Nhiều giải pháp ngăn chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Thứ Tư, 13/11/2024, 07:18

Vi phạm trên thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng gia tăng, với thủ đoạn tinh vi. Với tốc độ TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cơ quan chức năng đề xuất giải pháp ngăn hàng giả, nhái trên sàn TMĐT như: Xác thực tài khoản người kinh doanh trực tuyến, ứng dụng tem điện tử xác thực và tra cứu, truy vết mã tem...

Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm

Thời gian qua, lực lượng chức năng kiểm soát chặt hàng hoá kinh doanh online như sàn TMĐT, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok… và đã phát hiện nhiều vi phạm.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng năm 2024, Cục đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan Công an. Số vụ vi phạm trong TMĐT bị xử lý tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều giải pháp ngăn chặn  hàng giả trên sàn thương mại điện tử -0
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại cơ sở kinh doanh online ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), phổ biến nhất vẫn là các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.

Các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn TMĐT hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream. “Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua số lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng”, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa phát đi cảnh báo khẩn về nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam như Temu, Shein và 1688. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang bị cuốn hút bởi sự đa dạng sản phẩm và mức giá rẻ từ các nền tảng này, nhưng việc mua sắm trên những nền tảng không được cơ quan nhà nước quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Theo Bộ Công Thương, do các cơ quan chức năng không thể giám sát chất lượng và tính chính xác của thông tin sản phẩm, người tiêu dùng sẽ không nhận được sự hỗ trợ theo quy định pháp luật trong trường hợp phát sinh sự cố. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý rằng, việc mua hàng từ các sàn này có thể kéo theo các rắc rối về nghĩa vụ thuế và pháp lý. Hàng hóa nhập khẩu từ các nền tảng chưa đăng ký có thể bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc người tiêu dùng phải chịu thêm chi phí phát sinh do thuế không được dự đoán trước.

Chống hàng giả trên môi trường online

Với tốc độ TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Bộ Công Thương sẽ sớm bổ sung sửa đổi chính sách quản lý TMĐT, trong đó bổ sung quy định xác thực tài khoản người kinh doanh trực tuyến. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, cần phải có những giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn. Đã đến lúc quy định và đối xử với môi trường online như offline, phải định danh được người mua và người bán. Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho rằng, việc định danh cá nhân người bán hàng là giải pháp căn cơ, cần thiết và nên thực hiện sớm.

Gần đây, đã có các sàn TMĐT yêu cầu định danh tài khoản bán hàng. Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng ban phát triển nguồn lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, việc xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều hơn trên môi trường điện tử đã đặt ra thách thức cần phải định danh người bán hàng, thậm chí sau này cũng phải sử dụng các hàng hóa có truy xuất nguồn gốc đầy đủ.

Việc định danh góp phần quy kết trách nhiệm của người bán hàng, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của TMĐT ổn định và bền vững. Nếu không, người dùng sẽ có giai đoạn nghi ngại hàng hóa bán trên TMĐT là chưa đạt chất lượng và sợ va chạm việc giải quyết tranh chấp. Từ đó có thể giảm tốc TMĐT.

Nhiều giải pháp ngăn chặn  hàng giả trên sàn thương mại điện tử -0
Lực lượng chức năng niêm phong hàng hoá vi phạm.

Để triển khai giải pháp chống hàng giả trên môi trường online, mới đây, Tổng cục QLTT và Cục Công nghiệp An ninh, Bộ Công an đã ký biên bản ghi nhớ nhằm triển khai có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT đến năm 2025 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo nội dung hợp tác, Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an sẽ chỉ định đơn vị chuyên môn thực hiện việc ứng dụng tem điện tử xác thực và tra cứu, truy vết mã tem trong quản lý lưu thông vào việc chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Hai đơn vị sẽ cùng phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TMĐT nói riêng và quản lý lưu thông hàng hoá nói chung. Tổng cục QLTT sẽ phối hợp với Cục Công nghiệp an ninh xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực xử lý tranh chấp, khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, mặc dù trong thời gian qua, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống hàng giả. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có giải pháp tối ưu, biện pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả chống hàng giả 100%. Đơn cử đối với Hàn Quốc, hiện nay vẫn sử dụng biện pháp dùng QR code để dán trực tiếp lên từng sản phẩm nông sản, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm chính hãng. Hiện nay các biện pháp kỹ thuật nhằm chống hàng giả được rất nhiều người quan tâm. Do vậy, Tổng cục QLTT kỳ vọng hai đơn vị sẽ cùng phối hợp đề xuất ra các giải pháp, từ mặt chính sách đến phương tiện công cụ kỹ thuật nhằm triển khai có hiệu quả công tác này.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT ở các địa phương phát hiện, xử lý nhiều vi phạm đối với lĩnh vực này trên cả thị trường truyền thống và TMĐT. Việc Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an phối hợp với Tổng cục QLTT triển khai các giải pháp chống hàng giả trên môi trường online là một minh chứng thể hiện quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong TMĐT, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lưu Hiệp
.
.