Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán ở Tây Nam Bộ

Thứ Năm, 26/12/2024, 08:48

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng vận động các DN trên địa bàn tham gia dự trữ hàng hóa với tổng giá trị hàng hóa trên 386 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Mặt hàng gạo có 8 DN, siêu thị, chuỗi cửa hàng tham gia dự trữ 14.050,17 tấn gạo các loại, trị giá trên 218 tỷ đồng; thực phẩm tươi sống dự trữ 259,4 tấn, trị giá hơn 22 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, các doanh nghiệp cam kết dự trữ với tổng trị giá gần 146 tỷ đồng. Với mặt hàng xăng dầu, Sở Công Thương vận động các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cung ứng xăng dầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán là 54.600m³.

Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán ở Tây Nam Bộ -0
Các siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ dự trữ nguồn hàng dồi dào để phục vụ người tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ông Hứa Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng cho biết, ngoài các đơn vị đăng ký bình ổn giá hàng hóa thì còn nhiều DN bán lẻ, cửa hàng bách hóa cũng có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Lượng hàng hóa chuẩn bị đa dạng, phong phú.

Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết các DN trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch dự trữ, chuẩn bị hàng hóa với tổng trị giá hơn 1.380 tỷ đồng để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các nhóm mặt hàng Tết phong phú, đa dạng về chủng loại, phần lớn là hàng Việt. Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ ổn định, sức mua trong dịp Tết tăng khoảng 10% so với ngày thường.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã lên kịch bản dự trữ, cung ứng hàng hóa nhằm đảm bảo không thiếu hụt nguồn hàng và tránh đầu cơ, găm hàng tăng giá. Năm nay có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán 2025 với tổng trị giá vốn hơn 504 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 151 tỷ đồng…

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhu cầu gạo trên địa bàn khoảng 6.854 tấn/tháng; nhu cầu tiêu thụ thịt khoảng 6.854 tấn/tháng, trứng hơn 7,1 triệu quả/tháng; thủy, hải sản tươi đông lạnh khoảng 4.176 tấn/tháng; rau, củ, quả khoảng 8.320 tấn/tháng. Nhìn chung, sản lượng thu hoạch gạo, thịt các loại, thủy sản, rau, củ, quả không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng ngày mà còn phục vụ dịp Tết. TP Cần Thơ còn cung ứng cho các tỉnh, thành khác và phục vụ xuất khẩu.

“Thời điểm này, các DN đã chủ động nguồn hàng, đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng với giá bình ổn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ”, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần thơ Hà Vũ Sơn cho biết. UBND TP Cần Thơ đã ban hành chương trình “Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2024, Tết Nguyên đán 2025”. Nhóm hàng tham gia là lương thực, thực phẩm; nước giải khát, bánh, kẹo, mứt; gia vị. Có 8 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia với tổng giá trị dự trữ hàng hóa khoảng 2.299 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, toàn tỉnh có 30 DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường, tăng 50% so dịp Tết năm 2024. Trong đó, 12 DN đăng ký tham gia thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm; 18 DN đăng ký tham gia thuộc nhóm hàng xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng.

Tổng số tiền dự trữ hàng hóa Tết năm nay của DN ở An Giang là trên 1.851 tỷ đồng, tăng 48% so kế hoạch dự trữ năm 2024 và hơn 69% so kết quả thực hiện năm 2024. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… gần 730 tỷ đồng; nhóm hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng trên 1.124 tỷ đồng.

Văn Đức
.
.