Nguy cơ xung đột quân sự hiện hữu sau sự cố trên Vịnh Oman

Thứ Ba, 18/06/2019, 07:22
Nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang mới ở Vùng Vịnh ngày càng trở nên đáng lo ngại, khi Mỹ tuyên bố có thể tiến hành các động thái quân sự chống lại Iran sau sự cố hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman.


Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho đài CBSNews phát sóng ngày 17-6 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đang cân nhắc “hàng loạt phương án” để đối phó với Iran sau khi cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13-6. 

Khi được hỏi liệu động thái quân sự có phải là một trong những lựa chọn hay không, ông Pompeo lập tức khẳng định: “Tất nhiên là có”. “Tổng thống Trump sẽ cân nhắc tất cả mọi thứ mà chúng tôi cần làm để đảm bảo khả năng răn đe Iran. Chúng tôi không muốn Iran có vũ khí hạt nhân”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thêm, dù cam đoan nước này không muốn dấn thân vào một cuộc xung đột vũ trang với Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công tàu dầu trên Vịnh Oman. Ảnh: Getty Images

Phát biểu của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang tăng nhiệt tại Vùng Vịnh, nơi hai tàu chở dầu Kokura Courageous của Nhật Bản và Front Altair của Na Uy bị tấn công trên Vịnh Oman gần eo biển Hormuz chiến lược. 

Vài giờ sau sự cố này, chính Ngoại trưởng Pompeo là người đầu tiên lên tiếng đổ lỗi cho Iran, viện dẫn các thông tin tình báo, các vũ khí được sử dụng, mức độ thành thạo khi tấn công và những vụ việc từng xảy ra trong quá khứ. 

Phía Mỹ đồng thời công bố video ghi lại cảnh mà nước này cho là các thủy thủ Iran gỡ thủy lôi từ một trong hai tàu dầu bị tấn công. Tuy nhiên, chất lượng đoạn video và nội dung của nó đang bị đặt dấu hỏi về tính xác thực.

Trong cuộc phỏng vấn khác với đài Fox News trong ngày 16-6, ông Pompeo một lần nữa cáo buộc Iran “chắc chắn” đã tiến hành cuộc tấn công trên với “mục đích rõ ràng nhằm ngăn cản việc đi lại qua eo biển Hormuz”, tuyến đường trung chuyển 15% tổng lượng dầu thô toàn cầu, hay hơn 30% lượng dầu thô thế giới được vận chuyển bằng đường biển.

Để tăng cường sức ép lên Iran, CNN cùng ngày dẫn thông báo của quan chức Chính phủ Mỹ cho biết nhóm cố vấn an ninh của Tổng thống Trump đang chuẩn bị họp bàn về khả năng triển khai thêm lực lượng quân sự tới Trung Đông.

Mỹ hiện duy trì một hạm đội tàu sân bay tấn công cách không xa bờ biển Iran, song quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cuối tuần trước khẳng định Mỹ “rõ ràng phải lên kế hoạch dự phòng trường hợp tình hình xấu đi”, tức đề cập tới khả năng triển khai thêm vũ khí đến khu vực. 

Theo CNN, cuộc họp của nhóm cố vấn Nhà Trắng sẽ tập trung vào việc “răn đe và phòng thủ trước mối đe dọa” từ Tehran. Quan chức Mỹ cũng tiết lộ rằng các đơn vị bộ binh sẽ không nằm trong diện xem xét triển khai, nhưng các khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot, tiêm kích chiến đấu và tàu tên lửa được coi là “giải pháp răn đe hiệu quả”.

Trước các động thái cứng rắn từ phía Mỹ, Iran đến nay luôn bác bỏ dính líu đến vụ tấn công tàu dầu trên Vịnh Oman ở mọi cấp độ, đồng thời kêu gọi điều tra để xác định kẻ đứng sau. 

Trong tuyên bố đầy bất ngờ hôm 17-6, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani thậm chí “tố ngược” Mỹ, cho rằng chính Washington đã thực hiện “hành vi phá hoại” nhằm vào hai tàu chở dầu để đổ lỗi và gây sức ép chống lại nước này. 

“Những hành động đáng ngờ chống lại tàu chở dầu (trên Vịnh Oman) dường như bổ sung cho các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran vì (Mỹ) hiểu rằng họ không đạt được bất kỳ kết quả nào từ các lệnh trừng phạt”, ông Ali Larijani phát biểu trước các nghị sĩ Iran.

Tính đến nay, các nước đều lên án vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu của Nhật Bản và Na Uy. Tuy vậy, nhiều nước đã đặt dấu hỏi về động cơ thực sự của vụ việc, đồng thời cho rằng phải điều tra để xác định rõ bên chịu trách nhiệm, thay vì lập tức buộc tội một bên nào đó.

Trong phát ngôn bày tỏ lo ngại tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16-6 cho hay các sự cố trên rõ ràng “có thể làm suy yếu nền tảng của kinh tế thế giới”.

Ông Peskov tuyên bố Nga kêu gọi các bên “đánh giá tình hình một cách tỉnh táo, chờ đợi bằng chứng đủ sức thuyết phục xuất hiện” và rằng nước này sẽ không thể chấp nhận “những cáo buộc vô căn cứ trong tình huống này”. “Moscow lên án mạnh mẽ vụ tấn công nhưng cảnh báo các bên không đưa ra kết luận vội vàng”, ông Peskov nói thêm. 

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi một cuộc điều tra độc lập. “Điều quan trọng là chúng ta cần phải biết sự thật và trách nhiệm của các bên phải được làm rõ”, ông Guterres nói.

Từ phía các quốc gia đồng minh với Mỹ, bất chấp việc đích thân Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cáo buộc Iran, chỉ có Anh và Israel cùng Arab Saudi – đối thủ chính của Iran ở Trung Đông – bày tỏ sự đồng tình với Mỹ. Các bên còn lại thể hiện sự thận trọng trước bằng chứng mà Washington công bố. 

Hôm 16-6, SCMP dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản nói rằng Tokyo chưa cảm thấy lý giải của Mỹ đủ thuyết phục để cáo buộc Iran, khi mà vụ tấn công đã xảy ra đúng lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đối thoại với giới lãnh đạo Tehran.

Truyền thông Nhật Bản cuối tuần trước cũng dẫn lời thủy thủ Nhật Bản trên tàu Kokura Courageous cho rằng họ đã nhìn thấy thiết bị bay chưa rõ nguồn gốc khi bị tấn công và cho rằng tàu của họ không bị phá hoại bởi thủy lôi hay ngư lôi như nhận định của Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức thì tỏ ra hoài nghi với video mà Mỹ cung cấp, nhấn mạnh rằng điều này chưa đủ để Berlin đưa ra đánh giá. Pháp, một đồng minh khác của Mỹ ở châu Âu, cũng không đưa ra cáo buộc nào nhằm vào Iran. 

Ở quy mô khu vực, Liên minh châu Âu (EU) phát đi tuyên bố kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa” trước nguy cơ căng thẳng bùng phát thành một cuộc xung đột vũ trang.

Trong diễn biến liên quan căng thẳng giữa Mỹ và Iran, sau khi Washington tháng 5-2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) ngày 17-6 thông báo giảm bớt cam kết của Tehran trong khuôn khổ thỏa thuận, bao gồm việc tăng ngưỡng làm giàu uranium và tăng lượng nước nặng tại khu liên hợp hạt nhân Arak. Đây là các thành tố chính phục vụ việc chế tạo nhiên liệu hạt nhân.

Từ tháng 5, Tehran đã bắt đầu dừng thực thi một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận vốn được ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015. Hành động này được cho là sẽ khiến Iran vấp phải phản ứng mạnh từ phía Mỹ và các nước châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công tàu dầu trên Vịnh Oman. Ảnh: Getty Images
Thiện Nhân
.
.