Du lịch đầu năm khởi sắc
Từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, du lịch Việt có nhiều dấu hiệu khởi sắc ngay đầu năm 2023, đặc biệt sôi động trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái chiếm ưu thế
Về du lịch Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Du lịch Hà Nội nhận định, năm nay, lựa chọn chủ yếu của du khách là các điểm du lịch văn hoá, di tích - lịch sử, tâm linh, trong đó di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Hương, Hoàng thành Thăng Long là những điểm đến nổi bật. Thống kê chưa đầy đủ, trong dịp Tết, Hà Nội phục vụ trên 332.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.000 tỷ đồng, công suất phòng trung bình đạt 40,3%.
Đặc biệt, ngày 27/1 (mùng 6 Tết), nhiều điểm di tích, danh thắng gắn với du lịch văn hóa, tâm linh lượng khách cao hơn khá nhiều và có thể còn tiếp tục tăng trong những ngày sắp tới, nhất là vào 2 ngày mùng 7 và mùng 8 Tết. Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, trong 4 ngày mở cửa phục vụ du khách dịp Tết (mùng 2 Tết đến mùng 5 Tết), khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón trên 33.000 lượt khách tham quan, du xuân. Tại Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, trong 5 ngày Tết, di tích đã có 145.000 lượt người mua vé vào tham quan. Nếu tính cả số người được miễn vé vào cổng thì di tích đã phục vụ khoảng 250.000 lượt người. Với Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn – Khu di tích danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương), ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích cho biết, từ mùng 1 Tết đến nay, Khu di tích đã đón khoảng 150.000 lượt khách, trong đó, ngày cao điểm nhất là mùng 5 Tết, đón khoảng 50.000 lượt khách. Ban Quản lý dự đoán lượng khách đến danh thắng Hương Sơn sẽ tiếp tục cao hơn vào ngày mùng 7 và mùng 8 Tết, vì đây là 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Sở Du lịch Ninh Bình cũng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ước tính, địa phương phục vụ trên 328.978 lượt khách, gấp 25 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 550 tỷ đồng. Khách tập trung đông tại một số khu, điểm tiêu biểu như: Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, khu du lịch Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, vườn chim Thung Nham, Hang Múa, nhà thờ đá Phát Diệm, phố cổ Hoa Lư,…
Cũng trong dịp Tết năm nay, tỉnh Bạc Liêu phục vụ khoảng 165.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85 tỷ đồng. Một số khu, điểm du lịch đón lượt khách tăng tương đối khả quan so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2019 (thời điểm trước dịch bệnh) như: Khu Quán Âm Phật Đài (25.000 đến 30.000 lượt khách/ngày), khu nhà thờ Tắc Sậy, chùa Hưng Thiện (khoảng 15.000 khách/ngày), Quảng trường Hùng Vương, khu biển nhân tạo Nhà Mát (khoảng 10.000 lượt khách/ngày)…
Lượng khách tăng nhưng tổng doanh thu vẫn giảm
Thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 29 tháng Chạp đến Mùng 5 Tết, tức 21 - 26/1), toàn quốc ước tính phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm của mình. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh so với dịp Tết Dương lịch 2023, đặc biệt với việc Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8/1/2023 đã khiến thị trường du lịch quốc tế sôi động, nhộn nhịp hơn. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30-40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.
Mặc dù xét về số lượng khách, du lịch đã có tín hiệu vui nhưng thống kê sơ bộ cũng cho thấy mức chi tiêu của du khách chưa cao. Tổng thu từ khách du lịch trong dịp Tết năm nay ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ). Lượng khách lưu trú ước đạt 2 triệu lượt khách (giảm khoảng 37,5% so với cùng kỳ), công suất phòng trung bình chỉ đạt khoảng 40 - 45%. Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, đầu năm 2023, các lễ hội văn hoá, du lịch tâm linh được khôi phục lại, nhu cầu đi du lịch kết hợp các hoạt động tâm linh tăng cao và chủ yếu là đi lại trong ngày, vì vậy số ngày lưu trú giảm, từ đó kéo theo tổng thu du lịch giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế - xã hội trong nước, sức mua của du khách giảm, khách hạn chế chi tiêu hơn khi sử dụng các dịch vụ du lịch trung và cao cấp…