Vũng lầy sau lưng, cạm bẫy trước mặt

Thứ Tư, 01/09/2021, 21:51

“Máy bay đã cất cánh. Và tôi ở đây để thông báo rằng chiến tranh đã kết thúc” - tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ tại Afghanistan, phát biểu với báo giới tại Lầu Năm Góc, khi chiếc máy bay vận tải quân sự C-47 cất cánh từ sân bay Kabul, đưa những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi “cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử nước Mỹ” ấy.

Song, sau những gì đã và đang diễn ra, điều này vẫn chỉ giống với một kế hoạch hơn là một thực tế đã định hình. Còn quá nhiều cạm bẫy chực chờ, ngay trong tương lai trước mắt.

Với sự “hợp tác” của Taliban

Một phút trước nửa đêm ngày 30-8 (giờ Kabul), chuyến bay cuối cùng ấy diễn ra tại sân bay quốc tế Hamid Karzai - một cái tên chắc chắn sẽ nhanh chóng bị thay đổi, khi lực lượng Taliban tiếp quản - trong điều kiện an ninh vô cùng chặt chẽ.

“Trên chuyến bay cuối cùng này có sự hiện diện của tướng Chris Donahue, Tư lệnh Sư đoàn Không vận số 82 kiêm chỉ huy lực lượng trên bộ của chúng tôi. Đi cùng với ông là Đại sứ Ross Wilson. Trên thực tế, đội ngũ ngoại giao và quốc phòng là những người cuối cùng đặt chân lên máy bay” - tướng Mc Kenzie nói, đồng thời ông đánh giá: Taliban đã tỏ ra “rất hợp tác và hữu ích” trong tiến trình triển khai chiến dịch sơ tán và những chuyến bay cuối cùng như thế.

Vũng lầy sau lưng, cạm bẫy trước mặt -0
Cuộc chiến này, thực ra, vẫn chưa thể được xem là đã hoàn toàn kết thúc.

Các công dân Mỹ trong vai trò dân sự đã rời Kabul từ 12 tiếng trước đó và theo Tư lệnh CENTCOM, các chuyến bay của Mỹ và liên quân đã sơ tán được 123.000 dân thường.

Một đoạn kết vượt quá mong đợi, của không chỉ Bộ Quốc phòng Mỹ mà là của cả Bộ Ngoại giao lẫn Nhà Trắng. Mới 4 ngày trước đó thôi, 26-8, khi những tiếng bom khủng bố rền vang tại sân bay Hamid Karzai lấy đi mạng sống của 13 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ, dư luận quốc tế đã dự đoán kế hoạch tiếp tục di tản dân sự và triệt thoái quân sự của Mỹ tại Afghanistan có thể bị chệch hướng hoàn toàn. Thế nhưng, rốt cục, người Mỹ vẫn kịp về đích sớm 1 ngày, trước cái mốc 31-8 mà Tổng thống Joe Biden đặt ra.

Trên lý thuyết, đến lúc này, cuộc chiến tranh ấy mới thực sự khép lại. Đến lúc này, nước Mỹ cũng đã “rút chân” hoàn toàn khỏi vũng lầy ám ảnh đó.

Ở một diễn biến song song, theo một tuyên bố chung do nhiều nước đồng loạt công bố ngày 29-8, Taliban đã đảm bảo với khoảng 100 nước rằng họ sẽ tiếp tục cho phép người nước ngoài và các công dân Afghanistan có giấy tờ hợp lệ do nước khác cấp được phép rời Afghanistan, theo một cách thức “an toàn và trật tự”, ngay cả sau hạn chót 31-8. Trong nhóm 100 nước nói trên có các cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng không bao gồm Trung Quốc và Nga.

Vũng lầy sau lưng, cạm bẫy trước mặt -0
Chuyến bay đưa những người lính Mỹ cuối cùng rời Afghanistan.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được những bảo đảm từ phía Taliban rằng mọi công dân nước ngoài và công dân Afghanistan có giấy phép đi lại do các nước chúng tôi cấp sẽ được phép tiếp tục tới các điểm khởi hành một cách an toàn và trật tự để rời khỏi nước này”. Đây chính là cơ sở để Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố: Bất kỳ người Mỹ nào muốn ở lại Afghanistan sẽ không bị mắc kẹt lại trong tương lai.

Bởi vậy, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp cũng đã bắt đầu nhắc đến các điều kiện để có thể chính thức thừa nhận tính chính danh của Taliban. Dĩ nhiên là các điều kiện ấy sẽ vô cùng ngặt nghèo nhưng trong bối cảnh hiện tại, Taliban chẳng mong đợi gì hơn thế. Họ đã cố gắng rất nhiều, thậm chí từ rất lâu trước chiến dịch 11 ngày tiến vào Kabul, để vận động cho sự thừa nhận đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Từ quan điểm thực tế, Taliban là những người đang nắm quyền kiểm soát nên chúng tôi phải có các cuộc thảo luận với lực lượng này. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với sự công nhận. Chúng tôi đã đặt ra các điều kiện”.

Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson hé lộ: “Nếu chính quyền mới ở Kabul muốn được công nhận về mặt ngoại giao, hay dỡ bỏ đóng băng nhiều tỷ USD, họ sẽ phải đảm bảo hành lang an toàn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan, tôn trọng các quyền của phụ nữ, ngăn không để Afghanistan một lần nửa trở thành “cái nôi” của khủng bố toàn cầu vì điều đó sẽ là thảm họa đối với Afghanistan. Cũng như các đồng minh của chúng tôi ở Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới, chúng tôi sẽ can dự với Taliban không dựa trên lời nói mà căn cứ vào hành động của họ”.

Nhưng, như thế cũng có nghĩa là khả năng phải can dự trở lại vào Afghanistan của các cường quốc phương Tây vẫn còn nguyên đó. Dĩ nhiên, tiến trình đó vẫn sẽ đặt ra không ít thách thức đối với siêu cường số 1: Nước Mỹ.

Trận chiến ngay trong lòng nước Mỹ

Những ngày vừa qua thực sự là sóng gió đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Chưa kịp xoa dịu dư luận về tình cảnh hỗn loạn quanh sân bay Hamid Karzai, sau khi Taliban tiến vào Kabul, vụ đánh bom khủng bố liều chết do nhóm ISIS-K - chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan - thực hiện đã lại tiếp tục đặt Nhà Trắng vào búa rìu dư luận.

Họ bị các phe nhóm chính trị đối lập (đảng Cộng hòa và nhất là những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump) chỉ trích gay gắt về sự thiếu chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch rút quân khỏi đất nước Tây - Nam Á ấy. Cho dù, đó là điều hiển nhiên phải thực hiện, vì lợi ích của chính nước Mỹ và cho dù kế hoạch rút quân cũng như những hệ lụy này đã được giới quan sát quốc tế tiên liệu từ tháng 2-2020 (khi ông Donald Trump ký thỏa thuận với Taliban) thì việc để tuột hoàn toàn sự kiểm soát cũng vẫn là chuyện chính quyền Tổng thống Joe Biden không thể chối bỏ trách nhiệm. Và vụ đánh bom cảm tử đặt ra cho người đứng đầu nước Mỹ một lựa chọn duy nhất: Ông buộc phải hành động, hành động càng cứng rắn càng tốt, để chứng minh điều ông tuyên bố trước báo giới: “Những kẻ khủng bố sẽ phải trả giá”.

Vũng lầy sau lưng, cạm bẫy trước mặt -0
Hỗ trợ, hợp tác, thậm chí công nhận Taliban là những lựa chọn đầy khó khăn đối với Mỹ và phương Tây.

Ngày 28-8, Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ đã tiến hành không kích trả đũa bằng máy bay không người lái tiêu diệt 2 mục tiêu là thủ lĩnh cấp cao của ISIS-K. Tuy vậy, sau đấy vẫn liên tiếp có những đợt hỏa tiễn phóng từ đâu đó vào sân bay Hamd Karzai và bị hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn.

Trong khi đó, ngày 29-8, về vụ không kích của Mỹ nhằm vào một đối tượng nghi là phần tử đánh bom liều chết, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nhấn mạnh: Vụ không kích này đã gây thương vong dân thường, đồng thời chỉ trích Washington không thông báo với Taliban trước khi tiến hành không kích. Mạng lưới truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN dẫn nội dung phản ứng bằng văn bản của người phát ngôn Taliban nói trên nêu rõ có 7 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Mỹ, cho rằng hành động của Mỹ tiến hành vụ tấn công trên lãnh thổ nước ngoài là trái pháp luật.

Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden còn đang phải vất vả đối diện với sóng gió chính trường nội bộ, Trung Quốc đã không bỏ lỡ thời cơ gây ảnh hưởng, đồng thời khiến các toan tính của Bộ Ngoại giao Mỹ thêm khó khăn. Trao đổi với người đồng cấp Mỹ Anthony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định: “Trong khi tôn trọng chủ quyền của Afghanistan, Mỹ nên có hành động cụ thể để giúp Afghanistan chống khủng bố và ngăn chặn bạo lực, thay vì theo tiêu chuẩn kép hoặc chống khủng bố một cách có chọn lọc”.

Trung Quốc cũng chưa chính thức công nhận Taliban là nhà cầm quyền mới của Afghanistan nhưng tháng trước ông Vương Nghị đã tiếp đón Mullah Baradar - Chánh văn phòng chính trị của nhóm và nói rằng thế giới nên hướng dẫn và hỗ trợ Afghanistan khi nước này chuyển sang một chính phủ mới thay vì gây thêm áp lực. Hiển nhiên, chuỗi hành động này được tiếp nối, như một thứ công cụ đàm phán với Mỹ, bởi: “Washington không thể trông đợi sự hợp tác của Trung Quốc nếu Mỹ cũng đang cố gắng kiềm chế, đàn áp Trung Quốc và làm tổn hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp của Trung Quốc” - ông Vương Nghị nói.

Vũng lầy sau lưng, cạm bẫy trước mặt -0
Còn quá nhiều điều phải làm trong tương lai gần.

Một cách ngắn gọn, Mỹ đã không thể một mình xử lý các vấn đề liên quan đến Afghanistan trong suốt 20 năm qua. Họ đã gặp quá nhiều khó khăn, cho dù dưới nhiệm kỳ của các tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Song, cả dư luận quốc tế lẫn dư luận trong nước vẫn cứ đòi hỏi Tổng thống Joe Biden phải có những kế hoạch cụ thể và hữu hiệu nhằm nhanh chóng xây dựng hòa bình, ổn định và trật tự ở Afghanistan, đồng thời sẵn sàng ứng phó với sự trỗi dậy của IS. Thậm chí, Mỹ cũng phải để ngỏ khả năng hành động quân sự nếu cần thiết.

Nhiệm vụ này, cho dù sở hữu những thứ vũ khí tối tân, nước Mỹ có lẽ cũng chẳng thể đơn phương hành động. Họ cần phải huy động cả những phương tiện ngoại giao và kêu gọi không chỉ cộng đồng quốc tế cùng vào cuộc, mà là phải tiếp tục thỏa hiệp với chính Taliban, thậm chí phải cân nhắc hỗ trợ lực lượng này chống IS. Trong bối cảnh ấy, dĩ nhiên các kình địch của Mỹ, mà Bắc Kinh là thí dụ, sẽ tận dụng hết mức tầm ảnh hưởng của mình với Taliban (còn vai trò quan trọng của nước Nga ở khu vực Trung Á tiếp giáp Afghanistan là không thể bàn cãi).

Nhưng, nếu thiết lập nhiều đường dây liên hệ đến như vậy, ông chủ Nhà Trắng cũng đối diện với nguy cơ bị phe đối lập “hạch tội”, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra cuối năm tới. Vẫn còn quá nhiều cạm bẫy dính líu tới một cuộc chiến tưởng chừng đã ở sau lưng.

Mây Linh
.
.