Xung quanh cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ

Thứ Tư, 15/11/2023, 13:40

Cuộc gặp thượng đỉnh được mong đợi nhất giữa lãnh đạo hai cường quốc Mỹ-Trung sẽ diễn ra ngày 15/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC. Nhiều vấn đề lớn, bao trùm dự kiến sẽ được thảo luận tại cuộc gặp, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng xung quanh các vấn đề địa chính trị, kinh tế...

Một năm sau cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị G20 tại Bali, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt nhau một lần nữa tại San Francisco. Đây là cuộc gặp gây chú ý nhất và sẽ lấn át các sự kiện tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, trong đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tìm cách ổn định quan hệ trong một bầu không khí địa chính trị ngày càng căng thẳng. Cuộc họp, có thể kéo dài vài giờ, là đỉnh điểm của nhiều tháng đối thoại cấp thấp hơn diễn ra trong mùa hè vừa qua, với việc Washington cử nhiều đại biểu đến Trung Quốc hơn.

Xung quanh cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị G20 ở Bali, Indonesia, tháng 11/2022.

Việc Chủ tịch Trung Quốc thăm Mỹ lần đầu tiên sau 6 năm thể hiện thiện chí từ phía Trung Quốc. Trong số các cam kết, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ phát biểu tại bữa tiệc tối do Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung tổ chức (vé tham dự có giá khởi điểm là 2.000 USD). Tại sự kiện đó, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước cộng đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung sẽ nhấn mạnh sự quan tâm của Chủ tịch Trung Quốc trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài quay trở lại Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã bỏ Trung Quốc vì lo sợ chính sách “không có COVID” và động thái kiểm soát chặt chẽ các công ty tư vấn nước ngoài, cũng như ngày càng có nhiều hạn chế của Mỹ trong việc kinh doanh với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 16/11, tức một ngày sau cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Joe Biden. Các quy định mới là việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát được đưa ra vào năm ngoái, nhằm mục đích ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn phức tạp nhất, vốn cần thiết để phát triển trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Shen Dingli, một học giả quan hệ quốc tế ở Thượng Hải, cho biết: “Về vấn đề chuỗi cung ứng, nếu Mỹ tiếp tục hạn chế chip cao cấp đối với Trung Quốc... điều đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc”. Ông Shen Dingli cho rằng chất bán dẫn sẽ là lĩnh vực được phía Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Các nhà phân tích ở cả hai bờ Thái Bình Dương đã chỉ trích thực tế là thuế quan đối với khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc do chính quyền ông Trump áp đặt đã được Nhà Trắng của ông Joe Biden tiếp tục áp dụng.

Xung quanh cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhìn chung, quan hệ giữa hai nước dường như đã ổn định kể từ sau các vụ việc khiến mối quan hệ xấu đi vào tháng 2, với việc lực lượng Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc đang bay trên bầu trời Nam Carolina. Khinh khí cầu sau đó được xác định là chưa gửi thông tin tình báo về Trung Quốc, nhưng quy mô của cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Trung do vụ việc gây ra đã khiến nhiều nhà quan sát cảnh giác.

Trong tháng 11 này, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ thời chính quyền Tổng thống Obama. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả các cuộc đàm phán là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”, khi các quan chức thảo luận cách đảm bảo rằng cạnh tranh kinh tế và sự bất đồng về một loạt chủ đề, bao gồm cả Đài Loan, không dẫn đến xung đột.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, các đặc phái viên về khí hậu của Mỹ và Trung Quốc gần đây cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán tại California, dẫn đến “kết quả tích cực”. Thông tin chi tiết về thỏa thuận khí hậu mới giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này. Trung Quốc và Mỹ, cùng với Vương quốc Anh, EU, Australia gần đây đã trở thành những bên đồng ký kết “Tuyên bố Bletchley” về những rủi ro do AI (trí tuệ nhân tạo) gây ra.

Đặc biệt, trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 9/2023 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có động thái dường như gợi mở cho việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung, đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ ổn định lâu dài. Phát ngôn trước báo giới trong chuyến thăm Việt Nam, ông Biden đã kêu gọi sự ổn định trong mối quan hệ Mỹ-Trung trước bức tranh ngoại giao ngày càng phức tạp trong khu vực đối với nước Mỹ. Ông nói: “Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc. Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng chúng ta có mối quan hệ đang phát triển và bình đẳng với Trung Quốc, mọi người đều biết nó là gì”. 

Tuy nhiên, giới phân tích chính trị và truyền thông Mỹ thì không hoàn toàn “đồng điệu” với những gì ông Biden nói, thậm chí còn nêu thẳng ra rằng những gì ông Biden nói chỉ mang tính “chính trị” là chủ yếu.

Ở một góc nhìn khác, quan hệ Mỹ-Trung vẫn còn đó những vấn đề khác biệt, bất đồng, thậm chí đối đầu, trong đó vấn đề quan trọng nhất vẫn giống như từ trước đến giờ: Vấn đề Đài Loan. Năm ngoái, ông Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ cử lực lượng vũ trang tới bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra “một cuộc tấn công chưa từng có” từ Trung Quốc và lời tuyên bố này sau đó bị Bắc Kinh lên án.

Trên kênh truyền hình CNN, bà Nikki Haley, ứng cử viên tổng thống đầy hy vọng của đảng Cộng hòa, đã chỉ trích chính sách của chính quyền ông Joe Biden đối với Trung Quốc và mô tả nước này là “kẻ thù”. Bà Haley nói: “Trung Quốc trên thực tế đã chuẩn bị cho chiến tranh với chúng tôi trong nhiều năm”. Bà Haley cho biết Trung Quốc đã mua 162.000 ha đất của Mỹ và là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất nước này, đồng thời tiếp tục “đánh cắp” tài sản trí tuệ trị giá 600 tỷ USD mỗi năm. Bà chỉ ra máy bay không người lái của Trung Quốc được cơ quan thực thi pháp luật Mỹ sử dụng và cuộc khủng hoảng do fentanyl có nguồn gốc từ Trung Quốc gây ra “đã giết chết nhiều người Mỹ hơn cả chiến tranh Iraq, Afghanistan và Việt Nam cộng lại”. “Còn bao nhiêu chuyện phải xảy ra nữa để ông Biden nhận ra rằng ông không cử các thành viên nội các sang Trung Quốc để xoa dịu họ?” - bà Haley nói, đề cập đến chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tới Bắc Kinh.

Xung quanh cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ -0
Chuyến thăm Đài Loan gây tranh cãi của bà cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Nỗ lực của chính quyền ông Joe Biden nhằm đưa ra một bức tranh mạch lạc về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với hai vấn đề khó chịu nhất của nước này - Trung Quốc và Nga - vẫn tiếp tục khi Phó Tổng thống Kamala Harris bày tỏ sự khó chịu của Mỹ trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin, gọi đó là “một sai lầm lớn” đối với Mỹ, bởi bà Harris cho rằng sự kết hợp giữa Nga và CHDCND Triều Tiên sẽ mang đến kết quả trước mắt là việc Bình Nhưỡng sẽ cung cấp hàng nghìn quả đạn pháo cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Bà Harris cũng tỏ ra “không lạc quan” ngay cả với cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden tại San Farncisco, bang California, sắp tới.

Tuần trước, cơ quan an ninh Trung Quốc ám chỉ rằng cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden ở San Francisco sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ “thể hiện đủ sự chân thành”. Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc cho biết nước này “sẽ không bao giờ mất cảnh giác”. Bình luận này được đưa ra sau khi bà Bộ trưởng Thương mại Raimondo nói rằng “Mỹ không muốn tách khỏi Trung Quốc nhưng các công ty Mỹ đã phàn nàn với bà rằng Trung Quốc đã trở nên “quá khó đầu tư”.

Xung quanh cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ -0
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Tại Bali, Indonesia cách đây một năm, hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden cũng đã có cuộc gặp gây chú ý. Cuộc gặp kéo dài 3 tiếng đồng hồ đó được coi là một nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng đã đưa quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Ông Joe Biden mô tả là ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “thẳng thắn và rõ ràng” với nhau về các chủ đề từ Đài Loan đến thương mại. Ông Biden cho rằng “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ-Trung có thể tránh được, nhưng ông lại tiếp tục khẳng định quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan vẫn không thay đổi - đi ngược lại chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Tân Hoa xã đã dẫn lời ông Tập Cận Bình nói với ông Joe Biden rằng vấn đề Đài Loan “là cốt lõi của lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ và là ranh giới đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ”.

Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định rằng “Chúng tôi phản đối những thay đổi đơn phương về hiện trạng của cả hai bên và chúng tôi cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Rõ ràng là Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau ở những nơi chúng tôi có thể. Để giải quyết những thách thức toàn cầu, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thực hiện phần việc của mình”.

Sau cuộc gặp đó giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, các quan chức cấp cao chủ chốt trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm giải quyết khủng hoảng khí hậu và duy trì sự ổn định tài chính, y tế và lương thực toàn cầu của cả hai bên đều đã thực hiện các bước nhằm triển khai tiếp nối những vấn đề hai nhà lãnh đạo đã trao đổi với nhau. Cho đến nay vẫn chưa rõ liệu điều đó có nghĩa là Trung Quốc có đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu mà nước này đã tạm dừng để phản đối chuyến thăm Đài Loan gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8 năm ngoái hay không.

An Châu
.
.