Xung quanh thông tin Nhật Bản gia nhập AUKUS

Thứ Năm, 21/04/2022, 22:06

Ngày 12-4, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin nước này đã nhận được đề xuất không chính thức về việc tham gia liên minh quân sự AUKUS do Australia, Anh và Mỹ thành lập hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã bác bỏ thông tin trên, khẳng định bài báo của Sankei Shimbun “không đúng sự thật”. Ông cũng tuyên bố rằng Tokyo “không hề được mời tham gia AUKUS”. Ngày 13-4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định thông tin này không chính xác.

AUKUS và sự ủng hộ của Nhật Bản

Tháng 9-2021, lãnh đạo các nước Australia, Anh và Mỹ đã công bố thành lập AUKUS, động thái được nhiều người coi là một chiến thuật nhằm đối phó với sự thống trị ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Mục tiêu ban đầu của AUKUS là cung cấp cho Canberra một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, tuần trước, ba nước tuyên bố sẽ hợp tác phát triển công nghệ siêu vượt âm và Nhật Bản đã hoan nghênh quyết định này. Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ “tiếp tục tăng cường hợp tác theo nhiều cách khác nhau” với ba “đối tác an ninh và quốc phòng quan trọng”.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói: “Trước hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh giữa các đồng minh và các nước có cùng chí hướng, và Nhật Bản hoan nghênh (thông báo của AUKUS) như một phản ứng kịp thời”.

Trung Quốc được cho là cũng đang có một chương trình máy bay phản lực siêu vượt âm, tuy nhiên, dường như nước này đang tập trung vào các phương tiện bay khác, tương tự chương trình thử nghiệm vào tháng 7 năm ngoái. Các chuyên gia tin rằng AUKUS đang tìm cách cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Nhiệm vụ của Tokyo về vũ khí siêu vượt âm

Các vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, trong đó có vụ thử tên lửa siêu vượt âm hồi đầu năm nay, đã thúc đẩy Tokyo tập trung phát triển các công nghệ phản siêu vượt âm.

Tháng 1-2022, Nhật Bản bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác với Mỹ, trong đó các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của hai nước cam kết hợp tác phân tích, tập trung vào quan hệ đối tác trong công nghệ siêu vượt âm tiềm năng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã dành quỹ cho nghiên cứu toàn diện về việc chế tạo súng điện từ, sử dụng lực điện từ để bắn đạn với tốc độ cao nhằm đánh chặn tên lửa siêu vượt âm.

Năm 2018, Nhật Bản tiết lộ nước này đang phát triển tên lửa siêu vượt âm. Tháng 3-2020, Tokyo tiết lộ kế hoạch phát triển hai loại vũ khí siêu vượt âm là tên lửa hành trình siêu vượt âm (HCM) và đạn lướt siêu tốc (HVGP). Theo trang “Defense News”, tên lửa hành trình siêu vượt âm sẽ sử dụng động cơ phản lực còn đạn lướt siêu tốc sẽ sử dụng “động cơ tên lửa nhiên liệu rắn để đưa đầu đạn lên một độ cao nhất định trước khi tách ra, tại đây đầu đạn sẽ tận dụng độ cao để duy trì tốc độ phóng tới mục tiêu cho đến khi xảy ra va chạm”.

HVGP sẽ có thể tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển. Vũ khí này có thể phóng “đầu đạn xuyên giáp được chế tạo đặc biệt nhằm xuyên thủng boong của tàu sân bay”. Cả hai loại vũ khí này đều được lên kế hoạch triển khai từ năm 2024 đến năm 2028. Tầm bắn của tên lửa siêu vượt âm được dự đoán là hơn 500 km. Những tên lửa này có thể đặt ra mối đe dọa đối với hạm đội tàu sân bay đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Trung Quốc có hai tàu sân bay đang hoạt động và sắp đưa vào vận hành tàu sân bay thứ ba.

Nhìn vào tuyên bố của các bên, có thể thấy khả năng Nhật Bản gia nhập AUKUS là không cao nhưng chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Lý do là bởi một số chuyên gia cho rằng AUKUS ra đời nhằm bổ sung cho nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) - vốn bị đánh giá là chưa tập trung nhiều vào lĩnh vực này, trong khi chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lại vừa tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục.

Mạnh Tuân (Tổng hợp)
.
.