(NÓNG TRONG TUẦN) Mỹ doạ không kích Syria, Thổ Nhĩ Kỳ quyết đưa S-400 Nga vào biên chế

Thứ Hai, 03/09/2018, 09:16
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đe doạ không kích Syria vì nghi án vũ khí hoá học; trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tái nhấn mạnh quyết tâm đưa S-400 vào biên chế, bất chấp lời đe doạ của Washington.

Syria đối mặt đòn tập kích của Mỹ

Mỹ trong tuần qua tái nhấn mạnh sẽ không kích Syria như những lần trước đó nếu phát hiện bất cứ vụ tấn công hoá học nào xảy ra trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông.

Trong khi đó, các quan chức Nga cảnh báo, một vụ tấn công hóa học giả mạo được các tay súng phiến quân ở Idlib, với sự trợ giúp từ các nước phương Tây, dàn dựng sẽ xảy ra như cái cớ cho một đòn tập kích quy mô lớn nhằm vào Damascus.

Các vệt khói, lửa trên bầu trời gần căn cứ Mezzeh sau nghi án Israel tấn công đêm 1-9. Ảnh: AP

Moscow cho hay, Mỹ cùng các đồng minh đã tăng cường lực lượng gần Syria với ít nhất 70 phương tiện cơ giới và 380 tên lửa hành trình để có thể sẵn sàng cho một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Syria trong vòng 24 giờ.

Nga cũng đã tăng cường hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải với quy mô chưa từng có kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria hồi tháng 9-2015. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận 25 tàu chiến, 30 máy bay, trong đó có máy bay ném bom Tu-160, máy bay chống ngầm Il-38, máy bay chiến đấu Su-33, Su-30SM để tập trận gần Syria.

Hôm 1-9, căn cứ không quân Mezzeh của Syria bất ngờ rung chuyển vì một vụ nổ. Các nguồn tin nói rằng Mezzeh đã bị Israel không kích, còn Damascus nói rằng vụ nổ xuất phát từ đám cháy gần kho vũ khí do chập điện.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400

Trong bối cảnh Trung Đông ngày càng có nhiều biến động, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây nói rằng nước này không cần phải xin phép Mỹ để được quyền mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Một hệ thống S-400. Ảnh: TASS

Ông Erdogan cũng nói rằng Ankara đang thúc đẩy để nhận được hệ thống tên lửa S-400 từ Nga càng nhanh càng tốt. 

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga năm ngoái đã thông qua vụ mua bán một loạt tổ hợp S-400 Triumf trong hợp đồng trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Hồi tháng 4, Nga-Thổ đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ bàn giao S-400. Moscow thậm chí đã chuyển giao các bộ phận dự phòng, hệ thống radar, trạm chỉ huy và các phương tiện hỗ trợ tới Ankara.

Thương vụ này bị Mỹ phản đối kịch liệt. Washington bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch triển khai S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có thể tạo ra nguy cơ đối với một số vũ khí do Mỹ chế tạo, bao gồm cả tiêm kích tàng hình F-35. Washington gần đây cũng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Ankara, làm lung lay mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Ông Trump doạ rút WTO, không dự APEC 2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-8 lại gây sốc khi cho biết ông sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu Mỹ không được đối xử tốt hơn. Ông đồng thời công kích hệ thống thương mại quốc tế là thiếu công bằng với Mỹ.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Khả năng Mỹ rút khỏi WTO, theo các chuyên gia, sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn nhiều so với "cuộc chiến thương mại" đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Tháng trước, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ gặp nhiều bất lợi với việc bị WTO đối xử "rất tồi tệ" trong nhiều năm, đồng thời cho rằng tổ chức này nên "thay đổi phương pháp".

Trong khi đó, hôm 31-8, Nhà Trắng lại cho biết Tổng thống Trump sẽ vắng mặt tại thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC). Người dự sự kiện này thay ông Trump là Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.

Từ khi nhậm chức, ông Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều thoả thuận đa phương, đồng thời tuyên bố ông muốn tìm kiếm các thoả thuận song phương, nơi Washington được đối xử công bằng hơn.

Thủ lĩnh ly khai Ukraine bị ám sát

Alexander Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) ở miền Đông Ukraine, thiệt mạng sau khi một quả bom được cài trong xe gần quán cà phê mà ông đang ngồi, phát nổ hôm 31-8.  

Hiện chưa rõ bên nào đứng sau vụ ám sát nhằm cào thủ lĩnh ly khai Alexander Zakharchenko. Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ việc, Kiev lại bác bỏ. Giới chức DPR nói rằng các kẻ tình nghi đã bị bắt giam để điều tra.

Alexander Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR). Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ ám sát là hành động “ném đá giấu tay hèn nhát”, làm mất ổn định nền hòa bình mong manh tại khu vực. Tổng thống Putin cũng gửi lời chia buồn tới gia quyến của ông Zakharchenko.

Ông Zakharchenko, 43 tuổi, trở thành lãnh đạo phe ly khai ở miền Đông Ukraine hồi tháng 10-2014 sau cuộc khủng hoảng nổ ra tại quốc gia Đông Âu này, khiến cựu Tổng thống Yanukovich bị lật đổ và người nói tiếng Nga bị đàn áp.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, 10.000 Ukraine đã thiệt mạng từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2014. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng là nguyên nhân chính thức của các đòn trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.

Saudi Arabia đào kênh biến Qatar thành đảo

Saudi Arabia sẽ đầu tư khoảng 750 triệu USD để đào một con kênh khổng lồ ở khu vực biên giới giữa nước này và Qatar, theo đó biến quốc gia láng giềng thành một hòn đảo riêng biệt.

Vị trí con kênh mà Saudi Arabia muốn đào. Ảnh: ITN

Theo nguồn tin, con kênh sẽ dài 60 km và rộng 200 m, sâu khoảng 15-20 m, với chi phí ước tính khoảng 746 triệu USD, được xây cách biên giới Qatar hơn 1km. Nếu dự án này được hoàn thành, Qatar đang từ một bán đảo, chỉ tiếp giáp với Saudi Arabia qua biên giới đất liền, sẽ biến thành một quốc đảo.

Kế hoạch bất ngờ của Ryiadh được công bố trong bối cảnh căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng, dẫn đầu bởi Saudi Arabia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra từ tháng 6 năm ngoái, Saudi Arabia đã phong toả toàn bộ đường biên trên đất liền với Qatar.

Tàu cá Anh - Pháp đâm nhau trên biển

Hàng chục tàu cá Pháp đã bao vây và tấn công ngư dân Anh ngoài khơi bờ biển Normandy do tranh chấp khai thác hải sản trên vùng biển nổi tiếng về sò điệp hôm 28-8, Reuters đưa tin.

Hình ảnh ghi lại cho thấy một tàu cá Anh đã bị đâm nhiều lần, trong khi thủy thủ Pháp ném gạch đá về phía tàu đối phương. Một tàu cá Pháp thậm chí bắn đạn khói và pháo sáng về phía tàu cá Anh.


Tàu cá Anh - Pháp đâm nhau trên biển vì mâu thuẫn. Video: Euronews

Xung đột giữa ngư dân Anh - Pháp tại vịnh Siene, ngoài khơi Normandy, đã âm ỉ suốt hơn một thâp kỷ và ngày càng căng thẳng trong những năm trở lại đây vì lượng tàu cá Anh tới đánh bắt tại khu vực này tăng lên nhanh chóng.

Theo luật của Pháp, ngư dân nước này bị áp đặt sản lượng hải sản tối đa và thời gian đánh bắt trong một năm để bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển. Tàu cá Pháp chỉ được phép khai thác, chủ yếu là sò điệp trong 6 tháng của năm.

Trong khi đó, luật pháp của Anh không có quy định nào về hạn chế sản lượng hay thời gian đánh bắt của ngư dân. Nhiều năm qua, ngư dân Pháp cáo buộc tàu cá Anh tham lam khi đã cố tình đánh bắt hải sản chính vùng biển của người Pháp. 

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.