Bộ Công an đề nghị quản lý sê-ri vàng miếng và lập trung tâm thẩm định vàng
Góp ý vào nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Bộ Công an đưa ra 7 nội dung. Trong đó, đáng chú ý là nội dung liên quan đến quản lý chất lượng vàng và kiểm soát, thanh tra thị trường vàng.
Vàng miếng: Cần quản lý sê-ri
Cụ thể, theo Bộ Công an, quy định liên quan đến kinh doanh, sản xuất vàng miếng trong dự thảo chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng (với vàng sản xuất mới, vàng miếng móp méo được gia công lại, trong các giao dịch mua/bán, vàng miếng chuyển thành nguyên liệu...).
Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về số sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch sẽ giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Vì vậy, Bộ Công an cho rằng, cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ trong các hoạt động, giao dịch trên.
Về góp ý này, NHNN cho hay sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch.

Lập trung tâm thẩm định vàng
Với vàng trang sức mỹ nghệ, Bộ Công an nhận định Dự thảo Nghị định quy định hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên cần đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ hoặc chuyển giao thủ tục này cho cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện (Sở Khoa học và Công nghệ).
Đồng thời, cần xem xét thành lập Trung tâm thẩm định vàng quốc gia, nghĩa là phải có một cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) có chức năng thẩm định chất lượng sản phẩm vàng (gồm: Vàng miếng, vàng nguyên liệu, vàng trang sức mỹ nghệ) nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giám sát hoạt động, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng.
Tiếp thu ý kiến, NHNN cho biết sẽ sửa đổi lại dự thảo theo hướng quy định tại Điều 17 “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với vàng trang sức, mỹ nghệ và vàng miếng; kiểm tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng”. Đồng thời, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2013/TT-BKHCN để bổ sung quy định về việc tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng miếng và vàng nguyên liệu.
Đề nghị thanh tra thị trường vàng
Một nội dung quan trọng liên quan tới vấn đề an toàn, an ninh, Bộ Công an nhận định về tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện chế tài để kiểm soát, ổn định đối với hoạt động kinh doanh vàng cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm đối với đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và việc xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu/vàng miếng của các đơn vị này, trong đó nghiên cứu xem xét quy định bắt buộc các đơn vị này phải thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề định kỳ (hàng năm) đối với hoạt động sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu/vàng miếng.
Song song với đó, xem xét, bổ sung quy định tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần, NHNN chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp theo đề nghị của NHNN.
Ngoài các nội dung trên, Bộ Công an cũng có những góp ý khác như về giấy phép, thủ tục, dự thảo Nghị định quy định xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được sản xuất vàng miếng và tạo cơ chế cho phép nhập khấu vàng để có nguồn vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, xét tổng thế tại dự thảo Nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép (Giấy phép sản xuất vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng miếng đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng), nguy cơ xuất hiện cơ chế “Giấy phép mẹ” tạo ra nhiều “Giấy phép con” và cơ chế cấp quota hạn ngạch sản xuất vàng miếng/hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần.
“Với cơ chế “Giấy phép con” và cấp quota hạn ngạch trên dễ dẫn đến việc tiêu cực cấp phép phát sinh, nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng/nhập khẩu phân phối vàng nguyên liệu vào nhóm đơn vị được cấp phép, khó khăn trong quản lý việc sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức và việc mua bán giấy phép/hạn ngạch, nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ. Ngoài các hình thức giấy phép nêu trên, dự thảo Nghị định vẫn quy định các giấy phép con như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm... có thể “tăng áp lực” về thủ tục hành chính, tạo “rào cản” cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp”, Bộ Công an góp ý.
Một nội dung khác, Bộ Công an cho rằng cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, bán vàng miếng để tạo hành lang pháp lý can thiệp, tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá. Cụ thể, các đơn vị kinh doanh cần ban hành quy trình rõ ràng và có khả năng giải trình về cách thiết lập, điều chỉnh giá, thay đổi giá trong ngày; lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá (bao gồm dữ liệu thông tin điện tử).
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng khi cần thiết (cơ chế can thiệp vào giá mua, bán; cơ chế can thiệp vào cung, cầu thị trường vàng miếng...); cần bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng góp ý về thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia hoặc Sàn giao dịch vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế…