Triển vọng mới cho tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông

Thứ Năm, 22/02/2018, 08:21
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley ngày 20-2 (giờ địa phương) cho biết, Mỹ sẵn sàng đàm phán về hòa bình Trung Đông với Palestine. Tuyên bố này được đưa ra cùng ngày với bài phát biểu hiếm hoi của Tổng thống Mahmoud Abbas tại LHQ kêu gọi cơ chế đa phương mới về hòa bình Trung Đông.


Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 20-2, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley khẳng định Mỹ "sẵn sàng đàm phán" về hòa bình Trung Đông với người Palestine. "Các nhà thương thuyết đang ngồi ngay phía sau tôi sẵn sàng đàm phán. Song chúng tôi sẽ không đuổi theo các ông.

Ngài Tổng thống, sự lựa chọn thuộc về ông", bà nói, hướng đến Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Và quả thực, tại phòng họp của Hội đồng Bảo an lúc ấy, phía sau lưng của bà Haley, chính là con rể, đồng thời là Cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump, ông Jared Kushner, và phái viên của Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt - những người đang hoạch định một kế hoạch hòa bình mới. Song, bà Nikki Haley không đưa ra một kế hoạch cụ thể nào.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Raffel cho biết, Washington sẽ đưa ra một kế hoạch hòa bình khi hoàn thiện và đúng thời điểm. Các nhà quan sát cho rằng, những diễn biến gần đây liên quan tới tình hình Syria nói riêng và Trung Đông nói chung đã cho thấy Mỹ đang mất đi các lợi ích và vai trò của nước này dường như mờ nhạt dần trong việc giải quyết một số điểm nóng khu vực, nhất là vấn đề Israel-Palestine. Vì thế, đề nghị sẵn sàng đàm phán là một cách để Mỹ dần lấy lại vai trò trung gian và vị thế của mình tại khu vực này.

Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Abbas không có mặt tại phòng họp để nghe bà Haley phát biểu, ông đến phòng họp rất muộn và cũng rời đi nhanh chóng sau một bài phát biểu hiếm hoi của mình và tránh tiếp xúc với các đại diện của phía Mỹ.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu tại phiên họp diễn ra ngày 20-2 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: AP

Không phải chờ đến lúc này Mỹ mới đưa ra những động thái mới nhằm cải thiện vai trò của mình trong tiến trình hòa bình Trung Đông.  Ngày 16-2, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kết thúc chuyến công du kéo dài gần một tuần tới 5 nước Trung Đông, gồm: Ai Cập, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Kuwait. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra sau 2 tháng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và thông báo Mỹ sẽ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem.

Tại Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Washington duy trì cam kết hướng tới việc đạt được nền hòa bình lâu dài tại Trung Đông giữa Israel và Palestine. Còn tại Kuwait, Ngoại trưởng Tillerson công khai bày tỏ hy vọng chính quyền Palestine sẽ nối lại liên hệ với Mỹ để tìm kiếm một kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine.

Rõ ràng chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Arab đối với kế hoạch hòa bình sắp tới của Mỹ. Nói cách khác, Mỹ đang tìm cách giành lại vai trò vốn đang bị xói mòn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Palestine kêu gọi cơ chế đa phương mới

Cũng tại phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra ngày 20-2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế vào giữa năm 2018, mà theo ABC News, là để mở đường cho một nhà nước Palestine và phát động một tiến trình hòa bình Trung Đông mới với nhiều thành phần tham gia hơn.

Trong bài phát biểu hiếm hoi trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Abbas nói: "Ngày nay, sẽ chẳng có một quốc gia nào có thể giải quyết xung đột khu vực hoặc quốc tế mà không có sự tham gia của những đối tác quốc tế khác", SCMP dẫn lời.

"Để giải quyết vấn đề Palestine, chúng ta cần thiết phải thiết lập một cơ chế quốc tế đa phương hòa bình được khởi nguồn từ các hội nghị quốc tế", ông nhấn mạnh. Từ đó, Tổng thống Palestine đề xuất một hội nghị quốc tế nên bao gồm người Palestine, Israel, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc. Ông gọi đây là "kế hoạch hòa bình" nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán Israel-Palestine đang bế tắc với thể thức trung gian hòa giải quốc tế mới - trong đó Mỹ sẽ có ít ảnh hưởng hơn.

Điều này xuất phát từ một thực tế rằng, kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel, người Palestine đã không còn coi Washington là nhà đàm phán trung lập. Tổng thống Abbas đã từ chối mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Washington công nhận Jerusalem là thủ đô Israel hồi tháng 12 năm ngoái.

Palestine cho rằng, quyết định của Mỹ đã phá vỡ nỗ lực ngoại giao quốc tế trong nhiều năm qua, khi phủ nhận yêu cầu của nước này về việc công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Đồng thời, Tổng thống Palestine Abbas đã xúc tiến nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới, mà gần đây nhất là Nga và Ấn Độ, nhằm tìm kiếm cơ chế quốc tế đa phương bảo trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình với Israel sau khi tiến trình này bị đóng băng từ năm 2014.

Chỉ một ngày sau chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ bắt đầu, hôm 12-2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tới thăm Nga, mang theo hi vọng rằng Nga và Tổng thống Putin có thể đóng vai trò nhiều hơn trong một “cơ chế quốc tế đa phương” để đem lại hòa bình “thực sự” giữa Palestine và Israel. Trước đó, ngày 10-2 vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi nhà lãnh đạo Ấn Độ tới thăm nước này.

Tại cuộc gặp này, Tổng thống Palestine khẳng định, việc xây dựng một cơ chế đa phương theo một công ước hòa bình quốc tế là cách thức lý tưởng nhất cho các cuộc thương lượng với Israel.

Có thể nói, việc Tổng thống Abbas đưa ra một kế hoạch hòa bình trong đó Mỹ sẽ có ít ảnh hưởng hơn chính là đòn đáp trả thẳng thắn nhất cho việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - một quyết định khiến tiến trình hòa bình Trung Đông càng trở nên khó khăn hơn. Đặt trong bối cảnh địa-chính trị khu vực đang ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay, sẽ rất khó để các bên có thể tiếp tục đặt niềm tin vào Mỹ như một trung gian hòa giải bình đẳng trên bàn đàm phán,và chính những cái bắt tay đa phương đang được coi là chìa khóa mở ra triển vọng mới cho hòa bình trên mảnh đất còn chất chứa nhiều bất ổn này. 

An Nhiên
.
.