Những khó khăn trong công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả
Tỉnh Bình Dương đang trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa lý tưởng, cũng là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ về buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng. Chính vì vậy mà những năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương luôn chú trọng đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai kế hoạch đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”…
Trong 5 tháng đầu năm 2025, cơ quan chức năng Bình Dương kiểm tra gần 2.000 vụ việc, xử lý 465 vụ vi phạm liên quan đến hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2024, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra và phát hiện 3.705 vụ vi phạm, xử lý 3.451 vụ với tổng số tiền phạt và truy thu trên 252 tỉ đồng. Các vi phạm xảy ra tập trung tại các thành phố lớn như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An…
Một số vi phạm điển hình trong thời gian qua như vụ Phạm Thị Lý (SN 1989; ngụ phường An Phú, TP Thuận An) giả mạo nhãn hiệu là bột ngọt. Lý khai mua nguyên liệu là bột ngọt, bột nêm và bột giặt thuộc các nhãn hiệu có chất lượng thấp hơn, sau đó sử dụng máy móc, thiết bị để đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu nổi tiếng, đã được bảo hộ để bán ra thị trường. Trong lúc Lý giao 150 gói bột ngọt cho cửa hàng tạp hóa Hiếu Sa do bà Trương Thị Kim Thâm (sinh năm 1977, hộ khẩu thường trú phường An Phú, TP Thuận An) làm chủ thì bị Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang. Bà Kim Thâm cho biết thu mua bột ngọt từ Lý với giá 18.500 đồng/ gói và bán cho người tiêu dùng 32.000 đồng/gói.

Một vụ việc khác là Vũ Thành Công (SN 1988, ngụ TP Hồ Chí Minh) cùng 8 đồng phạm sản xuất hàng giả. Kiểm tra 4 địa điểm do Công thuê để sản xuất hàng giả, cơ quan chức năng đã tạm giữ tang vật gồm: 7.525 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 200 kiện hàng chứa vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng (khoảng 150.000 vỏ lon); 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa… cùng nhiều loại phương tiện, máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị ước tính khoảng 14,5 tỷ đồng. Công khai nhận đã thu lợi bất chính số tiền khoảng 3 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng hoạt động. Các loại sữa giả gồm nhiều nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được sản xuất tại nước ngoài, chưa được phép sản xuất tại Việt Nam…
Theo Công an tỉnh Bình Dương dù thời gian qua, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm nhưng các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn còn tồn tại nhiều. Nguyên nhân là do lợi nhuận cao, một sản phẩm làm giả có thể kiếm lãi từ 3-5 lần. Thứ nữa là do tâm lý chung của người tiêu dùng là thích dùng hàng mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng giá lại rẻ nên đã tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả lưu hành thuận lợi. Các đối tượng mua những sản phẩm trôi nổi trên thị trường sau đó đóng gói thành những thương hiệu nổi tiếng rồi mang đi tiêu thụ, bày bán trên thị trường.
Từ thực tiễn cho thấy hầu hết các mặt hàng thương hiệu có tiếng được làm giả mà Công an tỉnh Bình Dương phát hiện như: Nệm giả, đường, bột ngọt, bột giặt, quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính... đều được bày bán công khai trên thị trường. Tuy nhiên việc xử lý rất khó khăn do nhiều thương hiệu không có đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác do sợ ảnh hưởng đến thương hiệu của mình.
Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy nhiều đối tượng lợi dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok; các dịch vụ giao hàng công nghệ để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chúng sử dụng tài khoản ảo, thông tin giả mạo và kho hàng nằm trong khu dân cư, không biển hiệu khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu quy định rõ ràng đối với các mặt hàng nhạy cảm như thuốc lá, xăng dầu, thực phẩm chức năng nên việc xử lý hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Mới đây, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Ông Bùi Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương xem xét tăng biên chế cho các ngành chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường và cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng. Bởi thời gian qua, công tác phối hợp giữa các sở, ngành chưa thật sự hiệu quả, trong khi nhân lực ngành chức năng bị phân tán do kiêm nhiệm nhiều đầu việc. Hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh chóng nhưng thiếu công cụ kiểm soát, khiến các đối tượng dễ dàng ẩn danh, tiêu hủy chứng cứ chỉ trong tích tắc.
Ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Bình Dương trong 5 tháng đầu năm, đồng thời chỉ rõ những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Về định hướng thời gian tới, ông đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương tiếp tục bám sát chỉ đạo, chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức lực lượng phù hợp, điều tra, xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp để tạo hiệu ứng răn đe. Rà soát khó khăn về vật chất, nhân lực để kiến nghị; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, tuyên truyền nâng cao nhận thức; siết chặt thanh tra, kiểm tra công vụ; đặc biệt sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Về phía tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Khuyến cáo đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải có ý thức tự bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho các nhãn hiệu sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp, tem chống hàng giả; cải tiến quy trình công nghệ, đưa ra các mẫu mã ký hiệu riêng cho sản phẩm của mình nhằm bảo đảm tính an toàn cao, để tội phạm khó có thể làm giả, đồng thời giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật và hàng giả.