Yếu tố thay đổi cục diện an ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thứ Bảy, 16/07/2022, 10:28

Một cuộc cách mạng về nhận thức lĩnh vực hàng hải đang diễn ra, qua đó có tác động sâu sắc đến an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức lĩnh vực hàng hải (IPMDA) của nhóm Bộ tứ, được công bố tại Hội nghị Tokyo tháng 5 vừa qua, sẽ kết hợp các công nghệ mới về vệ tinh với những hệ thống hiện hành để giúp xác định những đối tượng vi phạm hàng hải.

Ngoài ra, một số sáng kiến tương tự cũng sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực cho nhiều nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ, để quản trị vùng biển của họ.

Nhận thức lĩnh vực hàng hải liên quan đến nhận thức về tình hình môi trường hàng hải, đặc biệt là thông qua hiểu biết về vị trí và mục đích của các đối tượng bên trong một không gian hàng hải. Việc biết được đó là đối tượng nào, đang làm gì và cần đối phó ra sao là một yếu tố rất cơ bản. Tuy nhiên, việc có được nhận thức hàng hải đòi hỏi phải vượt qua nhiều thách thức lớn trong khâu kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn thành một bức tranh toàn cảnh, có thể dựa vào đó để phân tích và đưa ra đối sách.

Yếu tố thay đổi cục diện an ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương -0
SeaVision - Nền tảng giúp các nước nhỏ thực thi quyền tài phán trên vùng lãnh hải của mình.

Trong 2 thập kỷ qua, những tiến bộ về công nghệ cho phép thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn như radar ven biển, tàu thuyền, máy bay chiến đấu và các vệ tinh, tất cả được thực hiện trên một nền tảng duy nhất và bám sát thời gian thực. Điều này thường đòi hỏi phải có cảm biến cùng công nghệ máy tính phức tạp và đắt đỏ, vốn là những thứ mà chỉ các nước giàu mới tiếp cận được. Các nguồn lực và công nghệ cần thiết thường nằm ngoài tầm với của nhiều nước, từ đó để hở ra những vùng biển không được kiểm soát, trở thành mục tiêu của những đối tượng xấu.

Những năm gần đây, nhiều trung tâm tích hợp thông tin khu vực đã xuất hiện, giúp thu thập và phân tích thông tin ở cấp độ khu vực. Điều này có thể tạo ra những cơ sở đáng cân nhắc đối với nhiều nước, nhưng cũng gây ra nhiều yếu tố nhạy cảm, đặc biệt là với các nước nhỏ mong muốn thực thi quyền tài phán đối với lãnh hải của họ.

Các cơ quan thực thi luật hàng hải của khu vực cũng có thể truy cập trực tiếp vào các nền tảng thông tin trên mạng. Ví dụ, hệ thống SeaVision do Bộ Giao thông - Vận tải Mỹ cung cấp đang được sử dụng tại hơn 100 quốc gia. Tất cả các hệ thống này phụ thuộc nhiều vào hệ thống nhận dạng tự động (AIS), vốn là máy truyền phát sóng vô tuyến được lắp đặt chủ yếu trên các tàu thương mại. Điều này có ích cho việc theo dõi các chuyến tàu công khai nhưng chưa hiệu quả trong việc phát hiện các tàu có hành vi phạm pháp. Các tàu đánh bắt trái phép, buôn ma túy và có hành vi xấu khác có thể “ẩn mình” bằng cách tắt hoặc can thiệp vào hệ thống AIS để tránh bị theo dõi.

Khoảng trống lớn trong quản trị hàng hải nói trên đang được khắc phục. Theo sáng kiến của nhóm Bộ tứ, một phiên bản cải tiến của nền tảng SeaVision sẽ được bàn giao cho các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho phép họ phát hiện và theo dõi các tàu đang trong trạng thái ẩn. Nền tảng này bao gồm dữ liệu tần số vô tuyến từ hệ thống vệ tinh thương mại Hawkeye 360, thu thập dữ liệu điện tử (như tín hiệu liên lạc của radar, vô tuyến hay vệ tinh) từ các tàu đi qua vùng theo dõi. Hệ thống SeaVision sẽ so sánh dữ liệu kể trên với dữ liệu AIS nhằm xác định các tàu đã tắt hoặc làm giả hệ thống AIS. Qua đó, các tàu ẩn sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn nhờ nhiều nguồn dữ liệu khác.

Hiện SeaVision đang tiến hành bổ sung dữ liệu vệ tinh khác để giúp xác định loại tàu ẩn và các hoạt động của chúng. Công nghệ này bao gồm dữ liệu hình ảnh điện quang hay radar khẩu độ tổng hợp, có thể sử dụng để tạo ra hình ảnh 3D của các tàu mục tiêu - giúp giới chức phát hiện các đối tượng, chẳng hạn như một tàu buôn ma túy hoặc một tàu mẹ (có chứa nhiều tàu con bên trong). Việc thu thập dữ liệu, đặc biệt từ các tàu thương mại, sẽ đòi hỏi chi phí cao, song giá thành sẽ giảm khi nhà cung cấp và người dùng đều có sẵn. Thời gian trễ trong quá trình thu phát dữ liệu vệ tinh (khoảng 12 giờ đồng hồ hoặc hơn) cũng sẽ được giảm để người dùng tiếp nhận thông tin gần với thời gian thực hơn. Trong giai đoạn 1 của sáng kiến do Bộ tứ đề xuất, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đang đề nghị cải tiến SeaVision cho 5 đối tác ở Đông Nam Á, mặc dù chi phí dữ liệu vệ tinh thương mại đang cản trở việc mở rộng triển khai hệ thống này.

Các nền tảng cạnh tranh đang được nhiều nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đề nghị cung cấp, trong đó có hệ thống IORIS của Liên minh châu Âu (EU), SOLATRA của Vương quốc Anh và hệ thống phi lợi nhuận Skylight. Các công cụ này có thể mang đến nhiều lựa chọn và tính năng đặc biệt. Chẳng hạn, hệ thống IORIS cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu hai chiều với các bên khác thay vì thông qua một nền tảng chung. Trong khi đó, hệ thống Skylight tập trung vào sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi của tàu, ví dụ như “các hoạt động tụ tập mờ ám”.

Nếu cùng hoạt động, các nền tảng cải tiến nói trên sẽ trở thành yếu tố thay đổi cục diện đối với nhiều quốc đảo ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các khu vực khác, vốn đang vất vả trong việc bảo vệ quyền tài phán trên biển với nguồn lực ít ỏi. Việc trao cho họ khả năng tiếp cận dữ liệu phân tích AI sẽ giúp dân chủ hóa nhận thức hàng hải đối với nhiều người dùng, giảm sự phụ thuộc thông tin vào các nước lớn hoặc trung tâm tích hợp của khu vực.

Một khi được triển khai đầy đủ, sáng kiến của Bộ tứ sẽ chứng tỏ được giá trị của nhóm này trong việc mang lại lợi ích cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ thông tin thôi thì chưa đủ. Nó cần được phối hợp với các năng lực hiệu quả khác, chẳng hạn như tàu và máy bay không người lái, cho phép các nước nhỏ trong khu vực phòng chống các đối tượng xấu trong lĩnh vực hàng hải.

Mạnh Tuân (Tổng hợp)
.
.