Xung đột đe dọa khoét sâu khủng hoảng dân số Nga
Sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang vào tháng 2, ước tính hàng chục nghìn người Nga đã rời khỏi đất nước. Tình hình di cư này đang tạo ra thêm áp lực cho những thách thức về dân số của nước Nga.
Sergei Plugotarenko, người đứng đầu Hiệp hội Truyền thông điện tử Nga, nói với một ủy ban quốc hội vào tháng 3-2022 rằng khoảng 50.000-70.000 lao động trong ngành công nghệ đã rời Nga kể từ đầu cuộc xung đột. Ông cho rằng 100.000 người nữa có thể rời đi vào cuối tháng 4-2022.
Các nhà nhân khẩu học cho biết con số này chỉ đại diện cho một phần nhỏ dân số Nga. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình rằng cuộc di cư gây thêm áp lực cho những vấn đề dân số kéo dài của Nga, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang cướp đi nhiều sinh mạng. Federica Cocco, nhà báo của Financial Times, cho biết: “Nhiều người đang phải nhập ngũ, đặc biệt là nam thanh niên và nhiều người rời đi để tránh khủng hoảng kinh tế”.
Thực trạng suy giảm dân số
Sự suy giảm dân số của Nga thể hiện ở nhiều chỉ số: sự giảm tuổi thọ, sự gia tăng tỷ lệ tử vong, trong khi tỷ lệ sinh thấp. Trong giai đoạn từ tháng 12-2020 đến 11-2021, tỷ lệ tử vong đã vượt quá 2,4 triệu người và dân số giảm hơn 800.000 người, tăng hơn 72%, so với cùng kỳ năm 2020. Sự suy giảm dân số ở Nga vào năm 2020 tăng hơn gấp đôi, từ 316.200 người vào năm 2019 lên 688.700 người. Các chỉ số này đang ở mức cao nhất kể từ năm 2005, khi mức suy giảm dân số tự nhiên là 846.600 người. Tỷ lệ tử vong cao chủ yếu do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng dân số là tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh của Nga đang ở mức thấp.Trong 10 tháng đầu năm 2020, Nga có 1,068 triệu trẻ em được sinh ra, ít hơn khoảng 60.000 so với cùng kỳ năm 2019. Trong 10 tháng đầu năm 2021, khoảng 1,05 triệu trẻ em được sinh ra ở Nga, thấp hơn 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ lệ sinh thấp tại Nga do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, đó là tỷ lệ phụ nữ Nga ở độ tuổi sinh đẻ rất thấp.Số lượng phụ nữ trong độ tuổi 20-30 ở Nga đang giảm dần. Đây là hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học những năm 90 do tình trạng nghèo đói, thiếu thốn sau khi Liên Xô sụp đổ. Thứ hai, đó là xu hướng không muốn sinh con của giới trẻ. Theo các cuộc thăm dò khác nhau, gần một nửa số người Nga từ chối sinh con và lý do phổ biến nhất là vấn đề kinh tế. Một số yếu tố khác bao gồm xu hướng sinh con muộn, điều này làm giảm khả năng sinh con thứ hai và thứ ba; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; ngày có càng nhiều người trẻ muốn tập trung và đầu tư cho tài chính và sự nghiệp thay vì con cái.
Rủi ro từ xung đột
Theo các nhà nhân khẩu học, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm khi nền kinh tế của một quốc gia xấu đi và tăng lên khi kinh tế được cải thiện.Quy tắc này đã đúng với Nga trong 30 năm qua. Leslie Root - một học giả tại Đại học Colorado-Boulder - cho biết tỷ lệ sinh rất thấp trong những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng đã tăng trở lại khi nền kinh tế mạnh lên, từ khoảng năm 2005. Đến năm 2015, tỷ lệ sinh của Nga ở mức cao đối với một quốc gia châu Âu, gần 1,8 trẻ em trên một phụ nữ.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh đã giảm trong những năm tiếp theo do các lệnh trừng phạt và nền kinh tế bị suy giảm sau khi Nga sáp nhập Crimea. Do đó, các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng suy thoái kinh tế sau cuộc xung đột sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình dân số Nga.
Cuộc xung đột với Ukraine cũng đe dọa gây ra các vấn đề liên quan đến suy thoái kinh tế dài hạn bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, các điều kiện không thuận lợi cho thanh niên tham gia lực lượng lao động, gia tăng bất bình đẳng, mức sống thấp hơn, mức thuế thấp hơn cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cao hơn. Đây đều là những yếu tố bất lợi đối với mục tiêu tăng dân số.
Bên cạnh đó, bà Root còn cho rằng suy thoái kinh tế sẽ khiến dòng người từ Trung Á và Nam Caucasus di cư đến Nga để làm việc sẽ chậm hơn. Những luồng di cư này là một phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số của Nga. Trên thực tế, Nga cũng có chính sách thu hút người nhập cư như một giải pháp cho tình trạng suy giảm dân số.
Chính phủ nỗ lực
Vấn đề tăng dân số được Tổng thống Vladimir Putin đặc biệt quan tâm. Nga đã đưa ra nhiều biện pháp và chính sách trong ngắn và dài hạn để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.Tổng thống Putin đã thúc đẩy tài trợ chính phủ cho những phụ nữ mới sinh vào tháng 1-2020. Các đợt giảm thuế mới cho các gia đình đã được công bố và các biện pháp phúc lợi trẻ em được mở rộng, chẳng hạn như bữa ăn miễn phí ở trường và các phúc lợi liên quan đến thu nhập. Trong thông điệp liên bang năm 2021, Tổng thống Putin cũng đề cập tới vấn đề này, coi tăng dân số bền vững là một chiến lược quốc gia.
Nga cũng tăng các khoản trợ cấp cho các gia đình khi có thành viên mới. Từ 1-1-2021, khoản trợ cấp tăng 3,7%, lên tới 484.000 ruple (gần 7.000 USD) cho sinh con đầu lòng hoặc nhận con nuôi thứ nhất (năm 2020 là gần 467 nghìn ruple). Khi sinh con hoặc nhận con nuôi thứ hai, số tiền trợ cấp tăng lên hơn 22.000 USD. Số tiền trợ cấp cũng tăng lên khi sinh các con tiếp theo. Nhờ các biện pháp hỗ trợ này, kể từ năm 2007 đến nay có 2,5 - 3 triệu trẻ em là con thứ được sinh ra.
Nhưng, Ilya Kashnitsky, trợ lý giáo sư tại Trung tâm Liên ngành về động lực học dân số, tại Đại học Nam Đan Mạch ở Odense, cho rằng trên thực tế, hiện nay không có chính sách nào có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng giảm dân số mà chỉ có thể làm giảm bớt tác động. Bà Root cho biết các chính sách khuyến khích mọi người sinh con thường mang lại nhiều kết quả khác nhau bởi vì “rất khó để thay đổi tỷ lệ sinh trong một xã hội có mức sinh thấp”.
Ông Kashnitsky cho rằng dân số Nga sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi tỷ lệ tử vong cao hơn, sự cô lập về kinh tế, di cư và giảm chất lượng sống, về lâu dài sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ sinh sản.