Giá vàng hôm nay miệt mài lập đỉnh, lên đến 107,5 triệu đồng/lượng
Giá vàng hôm nay tiếp tục khẳng định vị thế "hầm trú ẩn tài chính an toàn" khi liên tục xô đổ mọi đỉnh cũ trong tuần qua.
Ngày 14/4, giá vàng tiếp tục tự “làm mới” kỷ lục của mình, khi tăng tiếp thêm 1 triệu đồng mỗi lượng chiều bán ra, và tăng tới 2 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Cụ thể tại Công ty SJC, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 105 - 107,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn 9999 tại đây được niêm yết 102 - 105 triệu đồng/lượng.
Tại các tập đoàn DOJI, PNJ, giá vàng miếng cũng được niêm yết ngang hàng với giá SJC. Với mức 107,5 triệu đồng/lượng, hiện giá vàng SJC cao hơn vàng nhẫn tới 2,5 - 3 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng đã lập mức kỷ lục mới 3.245 USD/ounce. Kim loại quý này đang là tài sản trú ẩn hàng đầu, được thúc đẩy bởi làn sóng bất ổn và lo ngại.
Theo các chuyên gia kinh tế, "cú hích" đầu tiên cho giá vàng đến từ các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thêm vào đó, việc đồng USD suy yếu mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng góp phần quan trọng đẩy giá vàng lên cao. Khi đồng bạc xanh mất giá, vàng - vốn được định giá bằng USD - trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.
Hơn thế nữa, tâm lý là một yếu tố quan trọng khi sự e ngại một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế đang khiến thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Điều này tạo thêm áp lực đối với đồng USD và làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn là một kênh trú ẩn truyền thống trước đây.
Mặt khác, một yếu tố không thể bỏ qua chính là cơn sốt tích trữ vàng từ các ngân hàng trung ương. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, trong năm 2024, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào hơn 1.000 tấn vàng, năm thứ 3 liên tiếp duy trì mức mua cao kỷ lục.
Thực tế lịch sử cho thấy, vàng không bị ăn mòn, không mất giá trị theo thời gian và không cần dựa vào lòng tin với chính phủ hay hệ thống ngân hàng, điều khiến kim loại này trở thành "két sắt" lưu giữ giá trị tối ưu trong mắt giới đầu tư.