Liên minh châu Âu và Anh đạt đồng thuận về Brexit

Thứ Bảy, 19/10/2019, 09:28
Ngày 17-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận mới mà Anh và EU vừa đạt được trước đó cùng ngày liên quan tới việc London rời khỏi khối này (còn gọi là Brexit).

Điều này củng cố triển vọng Anh có thể rời khỏi ngôi nhà chung vào ngày 31-10 tới như lịch trình đã định.

Thỏa thuận “vĩ đại”

Theo giới chức cấp cao EU, tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối này ngày 17-10, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa London và Brussels. Chủ tịch Donald Tusk xác nhận thỏa thuận Brexit đang tiến tới “giai đoạn cuối cùng” để mở đường cho Anh rời khỏi mái nhà EU vào ngày 31-10 tới. Để thỏa thuận chính thức có hiệu lực và Anh rời EU, thỏa thuận Brexit mới nói trên giờ đây cần phải có được sự phê chuẩn của Hạ viện Anh và Nghị viện châu Âu (EP).

Ông Donald Tusk cho biết, thay đổi lớn nhất trong các cuộc đàm phán nước rút hai ngày qua là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson chấp nhận điều khoản cho phép kiểm tra thủ tục hải quan khi đi vào Bắc Ireland, thay vì tại biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. 

Trong một thông điệp trên mạng xã hội cá nhân, Chủ tịch EC Donald Tusk bày tỏ hài lòng vì hai bên đạt được một “thỏa thuận ly hôn”, song cho biết ông cảm thấy rất buồn. Ông Tusk chia sẻ: “Trong trái tim tôi, tôi luôn là một người hoài niệm. Tôi hy vọng những người bạn Anh một ngày nào đó sẽ quyết định quay lại. Cánh cửa EU luôn rộng mở”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Clauder Juncker đánh giá thỏa thuận Brexit này sẽ bảo vệ các quyền lợi của công dân EU tại Anh và công dân Anh sống tại châu Âu sau “ly hôn”.

Ông Jean-Clauder Juncker nói: “Điều chúng tôi đạt được còn hơn một thỏa thuận nhiều. Đó là một văn kiện pháp lý cung cấp các qui định pháp lý rõ ràng cho những khúc mắc nảy sinh bởi vấn đề Brexit… Về cơ bản, thỏa thuận này vì người dân và hòa bình. Chúng ta có một văn kiện mới liên quan tới Ireland và Bắc Ireland để bảo vệ hòa bình và ổn định, cũng như bảo vệ thị trường đơn nhất của EU”. 

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Jean-Claude Juncker tuyên bố hai bên đã đạt được một thỏa thuận vĩ đại, một thỏa thuận “công bằng và cân bằng” về vấn đề Brexit. Theo thỏa thuận lịch sử này, Hạ viện Anh sẽ tiến hành bước quan trọng nhất đó là tổ chức một cuộc họp mang ý nghĩa lịch sử vào ngày 19-10 để quyết định việc nước Anh chia tay mái nhà Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Boris Johnson và Chủ tịch Jean-Claude Juncker. Ảnh: Sky News.

Những khó khăn trước mắt

Dù đạt được thỏa thuận Brexit mới với EU, Thủ tướng Boris Johnson vẫn phải đối mặt với cửa ải khó khăn trong nước trong khi còn quá ít thời gian. Bước ngoặt lớn nhất mang đến thỏa thuận này là cuộc gặp kín trước đó đúng 1 tuần giữa Thủ tướng Boris Johnson và người đồng cấp Cộng hòa Ireland Leo Varadkar tại Tây Bắc nước Anh.

Trong cuộc gặp này, ông Boris Johnson đã đưa ra các nhượng bộ quan trọng, đầu tiên là không trao cho đảng Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - đồng minh của Chính phủ Anh tại vùng Bắc Ireland - quyền phủ quyết các vấn đề liên quan đến Bắc Ireland và tiếp theo là vấn đề kiểm tra hải quan ở biên giới. Cũng sau cuộc gặp đó thì ông Leo Varadkar đã đồng ý để EU bước vào các đàm phán sâu hơn với phía Anh.

Vấn đề về thuế VAT được nhắc đến trong thoả thuận mới, theo đó biểu thuế của Vương quốc Anh vẫn sẽ được áp dụng tại Bắc Ireland nhưng hải quan Anh sẽ phải có trách nhiệm thu thuế VAT với các sản phẩm từ một nước thứ 3 đi qua đất Bắc Ireland để tiến vào thị trường châu Âu. Ngoài ra, các mặt hàng được miễn thuế VAT tại CH Ireland cũng sẽ được miễn tại Bắc Ireland.

Đảng DUP chỉ có 10 ghế tại Nghị viện Anh, về lý thuyết là quyền lực không đáng kể. Tuy nhiên, vào tháng 6-2017, Thủ tướng Anh khi đó là bà Theresa May đã có một tính toán sai lầm là tổ chức tổng tuyển cử sớm khiến đảng Bảo thủ đánh mất đa số tuyệt đối tại Hạ viện Anh và buộc phải liên minh với đảng DUP để có đủ đa số. Vì thế, bất cứ sự phản đối nào của DUP cũng có nguy cơ khiến chính phủ của đảng Bảo thủ mất đa số ủng hộ, tức sẽ thất bại khi bỏ phiếu tại Hạ viện Anh. Chính DUP là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thoả thuận Brexit của bà Theresa May 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ.

Ngoài ra, quyền lực của DUP còn nằm ở quan hệ rất mật thiết giữa đảng này với nhóm mang tên là “Nhóm nghiên cứu châu Âu” (ERG), tức là cánh hữu bảo thủ nhất trong đảng Bảo thủ. Nhóm này có hơn 20 ghế trong Hạ viện Anh và hầu như luôn cùng quan điểm với DUP, thậm chí coi ý kiến của DUP là quan trọng nhất. Vì thế, nếu đảng DUP chống lại ông Boris Johnson thì kéo theo đó sẽ có khoảng hơn 20 nghị sĩ khác chống lại.

Bên cạnh đó, ông Boris Johnson phải mang thoả thuận mới đạt được với EU quay trở lại với “cửa ải” Quốc hội. Trừ trường hợp ông Boris Johnson thuyết phục được đảng DUP thay đổi quan điểm, nếu không thì khi đem ra bỏ phiếu tại Hạ viện Anh vào ngày 19-10, thoả thuận Brexit của ông Johnson sẽ phải nhận ít nhất là 10 phiếu chống từ DUP, cộng thêm đồng minh của đảng này.

Tuy nhiên, thực tế là kể cả khi có được sự ủng hộ từ DUP thì theo tính toán, hiện tại ông Boris Johnson vẫn thiếu đến gần 30 phiếu nữa. Lý do là vì vào tháng trước, ông Johnson đã quyết định khai trừ 21 nghị sĩ của đảng Bảo thủ sau khi các nghị sĩ này bỏ phiếu ủng hộ dự luật Benn, tức luật buộc ông Johnson phải đề nghị gia hạn Brexit nếu không có thoả thuận trước ngày 19-10.

Vì vậy, để có được đa số, ông Boris Johnson sẽ phải vừa thuyết phục được đảng DUP, vừa lôi kéo trở lại 21 nghị sĩ đã bị khai trừ và còn phải vận động thêm được một số nghị sĩ khác trong hàng ngũ Công đảng. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, không chỉ bởi ông Johnson có quá ít thời gian (1 ngày) mà còn vì các đảng đối lập vẫn đang chống thoả thuận Brexit mới rất quyết liệt.

Giới phân tích thậm chí cho rằng nếu ông Boris Johnson làm được điều này thì đó sẽ là điều thần kỳ. Do đó, có lẽ chúng ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều biến động tiếp theo của Brexit trên chính trường Anh.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.