Thất bại tại Olympic không đồng nghĩa với dấu chấm hết
- Huy Hoàng không vào chung kết, Tiến Minh dừng bước tại Olympic Tokyo 2020
- Nguyễn Thuỳ Linh và vị trí của cầu lông Việt Nam tại Olympic Tokyo
- Thể thao Việt Nam ở Olympics: Thiếu cả lượng và chất
Quan trọng là giờ đây phải có sự đầu tư mạnh tay vào những phương án nhân sự mới để có nhiều Hoàng Xuân Vinh thay vì chỉ có ít ỏi phương án nhân sự cho các mục tiêu huy chương châu lục, thế giới. Đây là việc không thể khác để có thể tiếp tục là môn trọng điểm của thể thao Việt Nam.
Khép lại một chu kỳ
Có thể nói rằng, Olympic 2016 thực sự là đỉnh cao trong một chu kỳ phát triển của bắn súng Việt Nam. Việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB tại đấu trường đó được đánh giá là sẽ kéo dài chu kỳ phát triển cho bắn súng Việt Nam. Thực sự, sau đó môn bắn súng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của xã hội, người hâm mộ và ngành Thể thao. Ngay cả Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các doanh nghiệp để trở thành một trong những Liên đoàn luôn gây chú ý trong những năm gần đây về các hoạt động tài trợ.
Tuy nhiên, để nhân lên sức ảnh hưởng của thành tích tại Olympic 2016 ấy, bắn súng Việt Nam cần có những thành tích thi đấu quốc tế khác và đương nhiên không chỉ ở mỗi nội dung súng ngắn hơi nam vốn luôn được xem là thế mạnh với Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Nguyễn Hoàng Phương... Nhưng đáng tiếc, với đội ngũ VĐV dày dạn kinh nghiệm, thành tích của bắn súng Việt Nam lại không ổn định, kể cả ở đấu trường SEA Games. Gần nhất, ở SEA Games 30 năm 2019, lần đầu tiên kể từ khi góp mặt tại SEA Games năm 1989, bắn súng Việt Nam đã trắng tay dù nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh cũng tranh tài.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không thể tạo nên bất ngờ ở Olympic Tokyo 2020. |
Còn ở vòng loại Olympic 2020, các xạ thủ hàng đầu như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, vốn nhận được nhiều sự đầu tư nhất từ ngành Thể thao, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng không thể giành được tấm vé chính thức. Ở nhiều giải đấu, thậm chí Hoàng Xuân Vinh còn không lọt được vào chung kết. Tuổi tác, công việc quản lý kết hợp với tập luyện cũng là những cái khó để nhà vô địch Olympic 2016 giữ được phong độ như những năm 2014, 2015 và đặc biệt là vào năm 2016.
Trong khi đó, việc có thêm vài ba xạ thủ đạt đẳng cấp như Hoàng Xuân Vinh vẫn khó như tìm sao trên trời, đặc biệt trong bối cảnh xạ thủ Việt Nam luôn trong cảnh thiếu đạn tập và không đủ kinh phí để thi đấu, tập huấn quốc tế dài hạn. Việc đó cũng là một phần nguyên nhân khiến từ sau Olympic 2016, bắn súng Việt Nam có quá ít lựa chọn nhân sự cho các đấu trường quốc tế.
Thế nên tấm vé mời tham dự Olympic 2020 ở nội dung 10m súng ngắn hơi được xem như cơ hội, dù ít ỏi, cho bắn súng Việt Nam có thể nối dài được thành công ở đấu trường Olympic, tiếp tục tạo đà để vươn lên. Nhận tấm vé mời thế này cũng không hẳn là niềm vui với người làm nghề, nhất là khi vừa có thành tích chói lọi vào năm 2016.
Dù sao, họ cũng phải nắm bắt với le lói cơ hội giành huy chương Olympic. Với kinh nghiệm dày dạn ở các lần thi chung kết tại các giải quốc tế, Hoàng Xuân Vinh lại được “chọn mặt gửi vàng”, được kỳ vọng tạo nên bất ngờ dù thực tế, anh không có quỹ thời gian tập luyện nhiều như trước khi tham dự Olympic 2016.
Trước đây, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân từng lý giải rằng, một VĐV phải đến tháng 4 mới giành được vé dự Olympic thông qua vòng loại, thì sẽ khó đoạt huy chương tại Olympic diễn ra sau đó khoảng hơn 2 tháng. Đơn giản vì sau đó, VĐV lại phải vào chu kỳ huấn luyện mới, cần nhiều hơn 2 – 3 tháng, để tìm được phong độ tốt nhất. Trong khi đó, những VĐV đã giành vé từ cả năm trước đó thì có quỹ thời gian chuẩn bị nhiều hơn và đương nhiên, nhiều khả năng đạt phong độ tốt hơn tại Olympic.
Còn trong trường hợp Hoàng Xuân Vinh chỉ có hơn 1 tháng để tập luyện với cường độ cao, không thi đấu, tập huấn quốc tế trong cả năm trời thì dù đẳng cấp đã ở hàng thế giới cũng gặp khó khăn nhất định. Trong khi đó, để phát huy bản lĩnh ở những loạt bắn chung kết lại phải vượt qua vòng loại, vốn khắc nghiệt không kém.
Ngay trước ngày thi tại Olympic 2020, chính HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cũng nhận định là Hoàng Xuân Vinh sẽ rất khó để lọt vào chung kết và phong độ chỉ trong nhóm 15-30 VĐV của nội dung 10m súng ngắn hơi. Ngay lúc ấy, người ta cũng hiểu rằng chỉ có sự xuất thần mới giúp Hoàng Xuân Vinh lọt vào chung kết.
Điều này đã được phản ánh bằng việc Hoàng Xuân Vinh chỉ xếp hạng 22 với 573 điểm tại vòng loại ở Olympic Tokyo 2020, không bảo vệ được ngôi vô địch. Dù thành tích ấy chỉ kém 5 điểm so với xạ thủ xếp cuối trong danh sách lọt vào chung kết nhưng trong bắn súng, 1 điểm chênh lệch cũng là vấn đề lớn.
Kết quả ấy không làm ai bất ngờ, cũng đồng thời chấm dứt một chu kỳ phát triển của bắn súng Việt Nam và có lẽ là nơi chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế của một huyền thoại trong làng bắn súng Việt Nam với những đóng góp mà không biết bao giờ mới có xạ thủ Việt Nam tái lập. Thực sự, việc Hoàng Xuân Vinh góp mặt ở Olympic cũng chỉ có tác dụng nối dài sự góp mặt liên tục của bắn súng Việt Nam tại Olympic.
Nhìn về tương lai
Đến lúc này, khi nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh hầu như sẽ chỉ chuyên tâm vào công việc quản lý và huấn luyện thì bài toán đặt ra cho bắn súng Việt Nam cần sớm có lời giải. Đương nhiên, sẽ phải vào chu kỳ phát triển mới trong đó có việc tìm ra nguồn VĐV đủ mạnh để có thể tranh chấp HCV, bắt đầu từ những tấm HCV SEA Games, và tấm vé dự Olympic.
Bởi xét cho cùng, nếu chỉ có 1-2 VĐV trong diện tranh chấp HCV SEA Games hay chỉ có nội dung súng ngắn nam để tranh vé trực tiếp tham dự Olympic thì nguy cơ không thể duy trì bền vững thành tích quốc tế là cực lớn. Còn như nhiều chuyên gia đã đúc kết lại, nếu bắn súng Việt Nam có lực lượng VĐV đủ dày và giành vé trực tiếp dự Olympic 2020 thì chẳng có chuyện phải nhận được tấm vé mời trước ngày khai mạc Olympic 2020 chỉ hơn 1 tháng.
Vấn đề giờ nằm ở sự đầu tư cho các VĐV, nhất là những VĐV trẻ để họ có nhiều cơ hội thể hiện bản thân cũng như có điều kiện tập luyện tốt hơn hiện nay. Về trước mắt, như nhiều chuyên gia từng nhận định, bắn súng Việt Nam vẫn không thiếu VĐV đủ tố chất để phát huy thế mạnh là nội dung súng ngắn của nam. Nhưng ngoài nội dung này cũng cần tính đến việc đầu tư ở cả nội dung khác thay vì chỉ một nội dung súng ngắn hơi như nhiều năm qua.
Vấn đề lại nằm ở định hướng đầu tư của phía Tổng cục TDTT cũng như sự chung tay của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Thậm chí, vai trò của các địa phương trong đào tạo VĐV để tạo nguồn cho đội tuyển quốc gia cũng cần được đề cao. Đó cũng là vấn đề đáng chú ý khi Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia từng nhiều lần đề cập đến việc có ít lựa chọn cho đội tuyển quốc gia ở các giải đấu quốc nội.
Tuy nhiên, chính nhiều địa phương cũng gặp khó khi thường thiếu đạn luyện tập dẫn đến VĐV thường phải “tập chay”, sinh chán nản, rẽ ngang đồng thời khó thu hút các tài năng trẻ. Cựu xạ thủ nổi tiếng Nguyễn Tấn Nam, Trưởng bộ môn bắn súng Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) cũng từng nhiều lần cho rằng, nếu không ổn định về số lượng đạn tập thì các địa phương còn gặp khó về công tác đào tạo, dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung cho đội tuyển quốc gia.
Xét cho cùng, tương lai của bắn súng Việt Nam tại các đấu trường quốc tế vẫn sẽ bảo đảm nếu có những sự đầu tư mạnh mẽ ngay từ sau Olympic này. Còn nếu không, e là phải mất thời gian dài để có thể tranh chấp sòng phẳng với bắn súng Thái Lan, Singapore tại SEA Games hay có nhiều hơn 1 suất giành vé trực tiếp tham dự Olympic.