Leo thang căng thẳng quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba
- Nguy cơ khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Cuba
- Quan hệ Mỹ - Cuba: Liệu có trở về thời kỳ Chiến tranh lạnh?
- Chương mới trong quan hệ Mỹ - Cuba chưa kịp mở đã khép lại
- Bước thụt lùi trong xu thế phát triển quan hệ song phương Mỹ – Cuba
Động thái trên một lần nữa đã khiến quan hệ ngoại giao giữa hai bên vốn không “xuôi chèo mát mái” lại càng trở nên tệ hơn.
CNBC ngày 20-9 (giờ Việt Nam) dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington vừa trục xuất hai thành viên của Phái bộ Thường trực Cuba tại Liên Hợp Quốc, với cáo buộc có các hoạt động ảnh hưởng chống lại nước này.
Cụ thể, thông báo được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đăng tải trên trang Twitter cho hay: "Sau khi hai thành viên trực thuộc Phái bộ Cuba tại Liên Hợp Quốc tham gia vào các hoạt động gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ, chúng tôi đã yêu cầu họ rời khỏi nhiệm sở. Các thành viên khác của Phái bộ Cuba tại Liên Hợp Quốc cũng bị hạn chế tại Manhattan (nơi đặt trụ sở Liên Hợp Quốc).Chúng tôi sẽ tiến hành mọi biện pháp và nỗ lực chống lại các hành vi ảnh hưởng đến an ninh quốc gia một cách nghiêm túc".
Cuba phản đối gay gắt việc Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao tại Phái bộ thường trực Cuba tại Liên Hợp Quốc. Nguồn: Photolia. |
Quyết định nêu trên được Mỹ bất ngờ đưa ra khi các lãnh đạo thế giới chuẩn bị tham dự kỳ họp cấp cao lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Về phía Cuba, Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parillađã ngay lập tức lên tiếng phản đối, đồng thời cáo buộc Mỹ cố tình đẩy căng thẳng giữa hai bên lên một nấc thang mới.
“Việc trục xuất hai nhà ngoại giao của Phái bộ Cuba tại Liên Hợp Quốc và gia tăng hạn chế đi lại với các thành viên là nhằm kích động leo thang ngoại giao, dẫn tới việc đóng cửa các đại sứ quán song phương”, ông Bruno nêu rõ. Không chỉ dừng lại ở một tuyên bố, phía Cuba sau đó đã tiếp tục và kiên quyết bác bỏ “việc trục xuất vô căn cứ” của Washington.
Ông Bruno nhấn mạnh: “Mỹ cáo buộc các nhân viên ngoại giao của Cuba thực hiện các hành động không tương thích với vị thế của một nhà ngoại giao là vu khống. Điều này thể hiện sự vô trách nhiệm, nhằm thắt chặt phong tỏa ngoại giao và kinh tế Cuba”.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai quốc gia châu Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tháng hồi tháng 1-2017. Theo thỏa thuận được thông qua năm 1947, Mỹ có trách nhiệm cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài đến làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ khẳng định nước này có quyền từ chối thị thực cho các nhà ngoại giao vì lý do an ninh và chính sách đối ngoại của chính phủ, dù điều khoản này được thực hiện rất hạn chế. Hiện tại, Liên Hợp Quốc cho biết: “Với tình hình đang diễn ra, chúng tôi sẽ không nêu lên bất cứ bình luận nào. Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ vấn đề này".
Bình luận về nấc thang căng thẳng mới giữa hai bên, CNN dẫn lời giới chuyên gia cho biết, sau nhiều thập kỷ thù địch kể từ thời Chiến tranh Lạnh, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nhiệm kỳ của mình đã tìm cách để bình thường hoá quan hệ với đảo quốc Caribbean bằng việc giảm bớt các giới hạn về thương mại, du lịch và khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Tuy nhiên, quan điểm này của ông Obama lại hoàn toàn ngược lại với những gì mà Chính phủ của Tổng thống Trump đang thực hiện. Hành động nêu trên của Mỹ rõ ràng là nhằm gây áp lực với Cuba, để nước này từ bỏ ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, điều mà Havana tuyên bố sẽ không bao giờ làm.
Không chỉ có vậy, giới học giả nhận định rằng, sự việc trên sẽ đồng thời giúp ích cho chiến dịch tranh cử vị trí tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump, khi mà các chính sách cứng rắn của ông với Cuba và Venezuela được cho là một phần cốt lõi, thu hút sự ủng hộ của các cử tri ở những bang quan trọng, đặc biệt là tại bang Florida.
Hồi tháng 9-2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã lần đầu trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba, sau khi rút nhiều nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Havana về nước, do sự cố sóng âm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân viên nước này. Với cáo buộc này, Mỹ đã siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân nước này làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép người Mỹ gốc Cuba có thể đến thăm gia đình họ tại Cuba.
Trước đó, Washington cũng đã chấm dứt đình chỉ điều 3 luật Helms-Burton, cho phép các công dân Mỹ quốc tịch Cuba cũng như các doanh nghiệp Mỹ có thể khởi kiện các công ty nước ngoài hoạt động trên phần tài sản bị quốc hữu hóa trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba.
Đáp lại, Chính phủ Cuba khẳng định luật Helms-Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba hoàn toàn không có hiệu lực tại đảo quốc Caribean này. Canada và Liên minh châu Âu (EU) sau đó cũng chỉ trích Mỹ về việc chấm dứt đình chỉ điều 3 luật Helms-Burton, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào cho phép công dân Mỹ kiện các công ty nước ngoài kinh doanh tại Cuba, có thể sẽ tạo ra thách thức đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và dẫn đến các hành động phản tố trước tòa án châu Âu.