Xung quanh “cuộc chiến nước” giữa Taliban và Iran
Ngày 27/5/2023, một cuộc giao tranh đã nổ ra giữa các tay súng Taliban, Afghanistan và quân đội Iran tại khu vực biên giới giữa hai quốc gia trong bối cảnh Taliban vừa khởi công xây dựng đập Baksh Abad ở tỉnh Farah, phía tây Afghanistan, thượng nguồn sông Helmand. Trước đó cũng trên con sông này, Taliban đã khánh thành đập Kamal Khan ở quận Chahar Burjak…
Nguyên nhân của vụ đụng độ
Về mặt địa lý, sông Helmand dài 1.150km, phát nguyên từ đồi Sanglakh thuộc dãy núi Hindu Kush ở phía đông bắc tỉnh Maidan Wardak, Afghanistan rồi chảy vào hồ Hamun-e-Saban và hồ Hamun-e-Halmand, nằm trên biên giới Afghanistan, Iran.
Nhận thức được sự quan trọng của nước, năm 1973 Iran đã ký với Afghanistan một hiệp ước về việc chia sẻ nguồn tài nguyên này. Theo đó Afghanistan có nghĩa vụ cung cấp cho Iran 22 mét khối nước/giây, đồng thời thêm 4 mét khối/giây vì “mối quan hệ anh em thiện chí”. Tuy nhiên vì nhiều lý do, hiệp ước ấy chưa bao giờ được cả hai bên tôn trọng nên hồ Hamun-e-Saban và hồ Hamun-e-Halmand trở thành điểm nóng.
Mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ vào năm 2021, khi Taliban khánh thành đập Kamal Khan ở quận Chahar Burjak rồi năm 2022, Taliban đưa vào sử dụng con kênh dẫn nước dài 285 km ở khu vực Qush Tepa để tưới cho 550.000 hecta đất thuộc tỉnh Balkh và các tỉnh Jawzjan, Faryab lân cận. Theo những nhà lãnh đạo Taliban, việc xây đập Kamal Khan và kênh dẫn nước nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm hạ tầng nông nghiệp và an ninh lương thực nhưng Iran cho rằng đập Kaman Khan sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp nước cho vùng đông nam Iran.
Cũng kể từ đó, giữa Taliban và Iran thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ đụng độ nhỏ lẻ, chẳng hạn như tháng 3/2022, cư dân tỉnh Zabul, Iran, tấn công một đoàn xe tải của các thương nhân Afghanistan ở gần cửa khẩu Milak Zarani trong một cuộc biểu tình đòi thêm nước từ sông Helmand. Theo những nông dân này, đập Kamal Khan đã chuyển hướng phần lớn lượng nước từ sông Helmand đến tỉnh Goud e Zere thay vì phải chảy đến biên giới Iran.
Tháng 8/2022, tranh chấp tạm thời được giải quyết sau cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Afghanistan, Iran và chuyến thăm của Bộ trưởng Năng lượng Iran tới Afghanistan. Cũng thời điểm ấy, lượng mưa tăng lên bao gồm cả đợt gió mùa kéo dài bất thường ở miền Đông và miền Trung Afghanistan đã khiến nguồn nước từ đập Kamal Khan đổ về hồ Hamun ở biên giới Iran nhiều chưa từng thấy. Để chứng tỏ thiện chí, Iran chính thức bàn giao Đại sứ quán Afghanistan của Chính phủ Kabul trước đây ở Tehran cho Taliban.
Những tranh chấp về tài nguyên nước dường như đã được giải quyết ổn thỏa thì bất ngờ ngày 20/5/2023, Taliban phát động lễ khởi công xây dựng 2 đường hầm dẫn nước ở tỉnh Fatah, phía tây Afghanistan, ngay cạnh con sông Helmand nhằm chuẩn bị cho việc xây đập Bakhsh Abad .
Buổi lễ có sự hiện diện của Alhaj Mulla Abdul Ghani Baradar, Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Mulla Abdul Latif Mansoor, quyền Bộ trưởng Bộ Năng lượng và nước, Maulawi Hayatullah Mohajer Farahi, Thứ trưởng Bộ Phát thanh, truyền hình, thông tin, văn hóa và Maulawi Abdul Karim Jihadyar, Phó tỉnh trưởng Farah cùng một số quan chức.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Baradar cho biết: “Ngay từ đầu, tôi đã quan tâm đến việc xây dựng đập Bakhsh Abad. Khi ấy chúng tôi vẫn chưa đủ cơ sở vật chất để có thể khởi công nhưng hôm nay, mục tiêu của chúng tôi là cô gắng hoàn thành càng sớm càng tốt…”.
Theo lý thuyết, Afghanistan là quốc gia tự chủ được nguồn nước với 75 tỷ mét khối/năm nhưng ngược lại, Afghanistan cũng là “quốc gia có khả năng trữ nước thấp nhất thế giới”. Hầu hết nước từ các sông lớn như Amu, Helmand, Harirud-Murghab và Kabul đều chảy sang lãnh thổ láng giềng Iran, Pakistan, Uzbekistan và Turkmenistan, trong đó sông Helmand được coi là “huyết mạch quốc gia” vì lưu vực của nó bao phủ khoảng 40% diện tích bề mặt Afghanistan. Vì thế, để bảo đảm nguồn nước, chính quyền Taliban đã đầu tư xây dựng 2 con đập nên cũng dễ hiểu vì sao sông Helmand trở thành trung tâm của những tranh chấp ngày càng tăng giữa Afghanistan và Iran về quyền sử dụng nước.
Với Chính phủ Iran, việc Taliban xây dựng con kênh và 2 đập trên sông Helmand sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế, môi trường, chủ yếu ở khu vực đông nam Iran, trái với tinh thần Hiệp ước 1973. Trong một cuộc họp tại Kabul trước ngày nổ ra xung đột, phái đoàn Iran đã yêu cầu được đến thăm đập Kamal Khan và kênh dẫn nước nhằm xác minh những tuyên bố của Taliban về việc “giảm lượng nước cung cấp cho Iran vì nước sông Helmand giảm” nhưng Taliban từ chối.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Irna của Iran đã công bố những hình ảnh chụp từ vệ tinh, cho thấy lượng nước trong đập Kamal Khan vẫn ở mức bình thường và trên con kênh đào, các chuyên gia thủy văn Iran tính toán dòng chảy vẫn giữ tốc độ trung bình 10 mét khối/giây.
Đỉnh điểm của cuộc “chiến tranh nước” là ngày 18/5/2023, khi đến thăm tỉnh Sistan và Baluchistan, Tổng thống Iran đã cảnh báo: Taliban nên “tuân thủ các quyền về nước của Iran”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Iran còn nói thêm rằng Iran sẽ “gây áp lực chống lại Taliban nếu cần”. Phản ứng lại, Taliban vẫn khẳng định “lưu vực sông Helmand đang trải qua một năm khô hạn do tác động của biến đổi khí hậu chứ không phải Taliban không cung cấp nước”.
Đấu súng
Sáng thứ bảy ngày 27/5/2023, lực lượng biên phòng Iran và Taliban đã đấu súng với nhau tại khu vực biên giới . Kết quả 2 lính biên phòng Iran và 1 chiến binh Taliban thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. IRNA, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Iran dẫn lời Chuẩn tướng Qasem Rezaei, Phó tư lệnh cảnh sát quốc gia, rằng “một tiền đồn biên giới ở phía đông nam Iran đã bị Taliban tấn công nặng nề nhưng họ đã vấp phải phản ứng quyết liệt và dũng cảm từ lực lượng bảo vệ. Chúng tôi không cho phép quyền lợi của người dân chúng tôi bị xâm phạm”.
Về phía Taliban, tổ chức này cho biết 2 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ đồng thời cáo buộc Iran nổ súng trước. Abdul Nafi Takor, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Taliban tuyên bố: “Hôm nay tại huyện Kang, tỉnh Nimroz, lực lượng biên giới Iran đã nổ súng về phía Afghanistan khiến 2 người chết và nhiều người bị thương, tình hình hiện đã được kiểm soát. Tiểu vương quốc Hồi giáo không muốn gây chiến với láng giềng”.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Taliban là Enayatullah Khowarazmi nói thêm: “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan coi đối thoại và đàm phán là biện pháp hợp lý cho mọi vấn đề. Để xảy ra chiến tranh và các hành động tiêu cực sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào”.
Sau cuộc đọ súng, chính quyền Iran đã phong tỏa cửa khẩu biên giới Milak Zarani mặc dù đây không phải là nơi diễn ra giao tranh, nhưng là một trong những con đường thông thương quan trọng nhất của Afghanistan với thế giới bên ngoài. 48% lượng hàng hóa mà Afghanistan nhập khẩu đều đi qua lối này. Các video do cả hai bên thực hiện đều không chứng tỏ được là bên nào đã nổ súng trước nhưng với Taliban, họ đang tự định vị mình là người bảo vệ quyền lợi cộng đồng bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để có được sự ủng hộ của người dân nếu giao tranh tiếp tục xảy ra.
Theo các nhà quan sát địa chính trị, Afghanistan dưới thời Taliban đang phải chịu sự quản lý tồi tệ ở mọi lĩnh vực, bao gồm cả nguồn nước trong bối cảnh tính chính danh của họ vẫn chưa được thế giới công nhận. Một báo cáo do Liên hợp quốc công bố hồi đầu năm 2023 cho thấy con sông Helmand chảy qua các tỉnh Uruzgan, Kandahar và Helmand - là những khu vực do người Pashtun thống trị và là “trái tim” của Taliban bởi lẽ nhiều lãnh đạo cao cấp của Taliban đều có nguồn gốc xuất xứ từ những nơi này, cùng những cánh đồng thuốc phiện là nguồn tài chính phong phú của Taliban.
Theo Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), sản lượng thuốc phiện dưới thời Taliban đã tăng 32% vào năm 2022, hầu hết trong số đó đến từ lưu vực sông Helmand. Nguồn nước duy trì việc trồng cây thuốc phiện là chìa khóa không chỉ đối với ngân sách của Taliban mà còn là túi tiền đối với một số các nhà lãnh đạo khác.
Về phía Iran, cùng với dòng chảy ngày càng thay đổi của sông Helmand, dẫn đến lượng nước đổ vào 4 hồ nhân tạo Chah e Nimas bị thu hẹp. Cả 4 hồ này được xây dựng ở tỉnh Sistan giáp biên giới với Afghanistan, công suất lớn gấp hai lần so với lượng nước đổ vào hàng năm đã khiến Iran ngày càng lo lắng. Nếu những hồ này nằm dưới mực nước chết, nguồn cung cấp nước cho Sistan sẽ kết thúc.
Các khoản đầu tư của Iran trong nhiều năm qua trong lĩnh vực quản lý và dự trữ nước cũng như mạng lưới thủy lợi ở Sistan sẽ trở nên vô ích. Và mặc dù Iran đã có những kế hoạch thay thế, chẳng hạn như đào giếng hoặc khử muối nước biển đưa về từ biển Oman nhưng xem ra nó cũng không hứa hẹn sẽ mang lại kết quả khả quan vì những biện pháp trên chỉ có thể cung cấp 120 triệu mét khối mỗi năm trong lúc riêng tỉnh Sistan, cần đến gần 1 tỉ mét khối.
Chả thế mà Tổng thống Iran Ebrahim Raisi Amir-Abdollahian trong cuộc điện thoại với người đồng cấp Taliban là Amir Khan Muttaqi đã yêu cầu chính quyền Afghanistan “mở tất cả các cống đập Kajaki để cả người dân Afghanistan, Iran đều có thể được cung cấp đủ nước", đồng thời ông cũng cảnh báo: “Những người cai trị Afghanistan ngay lập tức trao quyền sử dụng nước cho người dân Sistan-Baluchistan. Taliban nên tiếp nhận lời nói của tôi một cách nghiêm túc chứ đừng bảo rằng “không được thông báo”.
Ngay sau cuộc đụng độ giữa Taliban và biên phòng Iran, những tài khoản ủng hộ Taliban trên mạng xã hội đã chia sẻ một video với bài hát “Nasheed” nội dung kêu gọi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Taliban là Mullah Mohammad Yaqoob đứng lên chống lại Iran. Mullah Yaqoob là con trai của Mullah Mohammad Omar, người sáng lập và là thủ lĩnh tối cao đầu tiên của Taliban. Điều này càng làm tăng thêm sự tức giận của người Iran ở khu vực xảy ra xung đột, dẫn đến những cuộc biểu tình đòi “quét sạch Taliban”.
Trước những diễn biến ấy, ngày 29/5/2023, tại Đại học Khoa học và công nghệ Iran, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Phòng không, không quân thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran nói: “Kẻ thù của chúng ta đứng đằng sau những hành động khiêu khích này. Họ muốn bắt đầu chiến tranh từ những cuộc đụng độ ở biên giới. Sẽ không có chuyện đó xảy ra!”.
Hiện tại, cả Tehran và Kabul đã đồng ý thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu nguyên nhân của vụ nổ súng. Bên cạnh đó, Tehran cũng trao trả cho Taliban 101 tù nhân bị bắt trong những cuộc xung đột trước đó bởi hơn ai hết, Iran hiểu rằng nếu tiếp tục đối đầu bằng vũ lực thì nó đồng nghĩa với “chiến tranh nước” mà ưu thế nghiêng về Taliban…