Làn sóng bất ổn mới tại Trung Đông
- Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch tấn công người Kurd Syria
- Thổ Nhĩ Kỳ muốn “vẽ lại” bản đồ xung đột Syria?
- Tổng thống Mỹ dọa "xóa sổ" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ
Chiến dịch quân sự bắt đầu với các cuộc không kích và hỗ trợ của pháo binh. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là loại bỏ khủng bố và thiết lập hành lang an toàn ở biên giới phía Nam nước này. Trong khi đó, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích vào các khu vực dân sự và gây ra sự hoảng loạn lớn đối với người dân ở miền Đông Bắc Syria.
Sau khi thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu bằng máy bay chiến đấu và pháo binh, vào cuối ngày 9-10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chuyển sang thực hiện các cuộc tấn công trên bộ. Các mục tiêu bị tấn công tập trung ở thành phố Qamishli và thị trấn Ras al-Ayn và vùng nông thôn Hasaka, nơi chủ yếu do người Kurd kiểm soát.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, tính đến sáng 10-10, các cuộc tấn công trong giai đoạn đầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria đã khiến ít nhất 15 người, trong đó có 8 dân thường thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương. Đến cuối giờ chiều 10-10, Ankara tuyên bố đã chiếm giữ các mục tiêu xác định trước tại Syria.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công nhiều khu vực phía Bắc Syria trong hai ngày đầu của chiến dịch. Ảnh Reuters. |
Động thái này diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 6-10 thông báo rút toàn bộ lực lượng khỏi miền Bắc Syria, động thái được cho là đã “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch tấn công PKK, vốn sát cánh bên Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Mỹ sau đó dùng nhiều lí lẽ giải thích, nhưng nhóm dân quân người Kurd ở Syria vẫn tỏ ra thất vọng và chỉ trích đó là hành động “đâm sau lưng”, đồng thời kêu gọi toàn bộ người dân đoàn kết chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
SDF cũng đánh tiếng đàm phán với Syria và Nga nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ. Đáp lại đề nghị này, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã hoan nghênh người Kurd trở lại bàn đàm phán chính trị. Tuy nhiên, Nga lại khẳng định không can dự vào chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria mà yêu cầu Ankara tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Hôm 9-10, Syria tuyên bố sẽ đáp trả kế hoạch xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Đông Bắc Syria, đồng thời cho biết Damascus phản đối “những ý định thù địch” của Ankara.
Chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đang phải đối mặt với một loạt thách thức khi tình hình kinh tế đất nước đang ngày càng xấu đi, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đang tăng cao. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan đã hứng chịu thất bại trong cuộc bầu cử địa phương tháng 3 vừa qua, đặc biệt tại thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul, khiến uy tín và vị trí của ông lung lay.
Trong khi đó, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng 3,6 triệu người tị nạn Syria mà Ankara đang phải cưu mang chính là gánh nặng kinh tế lớn và việc giải quyết vấn đề này từng là cam kết lúc tranh cử song chưa thực hiện được, khiến đảng của ông Erdogan bị mất rất nhiều phiếu. Chiến dịch tấn công để đánh bật người Kurd ở miền Bắc Syria được coi là “một công, đôi việc,” vừa giúp ông Erdogan khôi phục uy tín, vừa thực hiện được kế hoạch thiết lập khu vực cho người tị nạn Syria hồi hương về đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những mối đe dọa xuất phát từ hành động quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria, gây bất ổn an ninh khu vực, làm xói mòn nỗ lực chống khủng bố, khiến tình hình gia tăng căng thẳng, phá hoại tiến trình hòa bình ở Syria... khiến cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ, cho đây là hành động vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 10-10 để thảo luận về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg ngày 9-10 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có “mối quan ngại về an ninh chính đáng” và hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Bắc Syria phải được kiềm chế và không gây thêm bất ổn cho khu vực. Cùng ngày, Liên đoàn Arab (AL) thông báo sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn vào ngày 12-10 tới tại Cairo (Ai Cập) nhằm thảo luận “cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngày 9-10, tuyến bố Nga ủng hộ giải quyết tất cả vấn đề tại Syria thông qua đối thoại giữa lực lượng người Kurd với chính phủ Syria. Các nước như Pháp, Đức, Australia, Kuwait và Lebanon cũng bày tỏ quan ngại trước động thái này, cảnh báo hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đe dọa đến an ninh và sự ổn định của toàn khu vực, đồng thời, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh các hành động quân sự có thể khiến tình hình trở nên xấu đi...
Đảng Công nhân người Kurd bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vì đã phát động cuộc đấu tranh bạo lực từ năm 1984 nhằm thiết lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính, cuộc xung đột vũ trang liên quan tới PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 thập kỷ qua đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng.
Tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK nhiều lần được khởi động rồi lại bị đình trệ, bất chấp hai bên từng đạt một loạt thỏa thuận ngừng bắn. Kể từ tháng 7-2015, khi thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng giữa hai bên đổ vỡ, Ankara đã tăng cường hoạt động truy quét lực lượng người Kurd.
Ankara lâu nay luôn cho rằng những gì người Kurd đạt được tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập “một nhà nước” của riêng mình, sát vách Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa an ninh của Ankara.
Theo giới quan sát, lực lượng người Kurd ở Syria có khả năng sẽ nhận được sự tiếp viện từ lực lượng người Kurd ở Iraq hay ở Thổ Nhĩ Kỳ để liên kết cùng chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và khi ấy các cuộc giao tranh có nguy lan sang cả nước láng giềng Iraq hay khu vực Trung Đông.
Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống người Kurd ở Đông Bắc Syria còn có thể là khởi đầu của những hoạt động quân sự đáp trả và sự can dự của một số bên, làm phức tạp thêm tình hình an ninh khu vực Trung Đông, kéo theo nhiều hệ quả khó lường hơn nữa.