Giải quyết triệt để vấn đề ma túy để phòng, chống tội phạm
- Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông
- Bỏ tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma tuý sẽ cản trở công tác phòng, chống tội phạm
- Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường
Bốn đối tượng trong băng nhóm chuyên dàn cảnh đụng xe trộm tài sản, gồm: Triệu Quốc Nhật (tự “Tàu”, 24 tuổi), Đỗ Thanh Việt (18 tuổi, vừa ra tù), Đỗ Thanh Tâm (31 tuổi, anh ruột Việt) và Nguyễn Ngọc Hiếu (40 tuổi, 4 tiền án tiền sự) bị Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3), PC45, Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ vào ngày 12-3-2016 đều là dân thường trú tại quận 4.
Năm đối tượng trong băng nhóm “cưỡng đoạt tài sản”, “trộm cắp tài sản” và “cướp giật tài sản” là Nguyễn Thanh Phú (23 tuổi), Nguyễn Thanh Hòa (27 tuổi), Nguyễn Thanh Quý (25 tuổi); Phan Thanh Đông (19 tuổi) và Nguyễn Cường Phúc (17 tuổi) là dân gốc ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh…
Những kẻ trộm, cướp này đều có nhà có cửa; còn cha mẹ, ông bà chứ không phải vô gia cư, lang thang đầu đường xó chợ. Nhưng vì sao chúng vẫn đi trộm, cướp? Có rất nhiều lý do nhưng chính vẫn là gia đình thiếu quan tâm, dạy dỗ để chúng sa ngã, lún sâu vào ma túy và gây án như là một tất yếu.
Các thành viên băng cướp giật Lê Đoàn Hậu (tự Beo, 30 tuổi) cùng hàng chục đồng bọn trú ở quận 10 đều là con nhà khá giả, ba mẹ là doanh nhân, tiểu thương buôn bán, kinh doanh có tiếng ở quận 10. Nhiều đối tượng trong số này cho biết, hàng tháng, chúng được gia đình chu cấp từ 5-10 triệu đồng gọi là “tiền tiêu vặt”. Do là hàng xóm, biết đám trẻ có tiền nhưng thiếu sự quan tâm của cha mẹ, Lê Đoàn Hậu liền ra sức dụ dỗ để kiếm tiền mua ma túy và ăn chơi.
Hậu tập hợp hàng chục đứa choai choai rồi rủ đi vũ trường, quán bar và dụ chơi ma túy đá. Khi chúng bắt đầu nghiện, Hậu gom tiền của các thành viên trong nhóm để trang bị máy hát nhạc, loa, bộ dụng cụ sử dụng chất ma túy tổng hợp, bình gas dùng để đốt ma túy… rồi thuê phòng ở khách sạn Tân Lộc Thành để cùng nhau… “lắc” và “mây mưa” giữa các đối tượng trong băng. Những cu cậu còn nhỏ tuổi, chưa quan tâm đến chuyện gái trai thì Hậu cho chơi game, đánh bạc cũng ngay trong khách sạn này.
Sau một thời gian ngắn ăn chơi, tiền của cha mẹ cho không còn đủ để tiêu dùng, Hậu huấn luyện các em đi cướp giật. Các “đệ tử” chia thành nhóm nhỏ từ 1-3 đối tượng đi rảo khắp các tuyến đường ở quận 5, 6, 10, 11 để tìm “con mồi” và đã gây ra hơn 40 vụ cướp giật dây chuyền, túi xách. Do thường xuyên tụ tập sống “bầy đàn”, các đối tượng này nói dối với cha mẹ là đã xin được việc làm và phải trực ở công ty. Những đứa trong độ tuổi đi học thì viện cớ sang nhà bạn để cùng học bài hoặc trường tổ chức đi du lịch…
![]() |
Một đối tượng cướp giật bị bắt giữ trên đường phố TP Hồ Chí Minh. |
Đáng buồn là các bậc phụ huynh, vì bận bịu lo chuyện làm giàu đã không quan tâm tìm hiểu. Đến khi con bị bắt họ khóc ròng bảo cứ tưởng quăng cho chúng “một đống tiền” để chúng thoải mái chi tiêu thì chúng sẽ không làm bậy. Họ có biết đâu rằng tiền bạc khó có thể bù đắp được tình thương và sự quan tâm…
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh có đến trên 70% đối tượng trộm, cướp là con nghiện nằm trong số khoảng 20.000 con nghiện trên toàn TP Hồ Chí Minh. Tình hình mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng đa dạng, tinh vi, khép kín. Nếu như trước đây, con nghiện phải tìm đến nơi để mua ma túy thì bây giờ chỉ cần “a lô” là có người mang đến ngay.
Cách đây không lâu, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã bắt giữ một “trùm” bán lẻ heroin di động cho các con nghiện là Trần Thị Nguyên (55 tuổi; 1 tiền án về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”), ngụ phường 4, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Kiểm tra người Nguyên, các trinh sát thu giữ 61 cục heroin, 7 gói ma túy và hơn 40 triệu đồng.
Nguyên khai thị chuyên cung cấp heroin cho các con nghiện là đối tượng trộm, cướp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo phương thức điện thoại đặt hàng rồi hẹn địa điểm giao nhận. Hai đối tượng Lưu Cánh (57 tuổi, ngụ quận 11) và Nguyễn Thành Công (43 tuổi; ngụ quận Tân Bình) cũng hoạt động mua bán ma túy theo kiểu này.
Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện tăng cường các biện pháp đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm ma túy. Trong 3 tháng đầu năm 2016, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khám phá 346 vụ, bắt 535 tên có hành vi mua bán, tàng trữ, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gần 36kg ma túy tổng hợp, gần 1kg heroin, hơn 1,7kg cocain…
Cùng thời điểm, lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm hình sự tổ chức tuần tra, chốt chặn ở các khu vực trọng điểm phát hiện gần 2.000 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, 8 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, 2 vụ trộm tài sản, lập biên bản xử lý 354 đối tượng vi phạm pháp luật về hình sự và tệ nạn xã hội. Ngoài ra Công an TP còn phối hợp lắp đặt camera an ninh trật tự; khảo sát thành lập các câu lạc bộ, nhóm quần chúng phòng chống tội phạm; đề xuất khóa mạng máy di động bị chiếm đoạt…
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong 3 tháng đầu năm 2016 ghi nhận xảy ra 1.305 vụ phạm pháp hình sự, giảm trên 21% so với cùng kỳ. Trong đó cướp giật tài sản xảy ra 253 vụ, giảm 19 vụ; trộm cắp tài sản 686 vụ, giảm 266 vụ…
Tuy nhiên, phát biểu tại “Hội nghị sơ kết về thực hiện kế hoạch phối hợp, tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT sau Tết, chuyển hóa tình hình khu vực vùng giáp ranh ba tỉnh TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương”, lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy phạm pháp hình sự tính chung 3 tháng có giảm nhưng riêng trong tháng 3-2016, số vụ trộm, cướp lại tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ.
Bọn tội phạm không thể “nghỉ ngơi” mỗi khi lên cơn nghiện. TP Hồ Chí Minh truy quét mạnh, chúng sẽ chuyển sang địa bàn lân cận tiếp tục hoạt động. Cho nên, muốn thực sự kéo giảm tội phạm thì phải giải quyết bằng được vấn đề ma túy. Công an đã đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội, đã kiểm tra 17.000 người và phát hiện 11.000 người có kết quả dương tính với chất ma túy.
Tòa án đã ra 5.321 quyết định đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc và đang tiếp tục giải quyết số còn lại. Nếu TP Hồ Chí Minh có thể đưa tất cả con nghiện vào trung tâm thì chắc chắn sẽ giảm tội phạm đáng kể.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, có 2 vướng mắc lớn trong vấn đề này. Thứ nhất, theo Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9-7-2015 quy định, thời gian xác định tình trạng nghiện tối đa không quá 5 ngày là chưa đủ để thực hiện chính xác.
Thứ hai, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 quy định, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với con nghiện có nơi cư trú ổn định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn (thời hạn từ 6-12 tháng) mà vẫn còn nghiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong thời gian nói trên, con nghiện vẫn có thể sử dụng ma túy một cách thoải mái mà không sợ bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.