Xung đột Israel-Hamas vượt qua Dải Gaza?
Theo các nguồn tin an ninh của Lebanon và Palestine, Israel đã loại bỏ phó thủ lĩnh Hamas - Saleh al-Arouri trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở thủ đô Beirut của Lebanon, làm tăng nguy cơ cuộc chiến ở Gaza lan rộng ra ngoài dải đất này.
Hệ lụy từ vụ ám sát
Arouri, 57 tuổi, là lãnh đạo chính trị cấp cao đầu tiên của Hamas bị sát hại kể từ khi Israel tiến hành cuộc tấn công trên không và trên bộ nhằm vào lực lượng Hamas ở Gaza gần 3 tháng trước, sau khi lực lượng này bất ngờ tấn công vào các thị trấn của Israel.
Tuy Israel không xác nhận cũng như không phủ nhận việc thực hiện vụ tấn công khiến Arouri thiệt mạng nhưng những phát biểu hôm 3/1 của David Barnea - người đứng đầu Cơ quan Tình báo Mossad của Israel - dường như là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Israel đứng sau vụ ám sát này. Ông tuyên bố rằng, cơ quan này sẽ săn lùng và tiêu diệt mọi thành viên Hamas liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10 nhằm vào Israel, bất kể họ ở đâu; đồng thời, cũng nhắc lại những gì diễn ra sau vụ thảm sát Munich năm 1972, khi các đặc vụ Mossad truy tìm và tiêu diệt một loạt chiến binh Palestine có liên quan đến việc bắt cóc và sát hại các vận động viên Israel tại Thế vận hội Olympic năm đó.
Ý nghĩa của việc trừ khử Arouri đối với cuộc chiến hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Israel đã loại bỏ một số lãnh đạo hàng đầu của Hamas trong nhiều năm qua, nhưng những vị trí bị bỏ trống đó nhanh chóng được thay thế. Theo AP, cái chết của Arouri đã mang lại động lực tinh thần cho những người Israel vẫn đang chưa hết bàng hoàng vì cuộc tấn công ngày 7/10, trong khi lực lượng Hamas đang kháng cự quyết liệt ở Gaza và tiếp tục giam giữ nhiều con tin.
Tuy nhiên, theo Reuters, mặc dù cái chết của Arouri đã loại bỏ một tên tuổi lớn khỏi danh sách những kẻ thù Hồi giáo hàng đầu bị truy nã gắt gao nhất của Israel nhưng cũng sẽ khiến các nhà lãnh đạo lưu vong của Hamas lẩn trốn sâu hơn, cản trở nỗ lực đàm phán thêm về lệnh ngừng bắn ở Gaza và nỗ lực giải cứu con tin.
Xung đột có lan rộng?
Nhóm Hezbollah ở Lebanon, một đồng minh của Hamas, đã đấu súng gần như hằng ngày với Israel qua biên giới phía Nam nước này kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10.
Cuộc tấn công vừa qua vào thành trì phía Nam Beirut của Hezbollah có thể khiến cuộc giao tranh cường độ thấp dọc biên giới Lebanon trở thành một cuộc chiến tổng lực. Phần lớn điều đó phụ thuộc vào cách Hassan Nasrallah - người đã lãnh đạo Hezbollah kể từ sau cuộc tấn công của Israel khiến người tiền nhiệm của ông thiệt mạng hồi năm 1992 - lựa chọn phản ứng như thế nào. Trước đó, ông Nasrallah đã thề sẽ trả đũa bất kỳ hành động nào của Israel nhằm vào thủ lĩnh quân sự của các đồng minh ở Lebanon.
Trong bài phát biểu tại Beirut hôm 3/1, Nasrallah tuyên bố lực lượng dân quân Shiite hùng mạnh do Iran hậu thuẫn của ông "không thể im lặng" sau vụ sát hại Arouri. Nasrallah cho biết lực lượng vũ trang hùng mạnh của ông sẽ chiến đấu đến cùng nếu Israel chọn mở rộng chiến tranh sang Lebanon, nhưng ông không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào về việc hành động chống lại Israel để ủng hộ Hamas - đồng minh của Hezbollah cũng được Iran hậu thuẫn.
Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, khi được hỏi Israel đang làm gì để chuẩn bị cho phản ứng tiềm tàng của Hezbollah, đã nói với phóng viên: "Tôi sẽ không trả lời những gì bạn vừa đề cập. Chúng tôi đang tập trung vào cuộc chiến chống lại Hamas".
Khi được yêu cầu bình luận về những phát biểu của Nasrallah, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby đáp: "Chúng tôi chưa thấy Hezbollah nhanh chóng nhảy vào can dự mà không suy nghĩ để hỗ trợ Hamas”. Một quan chức giấu tên của Mỹ, được Reuters trích dẫn, nói với các phóng viên rằng cả Hezbollah và Israel đều không muốn chiến tranh. Quan chức này cho biết: “Từ tất cả những gì chúng tôi có thể nói, Hezbollah rõ ràng không mong muốn gây chiến với Israel và ngược lại”.
Dù vậy, nguy cơ xung đột Israel-Hamas lan rộng vẫn tiếp tục đe dọa khu vực trong bối cảnh ở một mặt trận khác, lực lượng Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ cho đến khi Israel dừng chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu. Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ đã leo thang kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas vào đầu tháng 10. Khi Israel tăng cường trả đũa cuộc tấn công, Houthi bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu mà họ cáo buộc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Israel. Hiện Mỹ đã điều động tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower tới khu vực. Về phần mình, Anh cũng đã phái tàu khu trục HMS Diamond đến Biển Đỏ.
Trọng tâm vẫn là Gaza
Israel cùng lúc phải đối phó với nhiều mặt trận, song trọng tâm mà nước này hướng tới vẫn là Dải Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, Israel đang tìm kiếm một “chiến thắng rõ ràng” trước Hamas, lực lượng đã lãnh đạo vùng lãnh thổ này từ năm 2007.
Israel hôm 1/1 tuyên bố sẽ rút 5 lữ đoàn khỏi Gaza trong những tuần tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant cho rằng, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Israel đang có kế hoạch tạm dừng chiến tranh. Ông nói hôm 2/1: “Cho rằng chúng tôi sẽ sớm dừng lại là điều hoàn toàn sai lầm. Nếu không có chiến thắng rõ ràng, chúng tôi sẽ không thể tồn tại ở Trung Đông”.
Tuy nhiên, có vẻ như Israel còn lâu mới đạt được mục tiêu đè bẹp Hamas và trả tự do cho khoảng 129 con tin vẫn bị Hamas bắt giữ. Theo ông Gallant, hàng nghìn chiến binh Hamas vẫn còn ở phía Bắc Gaza, nơi quân đội Israel đã chiến đấu với các tay súng trong hơn 2 tháng và toàn bộ khu vực lân cận đã thành đống đổ nát.
Ai Cập, cùng Qatar đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas, đã đề xuất một kế hoạch nhiều giai đoạn nhằm chấm dứt xung đột, theo đó tất cả con tin sẽ được thả để đổi lấy những người Palestine bị Israel cầm tù. Israel sẽ rút khỏi Gaza và một chính phủ gồm các nhà kỹ trị Palestine sẽ cai trị Gaza cùng một phần Bờ Tây bị chiếm đóng cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức. Cả Israel và Hamas đều không chấp nhận toàn bộ kế hoạch này nhưng cũng không bác bỏ nó hoàn toàn, khiến cuộc xung đột hiện nay tiếp tục rơi vào bế tắc.