Độc đáo tục phạt vạ dành cho những người… phụ tình

Thứ Hai, 27/08/2018, 08:07
Từ bao đời nay, người dân tộc thiểu số Bana ở xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) quan niệm, nếu làng nào xảy ra chuyện xấu mà chưa làm lễ phạt vạ thì "thần linh" sẽ trừng phạt làng đó. Chính vì vậy, mỗi khi có người vi phạm riêng, họ đều có cách xử phạt riêng. 


Điều lạ là trong khoảng 5 năm trở lại đây, chuyện phạt vạ chàng trai phụ tình cô gái lúc yêu nhau có lắm nỗi bi hài, khiến người trong cuộc cũng "dở khóc dở cười".

Với đồng bào Bana ở xã Canh Thuận, trong hôn nhân, người con gái sẽ chủ động đi bắt chồng cho mình. Vậy nên, đến tuổi cập kê, người con gái bắt đầu làm đẹp, chỉnh trang thân hình, trang phục và đi chơi cùng nhóm bạn trong buôn làng. 

Sau một vài bận hẹn hò, khi đã ưng bụng một người con trai nào đó, cô gái sẽ chủ động yêu cầu cha mẹ đến nhà người mình yêu để uống với nhau chén rượu. Khi nhà trai đồng ý uống chén rượu thì xem như cô gái đã bắt được chồng.

Già Đinh Văn Mài kể chuyện phạt vạ độc đáo ở làng mình.

Theo già làng Đinh Văn Mài (ở làng Cà Bưng, xã Canh Thuận), tục lệ phạt vạ liên quan đến chuyện có vợ có chồng mà ngoại tình, hay hai gia đình đã uống với nhau chén rượu nhưng rồi trai gái không đến được với nhau đã có từ lâu đời. 

Tuy nhiên, trong tục lệ phạt vạ này cũng có sự không công bằng cho "đấng mày râu". Đó là việc chàng trai bỏ cô gái khi hai gia đình đã uống với nhau chén rượu thì bị phạt vạ, nhưng nếu cô gái bỏ chàng trai thì không bị phạt. Lý giải điều này, già Mài bảo đó là do tục lệ quy định đã có từ lâu nên không thể bỏ được, một phần là do đồng bào Bana sống theo chế độ mẫu hệ nên người con trai phải chấp nhận chịu phần thiệt thòi.

Điều oái oăm là khoảng 5 năm trở lại đây, chuyện phạt vạ liên quan đến việc chàng trai bỏ cô gái ở làng Cà Bưng có nhiều tình tiết rất lạ lùng. Đó là chàng trai phải bắt đền một chàng rể khác cho nhà gái, chứ không phải phạt bò, lợn, rượu cần… như trước đây. Câu chuyện phạt vạ kỳ lạ này bắt nguồn từ chuyện tình dang dở của cô gái Đinh Thị Nhung xảy ra vào năm 2012.

Theo đó, tháng 9-2010, sau một thời gian yêu nhau, gia đình chị Đinh Thị Nhung và anh Đinh Văn Tiến đang chuẩn bị tính đến chuyện cưới hỏi thì anh Tiến nhận được giấy triệu tập đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở tỉnh Gia Lai, cách nhà hàng trăm cây số. 

Lúc đó, theo ý anh Tiến, hai gia đình nên tranh thủ tổ chức đám cưới để hai người nên vợ nên chồng, rồi anh lên đường nhập ngũ. Tuy nhiên, chị Nhung lại bảo để anh hoàn thành nghĩa vụ rồi hãy về cưới, chứ cưới trước chị cũng đơn lẻ một mình. Nghe theo lời người thương, anh Tiến lên đường nhập ngũ.

Trước khi anh Tiến lên đường, gia đình chị Nhung mang 5 lít rượu cùng với 1 con gà trống lớn đến nhà anh Tiến mời ăn uống chung vui. Hai bên gia đình cam kết chờ đến khi anh Tiến hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về sẽ tổ chức đám cưới. Cả hai cũng thề non hẹn biển, một lòng chung thủy, giữ trọn lời hứa. Hai bên gia đình nhìn đôi bạn trẻ tình cảm mặn nồng, ai cũng vui cái bụng, ngồi uống rượu thân đêm suốt sáng.

Bà Tho không thấy có lỗi với tục lệ của làng vì đã tìm được chồng cho Van.

Thấm thoắt hai mùa rẫy qua đi, anh Tiến xuất ngũ trở về làng với gương mặt buồn bã. Chuyện là trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, anh có tình cảm với một cô gái người Jarai, nhà ở gần đơn vị. Lúc anh ra quân thì cô gái đã có bầu được mấy tháng nên phải cưới người ta để tròn nghĩa vụ làm chồng, làm cha. 

Chị Nhung sau khi nghe được câu chuyện thì như người mất hồn, cả tuần liền chỉ biết vùi đầu vào giường mà khóc. Anh Tiến và gia đình phải qua động viên tinh thần, an ủi rất nhiều.

Theo tục lệ của làng, chuyện anh Tiến bội bạc chị Nhung để đến với người khác là có tội. Ngày hôm sau, già làng Đinh Văn Mài họp dân làng để phân xử. Cũng như những chàng trai bội bạc trước đây, anh Tiến phải chịu phạt 1 con heo, 5 ché rượu cần để thiết đãi dân làng. Đồng thời, anh phải đền bù danh dự theo yêu cầu của gia đình chị Nhung.

Trong khi chị Nhung đang buồn bã thì người cha liền bảo với già làng yêu cầu anh Tiến đền cho ông một chàng rể khác, cái bụng phải tốt hơn anh, suốt đời không được bội bạc con gái ông. Dù không muốn, nhưng đó là yêu cầu chính đáng nên anh Tiến phải chấp nhận. Thứ nhất là để có trách nhiệm với chị Nhung, phần nữa là có trách nhiệm với người vợ sắp cưới của mình.

Thế rồi, sau ngày cưới vợ hơn 2 tháng, anh Tiến cũng tìm được chàng trai theo ý cha chị Nhung để về ra mắt gia đình chị Nhung. Chàng trai ấy là người họ hàng của vợ anh ở tỉnh Gia Lai. Lúc đầu, chị Nhung cũng chưa chấp nhận, nhưng rồi thấy chàng trai cũng tốt bụng, mình cũng đã quá tuổi bắt chồng nên gật đầu đồng ý. Ngày người yêu cũ bắt chồng, vợ chồng anh Tiến cũng đến chung vui, chúc phúc cho vợ chồng chị Nhung.

Sau khi cưới vợ, anh Tiến theo về ở rể, có cuộc sống ổn định. Còn chị Nhung, sau khi bắt chồng và sống ở làng Cà Bưng một thời gian nhưng không có công ăn việc làm, gia đình lại khó khăn nên vợ chồng chị xin cha mẹ cho về phía nhà chồng để làm ăn. Bây giờ, hai cặp vợ chồng cùng là hàng xóm với nhau ở tỉnh Gia Lai. Họ đều đã có những đứa con bụ bẫm và cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. 

"Dù mối tình của con trai tôi với con Nhung dang dở, nhưng giờ chúng nó đều rất hạnh phúc. Bây giờ, tình bạn giữa hai đứa vẫn tốt đẹp, tối lửa tắt đèn có nhau. Tôi cũng mừng cái bụng", ông Đinh Văn Trình (cha anh Tiến) vui vẻ cho biết.

Có lẽ, cũng từ chuyện phạt vạ bằng cách bắt đền chàng rể của gia đình chị Nhung quá độc đáo mà bây giờ, các cô gái trong làng hễ khi bị người tình phụ đều yêu cầu phạt vạ theo cách này. Già làng Đinh Văn Mài bảo, ở làng Cà Bưng, con cái yêu nhau thì cha mẹ trọng cái tình, quý cái nghĩa lắm nên thường đem rượu đến nhà để uống rồi kết thông gia. 

Nhưng rồi, đám trẻ yêu chưa đủ mùi đã bỏ nhau nên thành ra khổ. Mà thường thì con trai đi làm thuê nơi này nơi nọ, thấy người con gái khác đẹp hơn nên phụ người mình yêu. Vậy nên trong làng năm nào cũng có phạt vạ. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, hầu hết các cô gái đều yêu cầu bắt đền một chàng rể và ai cũng có cuộc sống hạnh phúc.

Cách đây chưa tròn năm, cô gái Đinh Thị Van bị chàng trai Đinh Văn Nao bội bạc bởi đã có con với người con gái ở miền xuôi. Chuyện anh Nao có con với người con gái khác, cả cha mẹ và người làng không ai biết. Đến khi anh dẫn vợ con về, người làng mới… hỡi ôi. 

Lần ấy, chị Van khóc không còn nước mắt. Hôm làng đem chuyện ra phân xử thì anh Nao đã đưa vợ con về miền xuôi sống. Dù vậy nhưng cha mẹ chị Van vẫn kiên quyết yêu cầu cha mẹ anh Nao tìm một chàng trai khác cho con gái mình trong thời gian 2 tháng.

Bà Đinh Thị Tho (mẹ anh Nao) kể: "Thằng Nao nó làm sai, nhưng tục lệ ở làng vậy nên vợ chồng tôi phải tìm chồng cho con Van thôi. Có điều, tụi nó trai trẻ có bạn có bè thì tìm dễ, còn mình già rồi nên tìm chồng cho con Van rất khó. 

Trong làng không đứa con trai nào chịu con Van, mà Van cũng chẳng chịu ai. Vợ chồng tôi phải qua làng bên, rồi ở bên đó cả tuần mới tìm được một chàng trai cho con Van. Rồi tụi nó hẹn hò, tụi nó ưng cái bụng nên chúng tôi cũng mừng. Bây giờ, tụi nó đã thành vợ thành chồng, tôi cũng đỡ áy náy với cha mẹ nó và cũng thấy không có lỗi với tục lệ của làng nữa".

Người dân làng Cà Bưng kể về tục phạt vạ bằng một chàng rể.

Trò chuyện với người dân làng Cà Bưng, họ đều bảo, từ trước khi xảy ra câu chuyện phạt vạ lạ lùng của gia đình chị Nhung, người làng không có kiểu phạt như vậy. Nhưng sau câu chuyện tình dang dở và cách phạt vạ độc đáo ấy, gia đình các sơn nữ nơi đây thường áp dụng cách phạt lạ lùng này. 

Điều đặc biệt là cho đến nay, cuộc sống của các cặp vợ chồng sau khi phạt vạ đều rất hạnh phúc nên người làng cho rằng, cách phạt vạ này rất hay, cần phải áp dụng. Cách phạt "nghiêm khắc" như vậy để cho các đôi trai gái yêu nhau biết trân trọng nhau, không bỏ nhau nữa. Từ đó, tình cảm giữa người với người sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn, người làng sẽ vui hơn.

Từng sống và chứng kiến nhiều chuyện hay, dở từ các tục lệ của đồng bào dân tộc thiểu số Bana nơi đây, ông Lơ O Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Canh Thuận bảo, những tập tục trong cộng đồng người Bana ở địa phương luôn gắn với tín ngưỡng tâm linh, có thể có rất nhiều hình thức, nhưng chung quy lại là muốn đem đến điều tốt đẹp cho dân làng, cuộc sống của họ lúc nào cũng được thần linh che chở.

Tục phạt vạ người con trai bỏ người con gái khi hai gia đình đã uống với nhau chén rượu do chính họ tạo ra, được truyền từ đời này sang đời khác, để đảm bảo cuộc sống dân làng được bình yên, hạnh phúc.

Chia tay nơi đây, chúng tôi nghe được những tiếng cười đùa nở bừng trên từng khuôn mặt rám nắng đặc trưng của đồng bào Bana ở vùng quê nghèo. Ở họ, dường như lối sống hiện đại vẫn còn ở đâu đó xa lắm, quanh họ là cả một bầu không khí Bana truyền thống gần gũi, chất phác thật thà như hơi thở mỗi ngày. Ở đó, những câu chuyện phạt vạ bằng một chàng rể khi bị phụ tình cứ râm ran, xen kẽ trong những câu chuyện kể thường ngày.

Phan Nhuận Phin
.
.