Chợ truyền thống chuyển hướng giao dịch trực tuyến trong mùa dịch

Chủ Nhật, 27/06/2021, 10:01
Không chỉ riêng khách hàng ngại mua sắm tại các chợ, siêu thị vì ngại chỗ đông người, nguy cơ cao việc lây nhiễm COVID-19 mà hiện cũng có nhiều chung cư, khu phố tại TP Hồ Chí Minh... bị phong tỏa do có người bị nhiễm COVID-19 nên nhu cầu mua sắm online, đặt hàng qua điện thoại tăng mạnh.


Một số trường hợp khách đặt hàng qua ứng dụng Grabfood cho biết, có một số cửa hàng trước đây họ hay gọi món ăn, giờ vô đặt món không thấy hiện lên. Khi thắc mắc thì phía Grab giải thích là do lượng khách mua trực tuyến tăng mạnh khiến nhiều cửa hàng đối tác bán thực phẩm của Grab phải ngắt mạng vì hết hàng, phục vụ không đủ nhu cầu của khách.

Trong khi các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi luôn trong tình trạng “nghẽn mạch” vì lượng đặt hàng qua app, qua điện thoại quá cao thì tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cũng đã “kích hoạt” kinh doanh online để bắt kịp với thời cuộc.

Chợ đầu mối Bình Điền, chuyển hướng sang giao dịch qua điện thoại.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, kể từ khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện 1 ca dương tính COVID-19 (kết quả test nhanh lần 1) làm nghề bốc vác tại chợ vào tối 18/6 thì phần lớn các thương nhân kinh doanh tại chợ cũng nhanh chóng chuyển hướng sang bán hàng qua điện thoại.

Bà Kim Thanh kinh doanh hải sản tại chợ cho biết: “Khách đặt mua bao nhiêu cũng có, cứ gọi điện đặt hàng 2-3 giờ sau sẽ có người giao hàng đến tận nhà cho khách. Nhưng đơn hàng phải từ 2 triệu trở lên thì mới giao”.

Theo Ban Quản lý chợ Bình Điền, với đặc thù là chợ đầu mối chuyên bán hàng sỉ nên chợ chủ yếu hướng đến khách hàng mua sỉ số lượng lớn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cá nhân, hộ gia đình biết chợ có bán hàng qua điện thoại nên một số gia đình cũng đặt mua thực phẩm qua điện thoại, hoặc vài gia đình cùng gom đơn mua chung để có giá thấp. Đặc biệt trong điều kiện TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, nhiều nơi bị phong tỏa, người dân chuyển sang mua hàng giao tận nơi để vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.

Ông Tsàn A Sìn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết: “Hàng hóa trước khi giao cho khách hàng đã được bộ phận đóng hàng đóng gói kỹ lưỡng. Đối với thủy hải sản thì ướp đá xay nhuyễn để giữ được độ tươi. Thời gian đặt hàng từ 8-19 giờ từ thứ 2 đến thứ 6. Riêng thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, khách đặt hàng từ 14-19 giờ. Thời gian giao hàng các ngày trong tuần từ 6-10 giờ, giao đến tận nơi của khách hàng ở khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Theo ông Sìn, ngoài bán hàng trực tiếp thì chợ đầu mối Bình Điền mở thêm kênh bán hàng qua điện thoại cũng đang có doanh số khá tốt. Và điều đặc biệt là bán hàng qua hình thức này đảm bảo được các tiêu chí phòng dịch.

Tương tự, các chợ An Đông, Bà Chiểu, Bình Tây… lượng khách đến mua sắm trực tiếp cũng giảm mạnh, phần lớn khách hàng mua sắm thanh toán bằng các hình thức như cà thẻ, chuyển khoản, ví điện tử. Bà Ngọc kinh doanh mặt hàng gia vị tại chợ Bình Tây (quận 6) cho biết, trong đợt dịch vừa qua nhận thấy lượng khách đến mua tại chợ giảm mạnh mà có xu hướng mua online nên bà cũng sử dụng Zalo để kết nối với các bạn hàng ở tỉnh và liên tục cập nhật sản phẩm kinh doanh của mình lên Zalo để giới thiệu cho khách hàng. Đồng thời, bà cũng mở tài khoản ngân hàng để chuyển tiền, nhận tiền hàng qua tài khoản. Cũng nhờ cách này mà ngày nào bà cũng có đơn hàng. “Không riêng mình tôi mà hầu hết tiểu thương ở đây cũng đều chuyển sang bán hàng online để chống chọi qua dịch”, bà Ngọc chia sẻ.

Cũng để hỗ trợ tiểu thương, hiện nay nhiều chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ban quản lý chợ cũng đã mở trang web, fanpage, facebook… để tạo điều kiện cho tiểu thương giới thiệu, bán hàng. Các mặt hàng được tiểu thương giới thiệu, bán hàng trên các kênh này chủ yếu tập trung ở nhóm hàng thời trang, may mặc, hóa mỹ phẩm... Còn các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống thì tiểu thương bán hàng qua các ứng dụng đi chợ hộ, nhận giao hàng tận nơi hoặc người tiêu dùng đi chợ mua trực tiếp.

Thúy Hà
.
.