Nhiệm vụ mới của quân Mỹ tại Iraq

Thứ Ba, 27/07/2021, 08:43
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/7 cho biết nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ tại Iraq sẽ kết thúc vào cuối năm, một tuyên bố phản ánh thực tế chiến trường hơn là một sự thay đổi về chiến lược của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi. Ảnh AP. 

Trước khi ông Biden nhậm chức, trọng tâm của Mỹ tại Iraq là đào tạo lực lượng an ninh thay vì chiến đấu. Ông Biden cũng không nói đến thời điểm giảm quân số tại Iraq, hiện tại đang ở mức 2.500.

Thông báo này được đưa ra sau quyết định rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan của ông Biden, gần 20 năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến để đáp trả các cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq trở thành một gánh nặng về ngân sách quốc phòng của Mỹ và khiến quân đội Mỹ không thể dành nhiều sự chú ý đến một Trung Quốc đang trỗi dậy, điều mà chính quyền Biden coi là thách thức an ninh dài hạn lớn nhất.

Trong nhiều năm, quân đội Mỹ đã đóng vai trò hỗ trợ ở Iraq và ở nước láng giềng Syria, nơi tổ chức khủng bố IS trỗi dậy, tràn qua biên giới vào năm 2014 và đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ Iraq, khiến Mỹ đưa quân trở lại Iraq vào năm đó.

Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, ông Biden cho biết chính quyền của ông vẫn cam kết là đối tác với Iraq - một mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp bởi hoạt động của các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn. Lực lượng dân quân muốn tất cả quân đội Mỹ rời khỏi Iraq ngay lập tức và đã định kỳ tấn công các căn cứ có quân đội Mỹ, theo AP.

Ông Biden cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống lại nhóm IS. Một tuyên bố chung giữa Mỹ và Iraq cho biết mối quan hệ an ninh sẽ tập trung vào đào tạo, cố vấn và chia sẻ thông tin tình báo.

Sự chuyển đổi từ vai trò chiến đấu của Mỹ sang một vai trò tập trung vào huấn luyện và cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq đã được công bố vào tháng 4, khi một tuyên bố chung giữa Mỹ và Iraq cho biết sự chuyển đổi này tạo điều kiện cho việc rút lực lượng chiến đấu còn lại Mỹ khỏi Iraq theo thời gian chưa xác định.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo ngày 26/7 từ chối cho biết có bao nhiêu quân sẽ ở lại Iraq vào cuối năm nay. Bà này cho biết, số quân ở lại sẽ phụ thuộc vào sứ mệnh theo từng thời kỳ.

Từ cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump đã quyết định giảm số quân từ 3.000 xuống 2.500, và số quân này vẫn được duy trì cho đến nay.  

Dù chính phủ Iraq tuyên bố giành chiến thắng trước IS từ năm 2017, tuy vậy, nhóm khủng bố này vẫn có thể tiến hành các vụ tấn công gây thương vong cao. Tuần trước, nhóm này đã nhận trách nhiệm đối với một vụ đánh bom khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương tại một khu chợ sầm uất ở ngoại ô Baghdad.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng al-Kadhimi cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ trong thời gian qua. Tại Iraq, ông al-Kadhimi gặp không ít khó khăn. Các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn hoạt động bên trong Iraq đã tăng cường các cuộc tấn công chống lại lực lượng Mỹ trong những tháng gần đây, và một loạt vụ cháy bệnh viện kinh hoàng khiến hàng chục người chết và số ca nhiễm COVID-19 tăng cao khiến người dân thất vọng nặng nề.

Đối với ông al-Kadhimi, việc có thể đảm bảo sự rút lui của quân đội Mỹ có thể sẽ là một chiến công trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 10 này.

Các quan chức chính quyền Biden cũng cho rằng ông al-Kadhimi cũng xứng đáng được ghi nhận vì đã cải thiện vị thế của Iraq tại Trung Đông. Tháng trước, Vua Abdullah II của Jordan và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã đến thăm Baghdad để họp chung - lần đầu tiên một tổng thống Ai Cập thăm chính thức Iraq kể từ những năm 1990 khi căng thẳng ngoại giao diễn ra.

Thủ tướng Iraq đã nói rõ trước chuyến công du tới Washington rằng ông tin rằng đã đến lúc Mỹ kết thúc sứ mệnh tại Iraq.

Duy Tiến (Theo AP)
.
.