Xử lý nghiêm vi phạm về thuốc lá điện tử

Thứ Sáu, 06/12/2024, 20:21

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) xác định mặt hàng thuốc lá điện tử là một trong các mặt hàng trọng điểm sẽ được tăng cường kiểm tra, xử lý.

Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Huy cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và xử lý 65 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu và hoạt động kinh doanh không đăng ký theo quy định. Qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ 16.185 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện, với tổng giá trị hơn 4,9 tỷ đồng. Đến nay, các quyết định xử phạt hành chính đã được ban hành, với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.

img_20241114_144050.jpg -0
Lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với mặt hàng là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ông Huy cho biết, tình trạng kinh doanh thuốc lá điện tử diễn ra tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu ở các quận 1, 3, 7, 10, Tân Bình và Phú Nhuận.

Để ngăn chặn hành vi kinh doanh trái phép Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch kiểm tra cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thuốc lá điện tử đã được xác định là một trong những mặt hàng trọng điểm cần tập trung kiểm tra và xử lý. “Cục QLTT TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND TP. Hồ Chí Minh để thực hiện quy định cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025. Cục sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của thị trường để xây dựng mục tiêu tăng cường kiểm tra, xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với mặt hàng thuốc lá điện tử”, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh thông tin thêm.

Theo thông tin từ Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ gia cầm; chú trọng kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp ký cam kết với các cơ sở kinh doanh truyền thống, cơ sở thương mại điện tử, các cơ quan, tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

img_20241114_144052.jpg -1

Tại Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội cho biết, tiếp tục triển khai cao điểm cuối năm, lực lượng QLTT Hà Nội liên tiếp kiểm tra, xử lý các vụ việc kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có dấu hiệu nhập lậu. Từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ riêng Đội QLTT số 17 cùng Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 BCĐ 389 thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 7 vụ thuốc lá điện tử, phạt hành chính: 112.500.000 đồng, Buộc tiêu huỷ 606 sản phẩm thuốc lá điện tử dùng 1 lần, phụ kiện hút thuốc lá điện tử, tinh dầu thuốc lá điện tử, trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ lên đến trên 166 triệu đồng.

Cùng với đó, trong 2 ngày (13/11 và 14/11) Đội QLTT số 2 (quận Hoàn Kiếm) đã kiểm tra liên tiếp 4 cơ sở kinh doanh và tạm giữ 420 sản phẩm là máy hút thuốc lá điện tử dùng 1 lần và tinh dầu dùng cho máy hút thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ là hàng hóa nhập lậu. Các vụ việc đang được Đội QLTT số 2 thiết lập hồ sơ xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

img_20241114_144058.jpg -2

Trong thời gian tới QLTT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với mặt hàng là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cũng như đối với nhóm hàng hóa thiết yếu khác, có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng, sản phẩm thời trang; nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; gia súc, gia cầm; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); đặc biệt chú trọng kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu; sản phẩm động vật hoang dã...

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Chính phủ triển khai các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Theo đó, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Theo đó, từ năm 2025, hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử sẽ bị xử lý nghiêm khắc, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm.

img_20241122_093921.jpg -3

Về xử phạt vi phạm hành chính, người (chủ thể) thực hiện hành vi kinh doanh, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điều 7, điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung với khung hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù và bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền cao nhất tới 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Lưu Hiệp
.
.