cột buồm của phương Tây. Đây là một phần trong chiến lược lâu dài của Ấn Độ thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Thứ hai, ngay cả từ góc độ hẹp hơn của mối quan hệ với phương Tây hay trật tự toàn cầu dân chủ tự do mà Ấn Độ dĩ nhiên là một phần trong đó, Nga vẫn là một đối tác quan trọng của New Delhi vì những lý do chính trị rõ ràng.
Thứ ba, Ấn Độ vẫn tiếp tục hợp tác với Moscow bởi điều này còn mang ý nghĩa kinh tế quan trọng, chẳng hạn như việc Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới, được hưởng giá dầu thô chiết khấu từ Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đè nặng nền kinh tế Nga. Nếu cái giá của việc được duy trì mức giá chiết khấu này là việc New Delhi phải thể hiện tình đoàn kết hơn với Nga bằng cách cử một vài binh sĩ đến một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia thì đó cũng là một lựa chọn bắt buộc của New Delhi để bảo vệ lợi ích tốt nhất của mình.