Vụ rò rỉ thông tin mật của quân đội Đức

Thứ Hai, 11/03/2024, 14:39

Những nội dung của một cuộc họp bí mật qua cầu truyền hình của các tướng chỉ huy Không quân Đức đã bị rò rỉ và tung lên mạng xã hội. Phía Đức cáo buộc Nga triển khai “chiến tranh thông tin”, trong khi bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên tiếng yêu cầu phía Đức giải thích...

Truyền thông Nga hôm 1/3 công bố đoạn ghi âm dài 38 phút về cuộc gọi, trong đó các sĩ quan Đức thảo luận về vũ khí cấp cho Ukraine và khả năng tấn công của Kyiv vào cây cầu ở Crimea. Cuộc trò chuyện bị rò rỉ do Trung tướng Ingo Gerhartz, người đứng đầu không quân Đức, chủ trì. Cuộc họp nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp của tướng Gerhartz với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius về vấn đề tên lửa Taurus (đã diễn ra trước đó 2 tuần). Cuộc trò chuyện được tổ chức trên nền tảng Webex tương đối không an toàn và một trong những người họp đã tham gia họp từ Singapore.

Đoạn ghi âm được Tổng Biên tập mạng truyền hình quốc tế RT Margarita Simonyan tung lên mạng xã hội. Một ngày sau, bà Simonyan tiếp tục đề nghị giúp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tìm hiểu tận gốc vụ rò rỉ, sau khi ông Scholz tuyên bố mở một cuộc điều tra để tìm hiểu làm thế nào đoạn ghi âm cuộc trò chuyện tuyệt mật, được Berlin chấp nhận là có thật, lại lọt ra truyền thông công cộng.

Vụ rò rỉ thông tin mật của quân đội Đức -0
Một quả tên lửa hành trình Taurus gắn dưới cánh máy bay.

Đáng chú ý, vụ rò rỉ xảy ra vào thời điểm người ta ngày càng tập trung vào việc ông Scholz tiếp tục từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. Taurus là loại tên lửa có tầm hoạt động 480 km, hơn một chút so với tên lửa tầm xa hiệu quả nhất của Kyiv, tên lửa Pháp-Anh. Scalp/Storm Shadow. Hôm 4/3, Dmitry Peskov cho biết các cuộc trò chuyện bị rò rỉ “một lần nữa nhấn mạnh sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine”, một ngày sau khi cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói: “Đức đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nga”. Ông Peskov cho biết: “Trong nội bộ Bundeswehr (quân đội Đức), các kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Nga đang được thảo luận một cách thực chất và cụ thể”.

Một trong những nội dung quan trọng được tiết lộ qua đoạn video rò rỉ là thông tin về việc binh sĩ Anh đã trực tiếp tham chiến ở Ukraine. Trong cuộc trò chuyện, Trung tướng Ingo Gerhartz đã mô tả cách người Anh hợp tác với Ukraine trong việc triển khai tên lửa Storm Shadow chống lại các mục tiêu cách xa phòng tuyến của Nga tới 250 dặm. Thực tế, đọc kỹ các tuyên bố của Quốc hội Anh cho thấy nước Anh đã mở lại bộ phận quốc phòng ở Ukraine vào tháng 4/2022. Một quan chức Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng 7/2023, Anh đã cử quân đến Ukraine “để hỗ trợ sự hiện diện ngoại giao của Anh tại quốc gia này và chương trình đào tạo của Anh cho lực lượng Ukraine”. Còn thông tin cuộc họp rò rỉ thì tiết lộ rằng Anh có tới 50 lực lượng đặc biệt ở Ukraine và thủy quân lục chiến Hoàng gia đã hỗ trợ “các hoạt động kín đáo” ở đó.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood cho biết, vụ rò rỉ khiến Berlin bị “muối mặt”, mặc dù ông cũng cho rằng Nga có thể đã biết về sự hiện diện của người Anh từ thông tin tình báo của mình. Hôm 27/2, Anh đã xác nhận sự hiện diện của một “số lượng nhỏ nhân sự” ở Ukraine, mặc dù nước này không cho biết họ đang thực hiện những nhiệm vụ gì trong bối cảnh lo ngại rằng bất kỳ sự tham gia chiến đấu tiềm tàng nào cũng có thể bị Moscow coi là hành động leo thang. Điều đó diễn ra sau một tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 26/2 rằng, ông sẽ không cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine vì điều đó đòi hỏi sự hiện diện của người Đức để “cạnh tranh” với người Anh và Pháp và kèm theo việc “kiểm soát mục tiêu”. Ông cảnh báo, điều đó có nguy cơ khiến Berlin trở thành “người tham gia cuộc chiến”.

Trong đoạn ghi âm, các sĩ quan Đức đã đi đến kết luận rằng, việc sử dụng tên lửa Taurus trước mắt sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu có sự tham gia của binh lính Đức. Việc huấn luyện về tên lửa Taurus cho binh lính Ukraine để tránh đưa lính Đức vào đất Ukraine là một khả năng có thể xảy ra, nhưng sẽ mất nhiều tháng chuẩn bị.

Các sĩ quan cũng thảo luận về các loại mục tiêu tiềm năng đối với tên lửa Taurus, bao gồm một “cây cầu ở phía Đông” được cho là khó tiếp cận với các cột trụ “tương đối nhỏ”, có vẻ như ám chỉ cây cầu chiến lược Kerch. Đây là tuyến đường tiếp tế quan trọng từ Nga tới Crimea. Mặc dù đã rất nỗ lực ném bom nhưng cho đến nay Ukraine vẫn không thể phá hủy được cây cầu này. Các sĩ quan Đức kết luận rằng, về mặt kỹ thuật, việc cho nổ tung cây cầu là khả thi, nhưng có thể cần “10 đến 20 tên lửa” và Đức có thể quyên góp tối đa 100 quả.

Hiện tại, có dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ nước Đức sau vụ rò rỉ. Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao, thuộc đảng Xanh, đối tác cấp dưới của liên minh cầm quyền, nhắc lại sự ủng hộ về nguyên tắc của bà đối với việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine.

Trong khi đó, Roderich Kiesewetter, chuyên gia quốc phòng của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo đối lập, cho biết, Nga đã tiết lộ cuộc họp vào thời điểm này để đặc biệt “làm suy yếu hoạt động giao hàng tên lửa Taurus của Đức” cho Ukraine. Ông cho rằng, vụ rò rỉ được thực hiện “nhằm chuyển hướng cuộc trò chuyện của công chúng” khỏi các vấn đề khác.

Carlo Masala thuộc Đại học Bundeswehr ở Munich, một chuyên gia quân sự, nói với truyền thông Đức rằng, phản ứng của công chúng trước khả năng Đức trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống Nga ở Ukraine, sau tin tức về vụ rò rỉ, giờ đây sẽ ngăn cản việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Ông nói: “Bây giờ chắc chắn rằng Thủ tướng Olaf Scholz sẽ không muốn giao Taurus cho Ukraine, đó chính xác là điều mà người Nga muốn ngăn chặn một lần và mãi mãi”.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.