Xung quanh việc Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang từ bỏ hình ảnh một quốc gia đi theo chủ nghĩa hòa bình bằng cách tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và thiết lập các thỏa thuận chiến lược mới. Trải qua gần 8 tháng cầm quyền, sự xoay trục chính sách của ông Kishida đối với các vấn đề an ninh là không phải bàn cãi.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, nội các của ông Kishida đã thông qua một kế hoạch tài khóa, trong đó tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Mặc dù kế hoạch sử dụng một loạt từ ngữ chuyên ngành điển hình khiến nó tương đối khó hiểu nhưng mục đích nâng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản lên ngang với các nước NATO - ở mức 2% GDP - gấp đôi mức hiện tại là tương đối rõ ràng.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo đất nước mặt trời mọc đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận quốc phòng với Vương quốc Anh, ký một thỏa thuận quốc phòng với Australia và ký một thỏa thuận mua bán vũ khí lần đầu tiên trong lịch sử với Thái Lan. Theo đó, thỏa thuận hợp tác quân sự này cho phép Nhật Bản có thể bán thiết bị quân sự và đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - quân sự của Thái Lan.
Những điều này có thể gây ngạc nhiên cho những người đã quen thuộc với một Nhật Bản vốn theo đuổi “chính sách quốc phòng thận trọng có truyền thống, hiến pháp xây dựng theo chủ nghĩa hòa bình, kiềm chế” cũng như hình ảnh “một nhà lãnh đạo ôn hòa” của Thủ tướng Kishida. Đúng vào thời điểm đồng yên Nhật đang giảm giá mạnh, nền kinh tế tìm cách vượt qua khó khăn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và Nhật Bản thận trọng mở cửa biên giới, thì ông Kishida lại tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia, khu vực và thậm chí trên phạm vi toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, những bất ổn toàn cầu mới đang làm trầm trọng thêm các xu hướng chiến lực dài hạn, các áp lực trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) là các yếu tố tác động đến việc định hướng chính sách của chính quyền ông Kishida.
Theo đó, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm 2022 lên tới 5,4 nghìn tỷ yên (khoảng 40 tỷ USD), tương đương khoảng 1% GDP của nước này. Theo kế hoạch của ông Kishida, con số đó sẽ tăng lên gấp đôi - một yếu tố có thể thu hút một loạt tập đoàn buôn bán vũ khí toàn cầu đến Tokyo. Mặc dù nhận được nhiều ủng hộ, song kế hoạch của ông Kishida cũng vướng phải những lời chỉ trích. Theo tờ Mainichi, việc xem xét vấn đề phát triển năng lực quốc phòng để đáp ứng những thay đổi của môi trường an ninh là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào việc tăng chi tiêu quốc phòng đơn thuần, Nhật Bản cần thảo luận cẩn thận về việc làm thế nào để kết hợp hiệu quả việc tăng chi tiêu quốc phòng với cơ chế an ninh “phòng thủ đơn thuần” hiện có.
Rõ ràng, tầm nhìn quốc phòng của ông Kishida không chỉ gói gọn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) mà ông Kishida đã nhất trí về nguyên tắc với Vương quốc Anh bao gồm việc cho phép nâng cấp hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực như nhân lực, mua bán khí tài và tập trận song phương. Máy bay phản lực hiện đại BAE Hawk của Vương quốc Anh nhiều khả năng sẽ có mặt trong dự án máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Nhật Bản. Mô hình hoạt động của RAA giữa Nhật Bản và Vương quốc Anh cũng sẽ tương tự như RAA giữa Australia và Nhật Bản mà ông Kishida đã ký kết với người đồng cấp ở Canberra hồi đầu năm 2022.
James Crabtree - Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - châu Á (đơn vị tổ chức sự kiện Shangri La), bình luận rằng Nhật Bản là một nhân tố an ninh ngày càng quan trọng trong thời điểm căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Từ khi nhậm chức, ông Kishida đã thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo ngoại giao năng nổ, gắn bó với các đối tác ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Lance Gatling, chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu Nexial Research, có trụ sở tại Nhật Bản, bình luận trên tờ Asia Times rằng kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, người Nhật đã nhận thức rõ rằng những chính sách triển khai dưới thời Tổng thống Donald Trump rất thất thường và có nhiều rủi ro. Mỹ đã cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng rồi mọi việc đã xảy ra như hiện tại. Một cục diện khó khăn như ở châu Á hiện nay đã khiến cho Nhật Bản không thể không tự lo lấy mình.
Theo các nhà phân tích, ông Kishida rõ ràng cũng gặp phải những áp lực chính trị trong nước. Vẫn là tờ Mainichi, kế hoạch chi tiêu quốc phòng của ông Kishida là kết quả của “áp lực từ Shinzo Abe và các nhân vật trong đảng cầm quyền”. Trong thời gian ông Abe nắm quyền, Hiến pháp Nhật Bản đã được diễn giải lại để giúp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động. Bên cạnh đó, nước này cũng mở rộng kho vũ khí của lực lượng viễn chinh, như việc chuyển đổi tàu khu trục chở trực thăng thành tàu sân bay hạng nhẹ và xây dựng lực lực lượng lính thủy đánh bộ.
Một chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Nhật Bản phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu năng lượng qua đường biển thì sự trỗi dậy của Trung Quốc với vị thế là một cường quốc hải quân ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và mối đe dọa từ Nga (quần đảo Kuril - vấn đề lãnh thổ phương Bắc) đều là những vấn đề nổi cộm. Chuyên gia Gatling nói, khi đối mặt với các vấn đề này, Nhật Bản xử lý hài hòa hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, về ý thức an ninh hiện nay, cuộc chiến Nga - Ukraine đã cho thấy Nhật Bản không thể tiếp tục phớt lờ các mối đe dọa an ninh được nữa.