Xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc

Thứ Bảy, 03/02/2024, 10:12

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” - lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, trở thành bài học quý báu đối với mọi mặt công tác Công an, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc - từ lịch sử đến hiện tại.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng có tính cốt tử của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa nội dung xây dựng “thế trận lòng dân” lên một tầm cao mới, không chỉ tiếp tục khẳng định vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” mà còn bổ sung vấn đề “phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”. Về điều này, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng đây không chỉ đơn thuần là sự sắp xếp cơ học mà còn là sự khẳng định, bổ sung, có sự phát triển mới trong tư duy của Đảng về đường lối an ninh, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xác định rõ vị trí, ý nghĩa của “thế trận lòng dân”.

Cùng với khẳng định, nâng tầm “thế trận lòng dân” là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc, Nghị quyết Đại hội XIII cũng nêu vấn đề này một cách rõ nét, toàn diện hơn, đó là: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”. “Thế trận lòng dân” không chỉ là nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân mà hơn nữa, “thế trận lòng dân” thâm nhập từng yếu tố, tạo sức mạnh nội sinh, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

6-1.jpg -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Phúc.

Xây dựng “thế trận lòng dân” là vấn đề có tính chiến lược, toàn dân, toàn diện, thường xuyên, liên tục, có sự thống nhất cao giữa “ý Đảng” và “lòng dân”; thể hiện sự đồng thuận của nhân dân một lòng đi theo sự lãnh đạo của Đảng, tham gia nhiệm vụ quốc phòng - an ninh dưới sự hướng dẫn của lực lượng vũ trang nhân dân. Sự ủng hộ, tham gia của nhân dân là động lực, sức mạnh tinh thần to lớn, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, sự ủng hộ, giúp đỡ, tham gia của nhân dân là nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và ngày càng vững chắc.

Bàn về “thế trận lòng dân”, Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng đó là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau. “Thế trận lòng dân” là tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, phấn đấu của toàn dân tộc được khơi dậy, quy tụ, tập hợp, phát huy, tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. “Thế trận lòng dân” là nguồn sức mạnh nội sinh có ý nghĩa quyết định để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc.

“Thế trận lòng dân” và sức mạnh của nó có nền gốc từ sự thống nhất lợi ích và việc giải quyết mối quan hệ lợi ích cơ bản giữa Đảng, Nhà nước, quốc gia - dân tộc và của toàn dân, tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Các mối quan hệ lợi ích cơ bản được giải quyết một cách hài hòa thì sẽ tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao của mọi giai tầng trong xã hội; và ngược lại, không làm được điều đó sẽ xảy ra xung đột trong lòng xã hội, không thể tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, để tiếp tục xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” trong nền an ninh nhân dân vững chắc, cần tập trung vào các công tác trọng tâm: Một là cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp cần nhận thức thống nhất, đầy đủ tính chất, tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp đảm bảo an ninh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, trong đó lực lượng Công an làm tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện.

6-2.jpg -0
Công an phường Hương Vinh, TP Huế hỗ trợ sơ tán người dân khỏi vùng lụt.

Hai là tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho dân, tạo sức mạnh và uy tín để củng cố niềm tin trong nhân dân; bảo đảm vững chắc và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao  hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, có cơ chế phù hợp để nhân dân được tham gia bàn bạc, giám sát, phản biện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, trên cơ sở đó, định hướng hành động xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.

Ba là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chống bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và các hành động phá hoại “thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng theo hướng tích cực phòng ngừa là chủ yếu, kết hợp với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như các biểu hiện dung túng, bao che hoặc ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí dưới mọi hình thức. Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu trong các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của mọi tổ chức, mọi lực lượng, các cấp, các bộ, ban, ngành, địa phương và là giải pháp góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh.

Bốn là nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, vùng dân tộc... Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, từ thành thị tới nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường... Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm tạo ra các điển hình tiên tiến về xây dựng “thế trận lòng dân”, từ đó tổ chức học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, các bộ, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Năm là tiếp tục xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, thật sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Công an các đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trước bối cảnh tình hình mới rất phức tạp hiện nay để trọng dân, dựa vào dân, vì nhân dân phục vụ nhiều hơn nữa; coi đây là thước đo hết sức quan trọng về phẩm chất, đạo đức cách mạng, bản lĩnh, tác phong, hiệu quả công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Mọi lĩnh vực, hoạt động của công tác công an phải được thực hiện trên cơ sở công tác dân vận, giáo dục, thuyết phục nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong dân vận, lấy suy nghĩ, việc làm, hành động trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ làm cơ sở, nền tảng, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân để vận động, thuyết phục, hướng dẫn nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân trước âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động chống phá, phạm tội của các thế lực thù địch và các loại tội phạm. Làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ xã hội để hình thành ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.

Thư Kỳ
.
.