NATO tăng hơn 10 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng

Thứ Năm, 16/02/2017, 08:47
Ngày 15-2, tức gần 10 ngày sau khi đạt được sự nhất trí với Mỹ về việc tiếp tục những nỗ lực đảm bảo chia sẻ gánh nặng chi phí một cách công bằng giữa các nước đồng minh trong khối, tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định tăng hơn 10 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng.

Thông tin này đã được đích thân Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận trong khi trả lời báo chí hôm 14-2 xung quanh câu hỏi về phản ứng của khối trước những tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là chúng tôi tăng chi tiêu quốc phòng. Chúng tôi đang thực sự thực hiện lời kêu gọi đó của ông Donald Trump. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi cũng đã nêu vấn đề này ra trong mọi cuộc họp”.

Các thống kê của NATO cũng cho hay, mặc dù một số nước đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong những năm trước đó, nhưng so với năm 2015, tổng chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu thuộc NATO và Canada trong năm 2016 đã tăng khoảng 3,8%, tương đương hơn 10 tỷ USD. Cụ thể, năm 2015, chỉ có Mỹ, Anh, Ba Lan, Hy Lạp và Estonia đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, đến năm 2016, một số quốc gia khác cũng đã tăng chi tiêu cho quốc phòng như Latvia, Litva, Romania. Năm 2017, Bulgaria và Đức cũng đang trong quá trình tăng chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng.

Tin từ hãng Reuters cho hay, hôm 10-2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ James Mattis tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) cũng đã gọi lời kêu gọi các đối tác NATO của Mỹ tăng đóng góp ngân sách cho liên minh quân sự là “một đòi hỏi chính đáng”. Đồng thời, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng bày tỏ nhất trí rằng nhiều vấn đề quốc tế sẽ không thể giải quyết được nếu thiếu Nga.

Theo các nhà phân tích, những tuyên bố nói trên của Tổng thư ký NATO và Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này đã khiến cho bầu không khí của cuộc họp thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussels, Bỉ trong 2 ngày 15 và 16 tháng 2 trở nên “nhẹ nhàng” hơn. Đây là cuộc họp được cho là quan trọng bởi lần đầu tiên có sự tham dự của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Mỹ đang triển khai kế hoạch đưa gần 100 trực thăng đến căn cứ của NATO tại Đức. Ảnh: Reuters.

Hãng CNN nhận định, chuyến đi này của ông James Mattis nhằm nhấn mạnh các cam kết của Mỹ đối với NATO cũng như trong cuộc chiến để đánh bại những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trước chuyến đi, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã khẳng định, Mỹ sẽ vẫn hành động có trách nhiệm với NATO.

Còn tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nhấn mạnh, Mỹ sẽ “gắn bó” với NATO mặc dù trước đó, khi còn tranh cử và trong những ngày đầu nhậm chức, ông từng nói rằng NATO đã “lỗi thời” và Mỹ nên giảm sự hỗ trợ cho liên minh quân sự này. Bình luận này của ông Donald Trump từng khiến một số thành viên NATO (những nước đã giảm chi tiêu quốc phòng trong nhiều năm) lo ngại.

Nhưng trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tháng, ông Donald Trump lại nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục những nỗ lực đảm bảo chia sẻ gánh nặng chi phí một cách công bằng giữa các nước đồng minh trong khối. Chưa hết, tân Tổng thống Mỹ còn đảm bảo sẽ ủng hộ NATO trong phương pháp song song tiếp cận Nga gồm phòng thủ và đối thoại. Ông Donald Trump cũng đồng ý tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức vào tháng 5 tới.

Trước mắt, Mỹ sẽ hỗ trợ NATO thực hiện cuộc gặp giữa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức từ ngày 17 đến 19 tháng 2. Mối quan hệ Nga-NATO thời gia qua rất căng thẳng do liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Hoạt động của Hội đồng NATO-Nga đã bị đình chỉ từ năm 2014 và mới được mở lại từ tháng 4 năm 2016. Trong quãng thời gian đó, quan hệ Nga-Mỹ cũng trải qua nhiều sóng gió nhưng đến nay, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ đặt vấn đề nối lại quan hệ với Nga thành “ưu tiên hàng đầu”.

Gia Nam
.
.