Những “oan hồn” cây xanh liệu có thể mỉm cười?

Thứ Hai, 02/08/2021, 09:27

Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, đi vào quy củ, phép tắc hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật. Người mắc lỗi, vi phạm, dù đương nhiệm hay đã "hạ cánh" tưởng như an toàn, đều sẽ bị truy cứu những gì họ đã gây ra với dân, với nước... Nên dần dà, không ít những kẻ liên quan đến vụ triệt hạ cây xanh tại Hà Nội 6 năm về trước và lợi dụng việc mua, trồng cây thay thế để trục lợi, đều lần lượt sa lưới pháp luật, dù là trong một số vụ đại án khác.

Hơn 6 năm trước, người dân Hà Nội xôn xao - bức xúc về việc hàng ngàn cây xanh bị đốn hạ ở "cuối nhiệm kỳ" - cũng là lúc "sắp bắt đầu nhiệm kỳ" của một số người liên quan đến việc triệt hạ nhiều cổ thụ - vốn là "chứng nhân" trước bao thăng trầm của vùng đất thiêng, chưa kể nó được ví như những tế bào của lá phổi Thủ đô.

Biết bao cây xanh hàng chục, thậm chí cả trăm năm tuổi bị thẳng tay triệt hạ vì những lí do có vẻ mỹ miều. Nào là phục vụ thi công các công trình giao thông và tuyến đường sắt trên cao; nào là "quy hoạch" lại hệ thống cây xanh để có những tuyến đường, tuyến phố Thủ đô "chuyên đề" về một loài cây...

Đau lòng trước cảnh tan hoang ấy, nhiều vị lão thành, các nhà chuyên môn và người dân rần rần phản đối; báo chí cũng hăng hái vào cuộc. Từ đó, rất nhiều khuất tất trong "chiến dịch triệt hạ cây xanh" khủng khiếp đã bị lật tẩy.

Đúng dịp ấy, có những cơn mưa dông làm bật gốc hàng chục cây non mới được trồng thay thế trên những tuyến phố từng rợp bóng cổ thụ. Đau đớn cho cây và cũng là cho người, rất nhiều gốc cây vẫn còn bọc nguyên trong bao bố, bao nhựa; như thể trồng cho có và mong cây chóng chết để dùng tiền ngân sách thay cây mới đều đặn năm này qua năm khác.

Đau xót không kém, hàng cây Phong lá đỏ từng được ngợi ca "mang vẻ đẹp xứ ôn đới đến với Thủ đô" cũng chỉ lay lắt tồn tại được vài năm rồi…“lìa đời” vì không phù hợp với xứ nhiệt đới nóng ẩm.

Đau đớn và phẫn nộ hơn, đã có những hợp đồng khống bị phanh phui, theo đó, đầu vào - nguồn cung, mỗi cây đánh từ Ba Vì, Phú thọ... vận chuyển về tận nơi trồng chỉ có giá 700 ngàn - 1 triệu đồng/cây, nhưng nó bị nâng khống lên nhiều lần.

Trước thực tế đau xót và áp lực của dư luận, lãnh đạo TP Hà Nội thời điểm đó đã phải chỉ đạo tạm dừng việc chặt cây; đồng thời, trong một thông báo vào ngày 21/7/2015 của UBND TP nêu rõ UBND TP Hà Nội đã kiểm điểm, tự phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thay mặt UBND TP, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch sắp mãn nhiệm, nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu UBND TP để các cơ quan, đơn vị có những thiếu sót, tồn tại trong cải tạo, thay thế cây xanh.

Cũng trong thông báo này, UBND TP Hà Nội đã xem xét, xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND TP phụ trách trực tiếp việc cải tạo thay thế cây xanh và một số người liên quan. Trong đó, một số cán bộ phải kiểm điểm, một số bị giáng chức, cách chức.

Sai phạm tày đình như vậy, nhưng kỷ luật cũng chỉ ở mức "giơ cao đánh khẽ" rồi cùng với thời gian, mọi thứ dần chìm vào quên lãng.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, đi vào quy củ, phép tắc hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật. Người mắc lỗi, vi phạm, dù đương nhiệm hay đã "hạ cánh" tưởng như an toàn, đều sẽ bị truy cứu những gì họ đã gây ra với dân, với nước.

Ông TRỜI quả là có mắt, nên dần dà không ít những kẻ liên quan đến vụ triệt hạ cây xanh và lợi dụng việc mua, trồng cây thay thế để trục lợi, đều lần lượt sa lưới pháp luật, dù là trong một số vụ đại án khác

Và, một buổi chiều đầu thu mát mẻ (1/8/2021), “Bộ Hình” (trực tiếp là Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an) sau một thời gian dày công xác minh, điều tra, đã ra cú đánh trực diện vào vụ triệt hạ, thay thế cây xanh hơn 6 năm về trước tại Hà Nội. Hàng loạt quyết định khởi tố được phê chuẩn, thực hiện và nhiều "con sâu biết đếm tiền" từng gặm nát hàng ngàn cổ thụ hơn 6 năm về trước, đã bị "chuông gọi hồn" với cáo buộc: "Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định trong quá trình thực hiện 2 Hợp đồng số 1343/HĐ-BDT ngày 31/12/2016 và số 1090/HĐ-BDT ngày 31/12/2017 (trong số 15 Hợp đồng giữa Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội), các đối tượng đã nâng khống giá một số loại cây (chủ yếu là cây Chà là và cây Bàng lá nhỏ, trong tổng số trên 17 loại cây theo hợp đồng), gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra còn xác định một số cây trồng mới, thay thế, bổ sung được các đối tượng nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam".

Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng khẳng định, sẽ tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định nhằm thu hồi triệt để tải sản cho Nhà nước.

Hơn 6 năm sau khi hàng ngàn cổ thụ bị triệt hạ, mới có được ngày này.

Những “oan hồn” cổ thụ nay đã có thể mỉm cười?

 Trần Duy Hiển
.
.