Xung đột leo thang ở Trung Đông và biến động giá dầu

Thứ Hai, 18/11/2024, 14:44

Sự hỗn loạn leo thang ở Trung Đông được cho là đe dọa định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu, nhưng giá dầu vẫn bình ổn một cách kỳ lạ. Điều gì đằng sau sự bình yên bất ngờ của thị trường này trước xung đột khu vực ngày càng gia tăng?

Tăng rủi ro cung ứng

Theo Cố vấn cấp cao Kevin Book của Chương trình An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, trong nhiều tháng qua, thị trường dầu mỏ dường như không định giá theo viễn cảnh rằng cuộc chiến trên nhiều mặt trận của Israel và các đại diện khu vực của nước này có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Giá dầu thô Brent giao ngay tháng 9/2024 đã giảm khoảng 20%, từ khoảng 90 USD/thùng khi Tehran và Tel Aviv đối đầu trực tiếp với nhau lần gần đây nhất vào giữa tháng 4/2024, xuống còn chưa đến 72 USD/thùng vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10% (hơn 7 USD/thùng), và vào ngày 7/10, giá dầu đã đạt mức đỉnh trong ngày là 81 USD/thùng. Các nhà giao dịch dường như đang tính đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.

1.jpg -0
Nhà máy lọc hóa dầu Abqaiq của Saudi Arabia.

Ngay cả trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, việc ước tính giá dầu thông qua AI vẫn còn lâu mới đạt được sự chính xác và tác động của tình trạng gián đoạn nguồn cung có thể phụ thuộc đáng kể vào phạm vi và thời gian. Ước tính sơ bộ của công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners, LLC có trụ sở tại Washington D.C đánh giá các lệnh trừng phạt mới rộng rãi (hoặc thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt hiện hành) có thể khiến giá dầu tăng khoảng 7 USD/thùng; các cuộc tấn công vào cơ sở xuất khẩu chính của Iran tại đảo Kharg có thể làm tăng 13 USD/thùng; và việc Iran phong tỏa Eo biển Hormuz trong 3 - 7 ngày để trả đũa làm giá dầu tăng thêm 13 - 18 USD/thùng.

Ngoài ra, Israel có thể lựa chọn nhắm vào năng lực lọc dầu của Iran. Về lý thuyết, làm như vậy có thể cắt giảm nhiên liệu thành phẩm tại Iran mà không làm giảm đáng kể nguồn cung dầu thô toàn cầu và Iran sẽ tạm thời lại phụ thuộc vào nhập khẩu sản phẩm tinh chế như trước. Tuy nhiên, sau đó Iran vẫn có thể trả đũa nhằm vào hoạt động vận tải và sản xuất trong khu vực. Ngay cả khi Israel và các đồng minh của nước này đã thành công trong việc đánh chặn hầu hết các tên lửa của Iran hồi đầu tháng 10, các nhà sản xuất vùng vịnh Arab khó có thể có năng lực phòng thủ tương tự để bảo vệ các tài sản thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của chuỗi cung ứng.

Lý do thị trường vẫn chưa hoảng loạn

Ben Cahill, cộng sự cấp cao của Chương trình An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu cho rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran và những bình luận mơ hồ của Nhà Trắng về khả năng Israel tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran đã làm cho giá dầu tăng mạnh nhất trong 2 năm qua. Tuy nhiên ngay cả trong môi trường này, thị trường vẫn không hoảng loạn. Vì sao?

4.jpg -3
Lính Israel tiến vào dải Gaza.

Đầu tiên, đây là một thị trường có nguồn cung ổn định với một vòng đệm lớn. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nhà sản xuất đồng minh (OPEC+) đã thực hiện một số đợt cắt giảm sản lượng trên toàn nhóm và tự nguyện trong 2 năm qua. Tuy nhiên, nhóm này đã phải vật lộn để đưa những thùng dầu đó trở lại thị trường, do nhu cầu về dầu mỏ suy giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc, và nguồn cung dồi dào từ các nước ngoài OPEC+. Tổ chức này gần đây đã trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 10 cho đến ít nhất là tháng 12/2024 và năm 2025 có vẻ không phải là năm khả quan hơn nhiều về sự cân bằng của thị trường. Do đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính OPEC+ có công suất dự phòng hơn 5 triệu thùng/ngày.

Thứ 2, thị trường dầu mỏ không còn phản ứng thái quá với các rủi ro tiềm ẩn về nguồn cung. Các công cụ tình báo mới bao gồm giám sát vệ tinh và theo dõi tàu chở dầu cung cấp dữ liệu gần như theo thời gian thực về mức độ tải, vận chuyển và tồn kho. Các nguồn lực mới này đã làm giảm tác động của tình trạng gián đoạn nguồn cung tiềm tàng đối với giá năng lượng. Cuộc tấn công hồi tháng 9/2019 vào cơ sở chế biến dầu Abqaiq và mỏ Khurais ở Saudi Arabia đã đánh dấu một bước ngoặt.

Giá dầu tăng vọt sau cuộc tấn công, nhưng vì giám sát vệ tinh đã chứng minh rằng Tập đoàn dầu mỏ Saudi Arabia (Aramco) đã sửa chữa hư hại cho các cơ sở của mình và sử dụng hàng tồn trữ để duy trì mức xuất khẩu, nên trong vòng 2 tuần, giá dầu thô Brent đã trở lại mức trước cuộc tấn công. Các nhà giao dịch đã dành 5 năm qua để giảm thiểu các mối đe dọa về nguồn cung dầu khi không có sự gián đoạn thực sự.

Thứ 3, tình hình địa chính trị ở vùng Vịnh đã thay đổi. Một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa Iran và Saudi Arabia vào năm 2023 cho thấy mong muốn mới nhằm kiềm chế căng thẳng. Lòng tin giữa các bên bị hạn chế và Iran vẫn có thể gây rắc rối trong khu vực thông qua các lực lượng ủy nhiệm và hành vi phá hoại. Tuy vậy, các quốc gia Arab ở vùng Vịnh đang hối thúc giảm leo thang, và hiện tại, khả năng Iran đáp trả một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở dầu mỏ của mình bằng cách chỉ trích các nước láng giềng và gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu dầu là rất thấp. Kịch bản thường được đưa ra về việc đóng cửa eo biển Hormuz - nơi khoảng 30% lượng dầu vận chuyển trên biển của thế giới đi qua - đã bị thổi phồng quá mức.

Đương nhiên, các thị trường có thể nhầm lẫn. Cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu hoặc cảng dầu của Iran có thể làm rung chuyển thị trường dầu và khiến giá tăng vọt. Tuy nhiên, nếu không có cuộc tấn công nào, giá dầu có thể sẽ giảm khi một đợt tăng giá khác suy yếu.

Dòng chảy ngầm của thị trường

Theo Adi Imsirovic, cũng là người của Chương trình An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, sự leo thang xung đột gần đây ở Trung Đông đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động tiềm tàng của nó đối với giá dầu toàn cầu. Một số nhà phân tích cho rằng thị trường có thể đang đánh giá thấp các rủi ro địa chính trị và sự gián đoạn tiềm tàng đối với nguồn cung dầu, nhưng tình hình phức tạp hơn.  Xung đột ở Palestine và Lebanon không đe dọa trực tiếp đến nguồn cung dầu, vì cả 2 quốc gia này đều không phải là nhà sản xuất lớn. Bất kỳ rủi ro địa chính trị nào cũng sẽ xuất phát từ một cuộc xung đột kéo dài với Iran, một trong những nhà sản xuất lớn nhất trong liên minh OPEC+ với sản lượng 4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 1,3 triệu thùng/ngày, chủ yếu sang Trung Quốc.

2.jpg -1
Kho dầu của Iran trên đảo Kharg.

Bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào các cơ sở xuất khẩu dầu mỏ đều sẽ gây tổn hại không chỉ cho Iran mà còn cho cả thị trường toàn cầu thông qua việc làm tăng giá dầu (hoặc giá xăng). Nếu Israel tiến hành cuộc tấn công nhắm vào ngành năng lượng của Iran, thì việc nhắm vào các nhà máy lọc dầu sẽ hợp lý hơn rất nhiều, gây tổn hại đến nền kinh tế Iran và có khả năng dẫn đến việc Iran xuất khẩu nhiều dầu hơn.

Với giá dầu Brent ở mức dưới 80 USD/thùng, thị trường rõ ràng không tin việc phong tỏa eo biển Homuz sẽ dẫn đến kịch bản tồi tệ. Những lý do khác cho phản ứng tương đối yếu ớt trước các sự kiện địa chính trị là các yếu tố cơ bản đang thịnh hành. Trước cuộc xung đột, OPEC+ đã phải vật lộn để hỗ trợ giá do nhu cầu yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến. Những nỗ lực kích thích kinh tế gần đây ở Trung Quốc dường như nhằm mục đích ổn định nền kinh tế hơn là thúc đẩy đáng kể nhu cầu dầu mỏ.

Đảo ngược suy giảm

Raad Alkadiri, cộng sự cấp cao của Chương trình An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu cho rằng mặc dù giá dầu tăng khoảng 10% sau khi Israel ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah vào ngày 30/9/2024 nhưng tương lai ngắn hạn không hề tạo cảm giác hoảng loạn. Giá dầu thô trên thị trường cơ bản vẫn giảm do nhu cầu yếu, tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ và công suất dự phòng đáng kể từ OPEC+. Tuy nhiên, ở đây cũng có một phán đoán chính trị.

3.jpg -2
Khôi phục quyền tự do đi lại trên Biển Đỏ sẽ là chìa khóa lấy lại cảm giác an toàn cho ngành công nghiệp và các nhà nhập khẩu dầu mỏ toàn cầu.

Phản ứng ôn hòa của giá dầu trước bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông mang lại cảm giác rằng cuộc xung đột hiện tại có thể được kiềm chế. Bỏ qua lời kêu gọi kiềm chế của Washington đối với Israel, Tehran đã tỏ ra e dè với việc leo thang xung đột hoặc đối đầu trực tiếp với một Israel ngày càng hiếu chiến. Các nhóm vũ trang liên minh với Iran, bao gồm cả Hezbollah, chắc chắn đã góp phần kích động bạo lực trong khu vực, nhưng các nhà lãnh đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo phần lớn đã tìm cách tự bảo vệ mình, nhận ra những mối đe dọa tiềm tàng đối với sự sống còn chính trị của họ khi vướng vào Israel. Trừ khi các hành động trả đũa của Israel làm gián đoạn đáng kể cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, giá dầu có thể lại giảm nhanh chóng và thậm chí việc mất đi lượng xuất khẩu của Iran có thể chỉ gây ra sự tăng giá tạm thời khi xét tới năng lực dự phòng của OPEC.

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Trung Đông sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu trong vài tuần tới và vài tháng tới, với việc Israel tiến hành cuộc chiến là một yếu tố chính trị dẫn đến rủi ro đối với nguồn cung trong tương lai. Vẫn còn choáng váng sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, Israel ngày càng có ý định định hình lại cán cân quyền lực chiến lược dài hạn ở Trung Đông theo hướng có lợi cho mình. Chính quyền Joe Biden thì lại chứng tỏ họ không kiềm chế được các hành động của Israel, và hầu như không có dấu hiệu cho thấy chính quyền tiếp theo ở Mỹ, dù cho ai đứng đầu đi nữa, sẽ can thiệp mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, động thái chính trị trong nước của Israel, vốn có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến việc hoạch định chính sách, không cho thấy Israel sẽ thận trọng hơn trong ngắn hạn.

Ngay cả khi Israel cân nhắc thận trọng khi tiến hành các bước tiếp theo và dòng chảy của dầu mỏ không bị gián đoạn, nguy cơ đối đầu quy mô lớn hơn với Iran sẽ vẫn tồn tại nếu việc thay đổi động lực quyền lực khu vực dài hạn vẫn là chương trình nghị sự của Israel. Trong trường hợp khả quan nhất, những điều kiện này sẽ làm tăng thêm sự biến động của thị trường trong ngắn hạn. Trong trường hợp xấu nhất, chúng có nguy cơ thúc đẩy một vòng xoáy leo thang cuối cùng có thể làm gián đoạn trực tiếp dòng chảy của dầu mỏ, cho dù từ Iran hay các nhà sản xuất lớn ở vùng Vịnh Arab như Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, và đẩy giá tăng lên mức lịch sử.

Những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm khôi phục quyền tự do đi lại trên Biển Đỏ sẽ là chìa khóa để khôi phục lại cảm giác an toàn cho ngành công nghiệp và các nhà nhập khẩu LNG trên toàn cầu. Mặc dù có những lý do chính trị mạnh mẽ để đánh bật Houthi và khôi phục lại quyền tự do đi lại trên biển, nhưng cũng cần chú ý đến các lý lẽ về thương mại. Khi cuộc xung đột ở Trung Đông đang tiến đến điểm bùng phát, Mỹ có thể nắm bắt cơ hội này để hành động chống lại lực lượng ủy nhiệm của Iran và khôi phục quyền tự do đi lại ở hành lang biển có tính chiến lược cao này.

Ngọc Lan
.
.