Cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội từ FTA

Thứ Năm, 21/01/2021, 08:58
Trong năm 2020, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại (FTA), gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.


Đây là một sự bứt phá trong công tác hội nhập đồng thời mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các FTA mới được ký kết và thực thi bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục từ các FTA với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu. 

Theo đánh giá của Bộ Công thương, 5 tháng sau khi hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao, trong đó, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỉ USD, tăng gần 12% so với năm trước, xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 12%... 

Về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa ký kết tối 29/12/2020, Bộ Công thương cho hay Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, với khoảng 400 dự án đang triển khai được đầu tư hơn 3,6 tỉ USD tính đến tháng 8 năm 2020.

Trong khi đó, với Hiệp định RCEP, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương cho hay, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. 

Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ cam kết của các Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.

Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. 

Theo ông Lương Hoàng Thái, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu của ASEAN ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.

Để tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cơ hội lớn nhất mà các FTA mang lại là mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các cam kết về cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại, tạo cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 

Tuy nhiên, việc tham gia các FTA nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung cũng đặt ra không ít thách thức. Đầu tiên là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa và DN Việt Nam trên chính thị trường “sân nhà”, đặc biệt trong những lĩnh vực còn yếu của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, hạn chế về trình độ nguồn nhân lực trong các DN của Việt Nam cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Những bất cập, thiếu sót chưa kịp hoàn thiện của hệ thống pháp luật; chính sách kinh tế-xã hội, văn hóa, đặc biệt là về minh bạch hóa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp cũng gây không ít khó khăn cho việc thực thi cam kết và tận dụng các FTA của Việt Nam. 

“Việc ký kết và tham gia các FTA đồng nghĩa với việc hội nhập, bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với khó khăn, thách thức mới. Để hội nhập quốc tế thành công, tận dụng được những lợi ích mang lại và vượt qua thách thức đặt ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương và với cộng đồng DN”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo đó, Chính phủ cần có chiến lược tuyên truyền cụ thể để cộng đồng doanh nghiệp nắm vững các cam kết, luật chơi đối với từng FTA. DN cũng cần chủ động, sáng tạo trong chiến lược đầu tư, kinh doanh của mình để thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn. 

Trên thực tế, hiện, DN Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và diễn biến kinh tế, chính trị phức tạp trên thế giới và khu vực. 

Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn nguyên, vật liệu đầu vào, thu hẹp thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và cản trở việc lưu thông hàng hóa, gây sụt giảm doanh thu cũng như đe dọa khả năng đứng vững của DN. 

Tuy nhiên, ẩn sau những thách thức trên lại là những cơ hội đầy hứa hẹn cho các DN biết tự điều chỉnh chiến lược đầu tư kinh doanh, thích nghi, nắm bắt, tận dụng cơ hội.

Một trong những giải pháp ưu tiên DN cần chú trọng là không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình, qua đó cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực. 

DN cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực, tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. 

Bên cạnh khả năng thích ứng linh hoạt tùy theo nhu cầu biến đổi của thị trường, cộng đồng DN cũng cần tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ kỹ thuật cũng như công nghệ thông tin trong tiếp cận, tiếp thị thị trường, giao dịch với các đối tác, tạo ra những giá trị thặng dư cao hơn cho DN.

Lưu Hiệp
.
.