Ngành công nghiệp chủ lực phục hồi mạnh
6 tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp Việt Nam ghi nhận đà phục hồi ấn tượng, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế và là động lực then chốt cho tăng trưởng.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong 5 năm qua. Đà tăng mạnh mẽ của các ngành chế biến, chế tạo cùng sự hỗ trợ từ chính sách điều hành linh hoạt đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay. Các ngành chế biến, chế tạo – động lực chính của công nghiệp – ghi nhận mức tăng trưởng 11,1%, cao hơn so với mức 8,9% của cùng kỳ năm 2024. Ngành này đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung, cho thấy vai trò trung tâm trong bức tranh tăng trưởng công nghiệp.
Nhiều nhóm ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm và thép có tốc độ phục hồi ấn tượng. Cụ thể, xuất khẩu dệt may nửa đầu năm đạt 21,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong tập đoàn đang tăng trưởng gấp đôi so với năm trước, đặc biệt là ở thị trường Mỹ.

Dưới góc độ địa phương, nhiều tỉnh thành cũng đạt được kết quả tích cực. Tại Sơn La, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 9,5%, nhờ sự phát triển của cụm ngành năng lượng tái tạo, chế biến nông sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Các sản phẩm như xi măng, điện sản xuất, đá xây dựng hay sữa tiệt trùng đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan.
Tại Phú Thọ, 6 tháng đầu năm 2025, khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế địa phương, chiếm trên 46% GRDP. Ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh với giá trị tăng thêm đạt 16,23%, đóng góp 6,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều tại cả ba địa phương cũ: Vĩnh Phúc (cũ) tăng 18,98% nhờ điện tử, ô tô, xe máy; Phú Thọ (cũ) tăng 45,45% nhờ chế biến gỗ, điện tử, quang học; Hòa Bình (cũ) tăng 15,29%, nổi bật ở khai khoáng và sản xuất điện. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng.
Cục Thống kê dự báo, sản xuất công nghiệp Việt Nam dự báo vẫn duy trì được đà tăng trong 6 tháng cuối năm 2025. Động lực đến từ vốn FDI, xu hướng công nghệ xanh, các dự án đầu tư công quy mô lớn và nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, để giữ vững tốc độ tăng trưởng, DN cần linh hoạt thích ứng, chủ động nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng nội địa.
Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng cho công nghiệp trong nửa cuối năm 2025, Bộ Công Thương xác định hàng loạt giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...