Xây dựng đô thị an toàn, vững tin bước vào kỷ nguyên mới

Thứ Tư, 12/02/2025, 11:07

Những thập niên gần đây, khái niệm Thành phố an toàn (Safe City) ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên các diễn đàn quốc tế khi đề cập đến các vấn đề liên quan đô thị. Đó là một trong những khía cạnh quan trọng mà chính quyền của các đô thị đặc biệt quan tâm khi đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. 

Có nhiều bộ tiêu chí để xác lập và công nhận cho một đô thị đạt chuẩn Thành phố an toàn. Chỉ số an toàn của thành phố (SCI - Safe City Index) do Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu - (Economist Intelligence Unit EIU) thuộc Tạp chí The Economist đánh giá cũng là một ví dụ. SCI - Safe City Index sử dụng 76 tiêu chí riêng thuộc 5 bộ tiêu chí trụ cột để đánh giá thành phố an toàn, gồm: con người, cơ sở hạ tầng, an ninh y tế, an ninh kỹ thuật số và an ninh môi trường.

Xây dựng đô thị an toàn, vững tin bước vào kỷ nguyên mới -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị" của Chính phủ chủ trì cuộc họp.

Nhưng, dù các bộ tiêu chí có khác nhau ở nội dung này hay nội dung khác, từ góc nhìn này hay góc nhìn khác, thì vấn đề căn bản và thực tiễn đối với một đô thị đạt chuẩn Thành phố an toàn vẫn tập trung vào giải quyết các vấn đề về tội phạm, an ninh đô thị, môi trường... Nghĩa là, ở đô thị ấy phải giảm thiểu được tội phạm, chú trọng vấn đề sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. 
Xu hướng phát triển đô thị không chỉ diễn ra nhanh chóng ở các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, mà trên toàn thế giới. Việt Nam hiện có 3 loại hình thành phố là thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc thành phố và thành phố trực thuộc tỉnh. 

Tùy từng giai đoạn mà việc định nghĩa và phân loại đô thị ở nước ta cũng có những thay đổi. Chẳng hạn, theo Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001 của Chính phủ (về việc phân loại đô thị và cấp quản lí đô thị) thì khái niệm đô thị ở nước là các điểm dân cư có các yếu tố cơ bản: Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định; Quy mô dân số ít nhất là 4.000 người; Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động tối thiểu là 65%; Cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động của dân cư tối thiểu phải đạt 70% mức tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định đối với từng loại đô thị; Mật độ dân cư phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị.

Với cách phân loại như vậy, đô thị ở nước ta được phân ra thành 6 loại, tương đương với 6 cấp độ khác nhau về các nội dung đề cập ở trên. Và, cũng từ các cấp độ khác nhau này mà các thành phố ở nước ta hiện được xếp thành 3 loại: Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh. 

Xây dựng đô thị an toàn, vững tin bước vào kỷ nguyên mới -0
Đoàn khảo sát của Bộ Công an tìm hiểu thực tế tại Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Những khái niệm như vậy là định nghĩa theo cấp độ quản lý đô thị. Trong thực tiễn, và cả trên truyền thông, chúng ta vẫn thường nhắc đến những khái niệm như “thành phố đáng sống”, “thành phố du lịch”, “thành phố công nghiệp”... nhưng rõ ràng, những khái niệm có tính chất định tính như vậy chỉ hàm nghĩa ước lệ, hoàn toàn khác với việc được công nhận một cách chính thống, chẳng hạn như Hà Nội, Đà Lạt (Lâm Đồng) và Hội An (Quảng Nam) được công nhận danh hiệu là Thành phố sáng tạo UNESCO.

Việt Nam đang có cả gần trăm thành phố nhưng đã có thành phố nào được các tổ chức hay hiệp hội này khác ở tầm quốc tế công nhận là Thành phố an toàn chưa? Có. Chẳng hạn, theo website thống kê Numbeo năm 2023, Hà Nội được xếp thứ 5 và TP Hồ Chí Minh xếp thứ 14 trong danh sách 20 thành phố du lịch an toàn tại Đông Nam Á. Đứng đầu danh sách này là Chiang Mai (Thái Lan), Davao (Philippines), Singapore và Penang (Malaysia)... 

Numbeo là website ra đời năm 2009 tại Serbia. Đây là nền tảng dữ liệu trực tuyến chuyên cung cấp dữ liệu và các báo cáo phân tích thống kê về chi phí sinh hoạt, chỉ số nhà ở, chất lượng cuộc sống tại nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới, dựa trên đánh giá của công chúng.

Giữa năm 2024, công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm du lịch uy tín Berkshire Hathaway Travel Protection (Hoa Kỳ) công bố danh sách 15 thành phố an toàn nhất cho khách du lịch trong năm 2024. Đứng đầu danh sách này là Honolulu của Hoa Kỳ, kế đó là Montreal (Canada), Reykjavik (Iceland), Sydney (Úc), Amsterdam (Hà Lan)... 

Tuy nhiên, Berkshire Hathaway Travel Protection vẫn đưa ra khuyến cáo là ở mỗi điểm đến này đều có những mối lo ngại riêng, nên du khách nên tìm kiếm những biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân, chẳng hạn như khi gặp các đám cháy rừng ở Honolulu hay biểu tình chính trị tại Barcelona. 

Nói như vậy để thấy, mọi sự thừa nhận của cộng đồng, dù đơn thuần là những nhận xét của cá nhân từng du khách hay là xếp hạng từ các tổ chức, hiệp hội tầm quốc tế, thì những danh xưng kiểu như “Thành phố an toàn”, “Thành phố xanh sạch”, “Thành phố học tập”... đều có những giá trị nhất định, đặc biệt trong việc thu hút du khách cho công nghiệp du lịch và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế đất nước. 

Là công dân của một đô thị được công nhận với những mỹ từ như vậy hẳn ai cũng thích. Tuy nhiên, cũng cần thấy là các bộ tiêu chí hay chỉ số để những tổ chức hay hiệp hội sử dụng để đánh giá, xếp hạng một quốc gia, hay một đô thị... đều chỉ có giá trị tham chiếu, chứ không hẳn là những chuẩn mực của toàn thế giới. Chưa kể tuổi đời, tiềm lực kinh tế hay định hướng của các đô thị là khác nhau, nên trong từng giai đoạn phát triển, các đô thị đều phải có những tiêu chí khác nhau để phấn đấu.

Trở lại với khái niệm Thành phố an toàn, ngoài những tiêu chí chung thì ở mỗi bộ tiêu chí đều có những chỉ số khác nhau. Trong các tiêu chí chung đó, an ninh đô thị là tiêu chí luôn được đề cập hàng đầu. 

Ở bất kỳ đô thị nào, dù hiện đại đến đâu, thông minh đến đâu nhưng tính mạng cũng như tài sản của công dân, cũng như của du khách, luôn bị đe dọa thì chắc chắn không thể được gọi là Thành phố an toàn. Dĩ nhiên, một khi đã xây dựng được cơ sở vật chất cũng như các nền tảng của đô thị đến độ hiện đại và thông minh thì hẳn chính quyền ở đó cũng đã có đủ khả năng và tiềm lực để đảm bảo an ninh, trật tự cũng như nhiều vấn đề khác nữa.

Cũng như hành trình phát triển của hầu hết các đô thị trên thế giới, ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong những thập niên gần đây phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng phát sinh những tác động tiêu cực đến an ninh đô thị.

Khi số lượng công dân tập trung quá đông về các đô thị đã khiến cho hạ tầng giao thông, an ninh xã hội không đáp ứng kịp. Tình hình an ninh, trật tự tại các đô thị xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, nhất là vấn đề khiếu nại, tố cáo trong quá trình thu hồi đất phục vụ xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị, môi trường sống an toàn, văn minh của người dân. 

Thực ra, vấn đề an ninh đô thị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặt ra ngay từ khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong hành trình phát triển từ đó đến nay, qua từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước đều có những chủ trương vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, linh hoạt để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội nói chung, đô thị nói riêng. Công an nhân dân và Quân đội nhân dân luôn là những lực lượng nòng cốt để triển khai thực hiện những chủ trương này. 

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 11/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Trong hai văn bản quan trọng này, đều xác định tầm quan trọng của vấn đề an ninh, trật tự trong phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Tiếp đó, với vai trò là lực lượng tiên phong trong đảm bảo an ninh, trật tự và được Chính phủ giao trách nhiệm, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 287 (ngày 17/6/2024) về việc xây dựng Đề án của Chính phủ “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị” và phối hợp các bộ, ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án của Chính phủ. 

Theo đó, Thượng tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Thiếu tướng Tráng A Tủa - Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Một tổ giúp việc cũng đã được thành lập để trực tiếp xúc tiến việc xây dựng đề án này.

Xây dựng đô thị an toàn, vững tin bước vào kỷ nguyên mới -0
Năm 2023 Hà Nội được xếp thứ 5 trong danh sách 20 thành phố du lịch an toàn tại Đông Nam Á.

Trước thềm xuân mới Ất Tỵ 2025, tại Hà Nội, ngày 17/12/2024, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng Đề án của Chính phủ về “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị”. 

Để chuẩn bị cho việc xây dựng nội dung đề án, rất nhiều đoàn của Ban Chỉ đạo trước đó đã về trực tiếp khảo sát tại nhiều địa phương để nghiên cứu thực tiễn, đặc biệt là đánh giá các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm hiệu quả trong quản lý đô thị mà các địa phương đã sáng tạo, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. 

Dự thảo đề cương chi tiết Đề án “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị” đã được đại diện của Ban Chỉ đạo trình bày và được các đại biểu cơ bản nhất trí, đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện nội dung như: bổ sung phát hiện những thiếu sót về xây dựng và phát triển đô thị; nâng cao hiệu quả quản lý về cấp phép xây dựng các khu đô thị và khu chung cư; trách nhiệm của các bộ, ngành trong xây dựng hành lang pháp lý trong quá trình xây dựng đề án...

Chắc chắn trong một ngày không xa, Đề án “Nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị” sẽ hoàn tất. Khi các mô hình hiệu quả về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đưa vào áp dụng thì kèm theo đó sẽ có các tiêu chí cụ thể để xác định sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong trong quản lý đô thị.

Những đô thị mà lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chắc chắn sẽ là nền tảng cho đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển.

Bố trí lực lượng tại chỗ để xử lý kịp thời tình huống phức tạp

Tháng 4/2024, tại Học viện An ninh nhân dân, Hội đồng Lý luận Bộ Công an, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, đã tổ chức một hội thảo khoa học cấp hội đồng với chủ đề “Đảm bảo an ninh đô thị - những vấn đề lý luận và thực tiễn”. 

Tại hội thảo này, những vấn đề về an ninh, trật tự đô thị phát sinh trong thực tiễn đã được các học giả, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực mổ xẻ, từ đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, phát triển lý luận đảm bảo an ninh đô thị trong bối cảnh lực lượng CAND các cấp quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW (ngày 16/3/2022) của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đáng chú ý, một số ý kiến đề xuất tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là lực lượng CAND trong thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong bảo vệ an ninh đô thị; bố trí lực lượng tại chỗ để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở địa bàn đô thị; trang bị đầy đủ nguồn lực về trang thiết bị, phương tiện thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ và các điều kiện đảm bảo cho lực lượng CAND cơ sở đủ sức xử lý tình huống tại chỗ...

Lương Duy Cường
.
.