Pháp “chìm sâu” trong khủng hoảng vì chính sách cải cách hưu trí

Thứ Năm, 19/12/2019, 09:03
Tuyên bố quyết tâm thực hiện chính sách cải cách hệ thống lương hưu của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 17-12 (giờ địa phương) vừa qua khiến làn sóng phản đối của những người biểu tình nhằm hối thúc chính phủ từ bỏ chương trình này ngày càng gia tăng.


Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Thủ tướng Philippe khẳng định việc các tổ chức công đoàn phản đối kế hoạch trên là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, ông Philippe nhấn mạnh ông và chính phủ đã công bố chi tiết kế hoạch và sẽ quyết tâm cải cách hệ thống lương hưu và đạt mục tiêu cân bằng ngân sách, bất chấp việc ông Jean-Paul Delevoye, cao ủy phụ trách soạn thảo kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ Pháp vừa từ chức. 

Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye khẳng định, việc ông Jean-Paul Delevoye từ chức không liên quan tới kế hoạch cải cách lương hưu và Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục bảo vệ chương trình này. 

Ngày 18-12, nghị sĩLaurent Pietraszewski đã được bổ nhiệm thay thế ông Jean-Paul Delevoye đảm nhận nhiệm vụ nối lại các cuộc đàm phán với các công đoàn sau hơn mười ba ngày đình công, và nó thực sự “khó khăn”, theo tờ Le Monde.

Tháp Eiffel - công trình biểu tượng nổi tiếng nhất tại Paris phải đóng cửa hôm 17-12 do nhân viênđình công. Ảnh: AP

Tuyên bố của Thủ tướng Pháp Edouard Philippetrong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã bước sang ngày thứ 13. 

Ngày 17-12, hàng chục nghìn người trên cả nước đã xuống đường biểu tình khiến du lịch và các dịch vụ công cộng trên khắp nước Pháp bị gián đoạn. 

Đã có hơn 50% các tuyến xe điện ngầm của thành phố Paris tạm dừng hoạt động và các tuyến tàu hỏa ở khu ngoại ô, tuyến tàu liên vận quốc tế cũng như các dịch vụ hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Bộ Nội vụ cho biết khoảng 615.000 người tham gia hơn 100 cuộc biểu tình trên cả nước vào ngày 17-12, trong đó có 76.000 người tại Paris, nơi cảnh sát bắt giữ 30 người. 

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) cho hay khoảng 1,8 triệu người tham gia biểu tình, cao hơn con số 1,5 triệu người tham gia vào biểu tình ngày 5-12. Những người biểu tình đa số là nhân viên là việc ngành công cộng, như nhân viên lái tàu, giáo viên, nhân viên y tế…, những người lo ngại sẽ bị kéo dài tuổi lao động với mức lương hưu thấp hơn. 

Ngay cả Tháp Eiffel - công trình biểu tượng nổi tiếng nhất tại kinh đôánh sáng Paris cũng đã phải đóng cửa hôm 17-12 do nhân viên đình công. 

Cảnh sát cho biết đã triển khai thêm lực lượng trên toàn thành phố để bảo vệ người dân và tài sản khỏi các trường hợp bạo lực có thể xảy ra.

Các công đoàn Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục phát động cuộc biểu tình quy mô lớn trong thời gian tới và muốn kéo dài cuộc biểu tình này qua lễ Giáng Sinh, như tạo một “vết cứa” sâu hơn vào nỗ lực cải tổ đất nước của Tổng thống Macron, với lời hứa rằng ông sẽ mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ nhất trong mô hình xã hội và hệ thống phúc lợi Pháp kể từ thời hậu chiến.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp ngày 5-12 xuất phát từ việc những người lao động Pháp phản đối chính sách cải cách hưu trí mà chính phủ Pháp đang dự định tiến hành. 

Theo cải cách này, nước Pháp sẽ xoá bỏ hơn 42 chế độ hưu trí khác nhau trong các ngành nghề để xây dựng một chế độ hưu trí tổng thể duy nhất cho tất cả mọi người lao động. 

Theo dự luật cải cách lương hưu chi tiếtđược Thủ tướng Phillipe ngày 11-12 công bố, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước. Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm. 

Thủ tướng Pháp cho biết, dự luật này có lợi cho phụ nữ vì sẽ nhận 100% lương trong thời gian nghỉ sinh con và trợ cấp hưu trí sẽ được tính từ con đầu, chứ không phải từ con thứ ba như hệ thống lương hưu hiện nay. Người lao động nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu sớm hơn hai năm, tức là ở tuổi 60. Mức lương tối thiểu sẽ là 1.000 euro và lương hưu sẽ được tính theo mức lương tối thiểu, khi đó người nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương tối thiểu 85%.

Theo các nhà phân tích, dự luật cải cách lương hưu vừa được công bố đã cho thấy có một số nhượng bộ của Chính phủ Pháp đối với các cuộc đình công rầm rộ của người dân kéo dài trong nhiều ngày qua. 

Thế nhưng, các tổ chức công đoàn vẫn cho rằng, tất cả người lao động sẽ bị thiệt thòi từ cải cách lương hưu và chính phủ chưa có các biện pháp cụ thể, còn mập mờ để bảo đảm sự công bằng, trong đó nhấn mạnh việc dự luật đã hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công), đồng thời phản đối kế hoạch kéo dài tuổi lao động của chính phủ.

Có thể nói, việc đất nước liên tiếp “chìm sâu” trong khủng hoảng những ngày qua đã khiến bài toán về cải cách lương hưu của ông Macron ngày càng khó khăn trong việc tìm lời giải, nhất là trong bối cảnh nước Pháp vừa đắm chìm trong chuỗi ngày biểu tình của phe áo Ghi lê vàng, khiến căng thẳng giữa tầng lớp lao động Pháp với chính phủ nước này ngày càng hằn sâu.

Hồ Thiên (Tổng hợp)
.
.